Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Trang chủ / Lao động / Đưa Nghị quyết 68/NQ-CP vào cuộc sống
Cần Thơ chi trả chính sách hỗ trợ người lao động theo Nghị quyết 68/NQ-CP đạt 79,72%
09:51 AM 04/11/2021
(LĐXH)- Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, tính đến ngày 02/11/2021, toàn thành phố Cần Thơ đã chi trả chính sách hỗ trợ cho 3.678 người sử dụng lao động, tương ứng với 265.476 lượt người, tổng kinh phí trên 418 tỷ đồng, đạt 79,72% so với số lượng được duyệt.
Đây là thông tin được đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Cần Thơ cho biết tại hội nghị trực tuyến giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với một số địa phương trọng điểm về các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường lao động tổ chức vào ngày 3/11.
Báo cáo về kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ cho biết: Đối với nhóm chính sách 1, 2 (giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất), thành phố đã hoàn thành hỗ trợ 3.660 người sử dụng lao động, với 86.060 người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với số tiền trên 42 tỷ đồng.

Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ trao đổi tại hội nghị trực tuyến

Thực hiện chính sách 3 (hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động), thành phố đang triển khai mở các lớp đào tạo nghề, duy trì việc làm cho người lao động, trong đó có lực lượng lao động là người Cần Thơ về từ vùng dịch.
Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức kết nối các doanh nghiệp như: Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ, Công ty Vinatex Vĩnh Thạnh Cần Thơ, Chi nhánh Công ty TNHH Bình Tiên Đồng Nai tại Cần Thơ và Trung tâm Dạy nghề Tây Đô kết nối việc sử dụng lao động đào tạo bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Dự kiến đào tạo nâng cao tay nghề cho 1.200 lao động đối với nghề may công nghiệp và giày da.
Về nhóm chính sách hỗ trợ tiền mặt (gồm các chính sách: 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 12 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP), toàn thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 244.552 lượt người, kinh phí trên 507 tỷ đồng. Đến nay, đã chi hỗ trợ cho 177.010 lượt người, kinh phí trên 366 tỷ đồng, đạt 72,52% so với số lượng được phê duyệt.
Đối với nhóm chính sách vay vốn (chính sách 11 theo mục II, Nghị quyết số 68/NQ-CP), Cần Thơ đã giải ngân cho 18 doanh nghiệp để trả lương ngừng việc, tương ứng với 2.406 lượt người lao động, tổng số tiền cho vay hơn 9,374 tỷ đồng.
Đại diện Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ cũng chia sẻ tại hội nghị: Quá trình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến khá phức tạp, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg, các ngành, các cấp tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp, tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, nên ít nhiều đã ảnh hưởng tiến độ thực hiện.
Tiến độ chi trả sau khi có Quyết định phê duyệt ở một số chính sách còn chậm do thiếu kinh phí, một số địa phương chưa chỉ đạo quyết liệt việc chi hỗ trợ. Thời gian thực hiện hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP được kéo dài hơn so với Nghị quyết số 42/NQ-CP năm 2020, do đó nhiều người dân, doanh nghiệp có tâm lý chờ hết dịch bệnh mới thực hiện, chưa chủ động thực hiện qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Người lao động và người sử dụng lao động cũng chưa thực sự hiểu hết các chính sách, chưa thực sự tích cực gửi các hồ sơ đề nghị hỗ trợ tới các cơ quan của địa phương.
Bên cạnh đó, công tác rà soát, lập danh sách, niêm yết danh sách hỗ trợ gặp nhiều khó khăn do trong thời gian thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg phải mất nhiều thời gian, nhân lực thực hiện. Một số địa phương chưa nghiên cứu sâu văn bản nên còn lúng túng trong việc hướng dẫn, giải thích để người lao động hiểu về chính sách. Đặc biệt là xác định công việc chính, điều kiện để được hỗ trợ theo Nghị quyết số 52/NQ-HĐND của HĐND thành phố Cần Thơ về chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động trong thời gian áp dụng các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn.
Về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ-CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg, toàn thành phố đã chi hỗ trợ gần 180 tỷ đồng cho 79.989 người lao động; giảm mức đóng BHTN cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 (giảm 1%) cho 3.554 đơn vị, tương ứng 85.623 lao động với số tiền giảm trên 57 tỷ đồng.

Người lao động quay trở lại làm việc tại Công ty Kwong Lung-Meko (Khu công nghiệp Trà Nóc 1, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ)

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Cần Thơ, do tác động của dịch COVID-19, thành phố có tổng số 11.128 doanh nghiệp với 149.316 lao động phải tạm dừng hoạt động để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Cần Thơ đã có 4.146 doanh nghiệp trở lại hoạt động với tổng số lao động đang làm việc là 39.676 người. Trong đó, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng 797 doanh nghiệp hoạt động với 12.145 lao động đang làm việc; lĩnh vực thương mại - dịch vụ 2.987 doanh nghiệp hoạt động với 17.683 lao động; lĩnh vực sản xuất 262 doanh nghiệp hoạt động với 8.334 lao động; lĩnh vực nông nghiệp 100 doanh nghiệp hoạt động với 1.514 lao động đang làm việc.
Một số doanh nghiệp chưa thể trở lại hoạt động do chưa đảm bảo việc tiêm vắc xin cho người lao động, chưa kịp thời xây dựng phương án gửi về cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay, Sở Công Thương đang phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp Cần Thơ và UBND các quận, huyện đang tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động trở lại.
Hiện tại, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tập trung số lượng lớn vào lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhất là ngành may công nghiệp với hơn 10.000 lao động. Trong đó, Công ty TNHH Tae Kwang Cần Thơ cần 6.000 lao động, Nhà máy may Vinatex Vĩnh Thạnh cần 3.000 lao động, Công ty TNHH Bình Tiên Biên Hòa tại Cần Thơ (Bitis) cần 600 lao động, Công ty TNHH Kwong Lung cần 200 lao động, Công ty TNHH May Tây Đô cần 200 lao động...

Chí Tâm

 

TAG:
Tin khác
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
Thời gian nộp hồ sơ, chuyển tiền đóng BHXH, BHYT, cấp giá trị sử dụng thẻ BHYT năm 2025
Hơn 2.700 vị trí việc làm tại Ngày hội việc làm lần 2-2024 tại TP.Thủ Đức
TP.HCM: Người bị nhà nước thu hồi đất được hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Nắm bắt công tác an toàn lao động tại Công ty Cổ phần Xây dựng Phục Hưng Holdings
Thứ trưởng Lê Văn Thanh: Khẳng định uy tín qua công tác an toàn lao động
Huyện Phú Vang: Triển khai hiệu quả công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng