Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực - Sự phối hợp của cả hệ thống chính trị
09:12 PM 19/05/2017
LĐXH - Ngày 19/5/2017, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo Can thiệp trợ giúp cho trẻ em bị bạo lực từ thực tiễn hoạt động của Đường dây Tư vấn hỗ trợ trẻ em 18001567.
Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em phát biểu tại hội thảo

Sự kiện này được tổ chức cùng với dịp Đường dây Tư vấn hỗ trợ trẻ em (Child helpline Việt Nam), thành viên thứ 82 của tổ chức Child helpline Quốc tế, kỷ niệm 13 năm thành lập và trưởng thành.

Theo số liệu từ Đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em, từ năm 2004 đến nay, Đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em đã tiếp nhận trên 2,5 triệu cuộc gọi của người lớn và trẻ em trên toàn quốc. Trong đó có trên 300.000 ca tư vấn, trên 3.500 trường hợp trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục, trẻ em bị mua bán, trẻ khuyết tật, mồ côi, bị tai nạn thương tích, trẻ chưa được làm giấy khai sinh… đã được Đường dây can thiệp trợ giúp.

Qua khảo sát trường hợp, nhiều vụ việc, người báo thông tin về trẻ bị bạo lực cũng chính là nạn nhân của bạo lực gia đình nhưng địa phương chưa xử lý mạnh, thậm chí yêu cầu người thông báo chỉ được đến báo cho UBND xã chứ không được gọi tới Tổng đài 18001567. Trong quá trình can thiệp trợ giúp trẻ em bị bạo lực, đường dây tư vấn gặp không ít khó khăn. Nhiều địa phương phản hồi gặp khó khăn trong quá trình tách trẻ ra khỏi môi trường gia đình gây bạo lực do trẻ không chịu rời khỏi gia đình và bản thân các thành viên trong gia đình không có sự đồng thuận trong việc tách trẻ. Do đó, với các ca này chủ yếu giao cho cán bộ xã theo dõi trường hợp. Nhiều vụ việc được thông báo là bạo lực trẻ em nhưng chính trẻ em lại không được tiếp cận để hỏi chuyện, đánh giá tổn thương và cảm xúc hay những mong muốn của trẻ mà cán bộ chỉ trò chuyện, làm việc với cha/mẹ. Điều này là đốt cháy giai đoạn, không đánh giá hết được mức độ nghiêm trọng của vụ việc cũng như tình trạng tổn thương của trẻ.

Theo ông Nguyễn Công Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ truyền thông, tình trạng cán bộ làm công tác trẻ em thiếu và yếu xuất hiện ở nhiều địa phương do việc thường xuyên thay đổi cán bộ, cán bộ địa phương kiêm nhiệm quá nhiều việc, đồng thời cán bộ chưa được đào tạo chuyên nghiệp về trợ giúp trẻ em, về công tác xã hội dẫn đến việc phát hiện trẻ em bị bạo lực, xâm hại chậm trễ cũng như xử lý qua loa vụ việc. Ông Hiệu cũng chia sẻ nhiều trường hợp cán bộ địa phương đã từ chối hợp tác với lý do chỉ phản hồi khi có công văn gửi xuống, còn liên lạc qua điện thoại, email không đủ căn cứ tin tưởng để cùng phối hợp dù vụ việc cần hỗ trợ càng sớm càng tốt. Hoặc đơn cử, việc hân viên tư vấn phải yêu cầu cán bộ địa phương làm rõ những chi tiết mâu thuẫn trong báo cáo từ phía địa phương cũng làm kéo dài quá trình can thiệp, hỗ trợ cho trẻ. Việc thiếu các dịch vụ trợ giúp cho trẻ bị bạo lực tại các địa phương cũng là một trong những khó khăn lớn. Một số dịch vụ cần thiết cho trẻ như: dịch vụ y tế, tạm lánh, dịch vụ trợ giúp tham vấn trị liệu tâm lý, dịch vụ trợ giúp pháp lý, dịch vụ giáo dục, việc làm cho trẻ… cần được xác định cụ thể tại mỗi địa phương và cần được xem xét để tháo gỡ các rào cản trong việc cung cấp các dịch vụ này cho trẻ. Có trường hợp, người cung cấp thông tin khẳng định có tình trạng bạo lực trẻ em tuy nhiên lại từ chối làm việc với cán bộ địa phương do sợ thông tin về bản thân không được bảo mật, bị trả thù... Những hạn chế của loại hình cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trách nhiệm từ nhiều phía và tới đây, ngay khi Luật Trẻ em và Nghị định hướng dẫn một số điều của luật có hiệu lực thi hành, sẽ là cơ sở pháp lý để khắc phục và xử lý tình trạng này.

Thông tin về Đường dây Tư vấn và hỗ trợ trẻ em

Tại hội thảo, thông tin về hoạt động can thiệp, trợ giúp cho trẻ em bị xâm hại theo luật định, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Nguyễn Thị Nga cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em, trong đó đã quy định rõ nhiệm vụ của Tổng đài điện thoại quốc gia Bảo vệ trẻ em và các điều kiện đảm bảo hoạt động của Tổng đài.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em về các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chính sách hỗ trợ; hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt...

Điểm đáng lưu ý là Nghị định quy định 05 trường hợp trẻ em được coi là bị xâm hại tình dục, cụ thể: trẻ em bị hiếp dâm; trẻ em bị cưỡng dâm; trẻ em bị giao cấu; trẻ em bị dâm ô; trẻ em bị sử dụng vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục tại nghị định này cũng tương ứng với các tội phạm xâm hại tình dục trẻ em tại Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là các tội: hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145), tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146), tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147).

Nghị định 56 cũng quy định, trẻ em bị xâm hại tình dục được bảo mật thông tin trong suốt quá trình tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác khi có hành vi xâm hại tình dục trẻ em xảy ra. Mọi thông tin được bảo mật vì lợi ích, sự an toàn của người cung cấp thông tin và trẻ em có liên quan. Khi phát hiện hoặc có thông tin về hành vi xâm hại hoặc có nguy cơ trẻ em bị xâm hại thì tổ chức, cá nhân phải báo ngay cho Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 18001567 hoặc cơ quan có thẩm quyền tại địa phương.

Đại diện tổ chức Plan Việt Nam phát biểu
Đại diện Hội Bảo vệ Quyền trẻ em thảo luận tại hội thảo

Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được sử dụng số điện thoại ngắn 3 số, không thu phí viễn thông và phí tư vấn đối với người gọi đến tổng đài, hoạt động 24/24h, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2017.

Đăng Doanh

TAG:
Tin khác
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng