Doanh nghiệp
Trang chủ / Kinh tế / Doanh nghiệp
Cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp logistics trên địa bàn Thủ đô
10:22 PM 26/10/2023
(LĐXH)- Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy phát triển logistics, Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của thành phố.
Thành phố Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 hoàn thành các thủ tục đầu tư, khởi công xây dựng, đưa vào khai thác vận hành một số công trình hạ tầng dịch vụ logistics quan trọng như: 2 cảng cạn ICD (tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm và xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức), 1 cảng container quốc tế (tại xã Cổ Bi, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), 1 Trung tâm bưu chính, chuyển phát (tại xã Kim Hoa, huyện Mê Linh) và một số dự án trung tâm tiếp vận trên địa bàn thành phố.
Hiện nay Hà Nội có khoảng 25.000 doanh nghiệp hoạt động logistics với các quy mô, cấp độ, loại hình, ngành nghề dịch vụ logistics khác nhau; khoảng 400 doanh nghiệp đang sử dụng gần 100ha đất để kinh doanh cho thuê kho, bãi tập kết sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu chờ cung ứng, phân phối, tiêu thụ; với các quy mô từ kho, bãi có diện tích nhỏ nhất là 60m2 đến kho, bãi có diện tích lớn nhất là 63.014m2.
Tuy nhiên, các kho, bãi này còn rất nhỏ lẻ, rời rạc, nằm rải rác trên địa bàn quận, huyện, thị xã thiếu sự gắn kết, hình thành một cách tự phát. Do vậy, quy mô đầu tư các kho, bãi này đơn giản; phần lớn là san nền phẳng và nhà kho sử dụng kết cấu lắp ghép khung thép có lợp mái tôn; một số ít kho, bãi có kho lạnh chuyên dụng để lưu trữ hàng thực phẩm đông lạnh.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thúc đẩy phát triển logistics, Hà Nội cần đặt ra mục tiêu phát triển và hỗ trợ các hoạt động logistics nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất và thương mại, hình thành một hệ thống logistics hiện đại và đóng góp ngày càng nhiều vào GRDP của thành phố.
Phát triển kết cấu hạ tầng logistics đồng bộ với kết cấu hạ tầng giao thông vận tải, kết cấu hạ tầng thương mại-dịch vụ văn minh, hiện đại; đáp ứng nhu cầu luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, trung chuyển và nội địa; đưa Hà Nội trở thành một đầu mối logistics quan trọng của vùng, của cả nước và khu vực.
TS Lê Thu Huyền – Đại học Giao thông vận tải cho rằng cơ sở hạ tầng logistics là vấn đề lớn nhất đối với vùng Thủ đô, kết nối vận tải đường dài phụ thuộc đường bộ, kết nối đa phương thức còn thấp. Trong bối cảnh nhu cầu vận tải và logistics hàng hóa tăng nhanh, sự phát triển bùng nổ của thương mại điện tử, cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, thiếu công nghệ, cơ sở vật chất và thể chế pháp lý rời rạc trở thành "điểm nghẽn" cho dịch vụ logistics vùng.

Ông Lê Minh Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty Tập đoàn Phú Mỹ giới thiệu về khu công nghiệp Phú Nghĩa đóng trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

Để đạt mục tiêu, Hà Nội đang đẩy mạnh kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án hạ tầng dịch vụ logistics theo quy hoạch. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu xây dựng các trung tâm logistics có quy mô phù hợp trên các tuyến đường vành đai TP kết nối các đầu mối gom hàng, các kho tập kết, phân phối hàng tại các khu vực tập trung sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp, khu công nghiệp, song song với phát triển hệ thống kho bãi, kho bãi chuyên dụng.
Hà Nội cũng đầu tư phát triển hệ thống giao thông thông minh, chuyển đổi các hạ tầng logistics (như cảng biển, cảng thủy nội địa, hàng không, đường sắt, kho vận...). Đặc biệt là rà soát, bổ sung quy hoạch xây dựng Địa điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung của TP.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Thế Hiệp, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư và hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, thúc đẩy tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics trên địa bàn và trong cả nước, với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế.
Khuyến khích, thu hút các nhà cung cấp dịch vụ logistics lớn trên thế giới và các doanh nghiệp logistics trong nước đặt trụ sở, chi nhánh và văn phòng giao dịch tại TP nhằm xây dựng Hà Nội thành trung tâm điều hành logistics của khu vực miền Bắc.
Cùng với đó, đẩy mạnh hợp tác liên kết với các địa phương lân cận trong vùng Thủ đô, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo thuận lợi cho sự giao lưu vận chuyển, phân phối hàng hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác./.
Thảo Lan
 
TAG: hỗ trợ nâng cao năng lực
Tin khác
Chuyển đổi công nghiệp để phát triển bền vững
Chiêm tinh tài chính - Lối rẽ từ khác biệt đến thành công của Mr Phú Hưng
Địa phương và doanh nghiệp phối hợp tái sinh rừng, hấp thụ Carbon hướng đến Net Zero
Nhiều hoạt động ý nghĩa tại Hội chợ Làng nghề thành phố Hà Nội lần thứ 20- năm 2024
VSMCamp & CSMOSummit 2024 định hướng xây dựng chiến lược  sales và marketing trong xu hướng phát triển bền vững
Activax triển khai chiến dịch Mở khoản đầu tư Mở rộng yêu thương
Sự kiện kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội quảng bá, giới thiệu sản phẩm và mở rộng thị trường
Chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt”: Nestlé Việt Nam tri ân người nông dân trồng cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên
Đột phá công nghệ và giải pháp chất lượng của Intech Group tại triển lãm giao thương quốc tế ngành chế tạo Hà Nội 2024