Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Cần tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về bình đẳng giới
08:26 AM 03/12/2018
(LĐXH)- Trong quá trình sáng tạo, duy trì và phát triển của xã hội loài người, xây dựng đất nước, vun đắp hạnh phúc gia đình phụ nữ và nam giới đều cùng nhau tham gia đóng góp, nhưng cách nhìn nhận đối với vai trò, vị trí, lợi ích của mỗi giới, ở mỗi quốc gia, mỗi thời đại lại khác nhau. Do đó, vấn đề giới hiện nay đang được xã hội rất quan tâm.
Đảng và Nhà nước Việt Nam đã luôn quan tâm về vấn đề bình đẳng giới trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về bình đẳng giới và thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, ngày 29/11/2006, tại kỳ họp thứ 10 Quốc Hội khóa XI, Quốc hội đã thông qua Luật Bình dẳng giới.
Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội, góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới là xóa bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, cũng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình.
(Ảnh minh họa)
Góp phần vào công tác tuyên truyền về Bình đẳng giới, tôi xin trình bày một số vấn đề về Bình đẳng giới cụ thể như sau:
“Bình đẳng giới” theo quy định của Luật Bình đẳng giới được hiểu như thế nào?
Theo Điều 5 Luật Bình đẳng giới quy định: Bình đẳng giới là việc nam, nữ
có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó. Như vậy:
Bình đẳng giới có nghĩa là nam giới và phụ nữ được công nhận và hưởng các vị thế ngang nhau trong xã hội; Bình đẳng giới không chỉ đơn giản là số lượng của phụ nữ và nam giới hay trẻ em trai và trẻ em gái tham gia trong tất cả các hoạt động là như nhau.
Bình đẳng giới có nghĩa là nam và nữ đều có thể có nhữngđiều kiện bình dẳng để phát huy đầy đủ các tiềm năng của họ, có cơ hội để tham gia, đóng góp và hưởng lợi công bằng từ công cuộc phát triển quốc gia trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội và ngay trong gia đình.
Bình đẳng giới không có nghĩa là nam giới và phụ nữ giống nhau mà là các đặc điểm giống nhau mà là các đặc điểm giống nhau và khác biệt giữa nam và nữ được công nhận và có giá trị như nhau.
Bình đẳng giới có nghĩa là nam giới và phụ nữ được hưởng các thành quả lao động một cách bình đẳng.
Bình đẳng giới có những mục tiêu gì?
Luật Bình đẳng giới quy định các mục tiêu bình đẳng giới cơ bản của Nhà nước ta là:
Xóa bỏ phân biệt đối xử về giới: phụ nữ và nam giới không bị phân biệt đối xử trong gia đình, ở nơi làm việc, trong xã hội do các định kiến giới.
Tạo cơ hội như nhâu cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực. Ví dụ: trong lĩnh vực chính trị phụ nữ và nam giới đều được tạo cơ hội ngang nhau trong việc đề bạt, bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo của cơ quan, tổ chức; trong lĩnh vực kinh tế, được tạo cơ hội ngang nhau trong thành lập doanh nghiệp, tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh,...
Tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ. Bình đẳng giới thực chất có nghĩa là bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở các quy định pháp luật, các văn bản, chính sách của Đảng và Nhà nước mà phải được triển khai thực tế, thấm nhuần vào tư tưởng và hành động của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức.
Thiết lập, cũng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình: trên cơ sở hiểu biết về giới, thừa nhận vị trí, vai trò, đặc điểm của nam và nữ mà có sự hỗ trợ, hợp tác lẫn nhau giữa hai giới.
9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới
Trong thời gian tới, nhằm tăng cường việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới và các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới tới mọi tầng lớp nhân dân và bản thân người phụ nữ. Xây dựng và triển khai các hoạt động truyền thông, các mô hình về bình đẳng giới phù hợp với đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
2. Đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền nhất là phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, địa phương trong thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; bố trí, phân công công tác đối với nữ cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đúng quy định về bình đẳng giới. Cần phân định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi các chỉ tiêu về bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương không đạt được.
3. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới: Triển khai thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 24/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; triển khai nội dung công tác bình đẳng giới theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và về công tác dân số trong tình hình mới;
Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thi hành Luật bình đẳng giới, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và Quốc hội cho trình dự án Bộ luật lao động (sửa đổi) vào năm 2019, trong đó bổ sung, sửa đổi những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới.
4. Thực hiện rà soát, sửa đổi, điều chỉnh một số chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho giai đoạn 2015 - 2020 và Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và xu hướng phát triển trong nước, quốc tế, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả.
5. Tăng cường công tác phối hợp liên ngành và đẩy mạnh việc huy động nguồn lực trong nước và quốc tế dành cho công tác bình đẳng giới.
Thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vai trò của phụ nữ với kinh tế, tập trung 03 nội dung cơ bản là: đẩy mạnh bình đẳng giới vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, đổi mới và bao trùm; nâng cao năng lực cạnh tranh và đổi mới của doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ; thu hẹp khoảng cách giới trong phát triển nguồn nhân lực.
6. Cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình, Đề án, Dự án đã được phê duyệt.
7. Chính phủ triển khai xây dựng, triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình, Đề án tập trung giải quyết một số vấn đề lớn, gây bức xúc trong xã hội như: Việc làm, lao động sau tuổi 35 tại các doanh nghiệp, vấn đề bạo lực đối với phụ nữ, xâm hại trẻ em gái, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, vấn đề phát triển cán bộ nữ dân tộc thiểu số, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống...
Nghiên cứu, phát triển các mô hình tư vấn, hỗ trợ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung tăng cường cơ hội có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho người lao động, đặc biệt là lao động nữ. Tiếp tục nghiên cứu, củng cố và phát triển các dịch vụ bảo vệ phụ nữ và trẻ em khi bị bạo hành, bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo hành, xâm hại.
8. Quan tâm hơn nữa công tác đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt là đội ngũ nữ cán bộ tiềm năng và cán bộ làm tham mưu công tác bình đẳng giới.
Ban hành các chính sách nhằm tạo điều kiện và khuyến khích phụ nữ tự trau dồi, nâng cao trình độ và tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội, góp phần nâng cao quyền năng của phụ nữ nói chung và tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, các cơ quan dân cử nói riêng; đặc biệt đối với nữ lãnh đạo trẻ, nữ cán bộ dân tộc thiểu số. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ.
9. Tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Những vấn đề bất bình đẳng giới trong thực tế hiện nay
Định kiến giới và tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại khá phổ biến ở trong gia đình và một bộ phận dân cư trong xã hội. Trên thực tế, thời gian làm việc của phụ nữ trong gia đình thường dài hơn nam giới, nam giới vẫn được coi là trụ cột gia đình, có quyền quyết định các vấn đề lớn và là người đại diện ngoài cộng đồng. Còn các công việc nội trợ, chăm sóc các thành viên trong gia đình thường được coi là “thiên chức” của phụ nữ.
Hiện tượng bất bình đẳng vẫn phổ biến ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc phụ nữ là lao động chính song lại không có tiếng nói trong gia đình. Những người đàn ông thường giành thời gian cho việc làng, việc nước, họ hàng, rồi rượu chè, các tệ nạn xã hội… nên gánh nặng gia đình cũng như cường độ lao động và sự vất vả đều dồn lên đôi vai người phụ nữ.
Nguyên nhân trên do một bộ phận xã hội hiểu không đúng về bình đẳng và bình đẳng giới, còn quan niệm cho rằng bình đẳng giới là ưu tiên cho phụ nữ và việc thực hiện bình đẳng giới là trách nhiệm của Uỷ ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ và của Hội phụ nữ VN. Nhận thức mang tính định kiến giới còn tồn tại trong xã hội, nhất là lãnh đạo, cán bộ, công chức và nam giới…
Các giải pháp để pháp luật về bình đẳng giới ngày càng có hiệu lực, hiệu quả
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền Luật Bình đẳng giới để nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong thực hiện bình đẳng giới cho cộng đồng, giúp họ hiểu được trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới không chỉ là của mỗi cá nhân, mà là trách nhiệm của mỗi gia đình, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, nghề nghiệp.
Thứ hai, tăng cường mở các lớp đào tạo, tập huấn về giới và bình đẳng giới cho các đối tượng là cán bộ lãnh đạo, quản lý của các ban ngành, đoàn thể, những cán bộ trực tiếp tiến hành các hoạt động liên quan đến việc bảo đảm và thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ. Thông qua các khoá đào tạo, tập huấn này mà góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng về bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ, giúp họ có khả năng lồng ghép các chính sách về giới vào các chương trình kinh tế - xã hội ở địa phương có hiệu quả hơn.
Các nội dung đào tạo, tập huấn cần cung cấp cho đội ngũ cán bộ này các kiến thức mang tính toàn diện khách quan về bình đẳng giới. Cần phân tích thực trạng bất bình đẳng giới đang tồn tại ở nước ta hiện nay đã cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội để họ có được nhận thức và hành động đúng đắn hơn trong việc lồng ghép giới vào phát triển kinh tế - xã hội ở từng ngành, từng địa phương đạt hiệu quả.
Thứ ba, đối với cộng đồng dân cư, việc tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cần được thực hiện thường xuyên, liên tục. Tăng cường các hoạt động tập huấn để các loại tài liệu tuyên truyền, giáo dục về pháp luật, về giới và bình đẳng giới đến được với tất cả phụ nữ và cộng đồng. Cần có nhiều chương trình, dự án để lồng ghép với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, tạo điều kiện phát huy vai trò, vị thế của người phụ nữ, trên cơ sở này sẽ giúp cả giới nam và giới nữ xoá bỏ những tư tưởng phong kiến, lạc hậu ăn sâu trong tâm trí người dân, tạo điều kiện cho bình đẳng giới được thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn.
Thứ tư, phải có sự phối kết hợp thống nhất, chặt chẽ giữa các cơ quan, tổ chức để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; lên án, đấu tranh chống tư tưởng coi thường phụ nữ, các hành vi phân biệt đối xử, xâm hại, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ.
Thứ năm, cần phải có sự đầu tư, tạo điều kiện thích đáng cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới cho các địa phương, đặc biệt là cấp cơ sở vì đây là cấp hành động, là cấp gần dân nhất. Tạo điều kiện để xây dựng tủ sách pháp luật nói chung, có liên quan đến bình đẳng giới nói riêng ở cơ sở là một hoạt động cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục. Các loại sách phải có nội dung đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ và phù hợp với từng đối tượng.
Thứ sáu, đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường phổ thông, giúp cho thanh niên, thiếu niên nhận thức đúng những vấn đề giới và bình đẳng giới một cách cơ bản và hệ thống. Từ đó, các em có ý thức trách nhiệm về bình đẳng giới trong xây dựng gia đình và xã hội.
Thứ bảy, chú trọng việc nêu gương tốt, điển hình trong thực hiện bình đẳng giới qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục; đồng thời tạo dư luận xã hội công khai qua công tác tuyên truyền với những vụ việc vi phạm về bình đẳng giới./.
Nguyễn Thị Bích Mỵ
TAG:
Tin khác
Sơn La: Năm 2024 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11,1%
Tăng cường công tác phòng, chống đuối nước đối với trẻ em, học sinh
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật