Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Cần sớm tháo gỡ những vướng mắc để thị trường bất động sản phát triển bền vững
09:30 AM 23/09/2023
(LĐXH)-Sáng 22/9/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận cho các DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG 2023.
Năm 2023 cũng là năm thứ 6, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Chương trình Bình chọn các DỰ ÁN ĐÁNG SỐNG với sự tham gia cố vấn, bình chọn bởi các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản.
Những giải pháp nhằm phục hồi, phát triển bền vững thị trường sẽ được tiếp tục được phân tích, kiến nghị tại Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực bất động sản.
Phát biểu tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2023”, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, bất động sản là thị trường có vị trí và vai trò quan trọng đặc biệt đối với nền kinh tế quốc dân của Việt Nam. Thị trường bất động sản vừa có hệ sinh thái riêng, vừa có quan hệ trực tiếp với các thị trường khác như: thị trường tài chính, thị trường lao động...
Trên thực tế, nhìn nhận vai trò quan trọng của lĩnh vực bất động sản, từ đầu năm đến nay, Chính phủ đã không ngừng quan tâm và ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ thị trường hồi phục, doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành gần 10 nghị quyết, nghị định, thông tư, cùng với đó là nhiều cuộc họp với các hiệp hội, doanh nghiệp bất động sản đầu ngành được tổ chức để tìm ra hướng giải quyết những khó khăn trên thị trường.
Ông Phạm Tấn Công – Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và mới đây ngày 27/5/2023, tại Công điện 469/CĐ-TTg Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp trong ngắn hạn cũng như lâu dài để tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Tuy vậy, Chủ tịch VCCI cũng thẳng thắn chia sẻ, theo số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê, Cục Đăng ký kinh doanh - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp bất động sản hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản thành lập mới trong quý giảm. Cụ thể, quý I/2023 là 940 doanh nghiệp, giảm 63,2% so với cùng kỳ năm 2022, bên cạnh đó số lượng doanh nghiệp giải thể, ngừng kinh doanh có thời hạn lần lượt là 341 doanh nghiệp, tăng 30,2% và 1.816 doanh nghiệp, tăng 60,7% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản hiện đang gặp nhiều thách thức và phải thay đổi phương án kinh doanh, quản lý như tái cơ cấu nợ, tái cơ cấu hoạt động kinh doanh, thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động. Nhiều doanh nghiệp dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động để ứng phó với điều kiện khó khăn hiện tại.
Các chuyên gia, nhà khoa học chia sẻ tại Toạ đàm Phát triển bền vững thị trường bất động sản
Trao đổi tại “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản và Trao chứng nhận Dự án đáng sống 2023”, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng nhận định, lĩnh vực bất động sản là một trong những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, và có liên quan mật thiết đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế như xây dựng,  tài chính, du lịch, sản xuất, vật liệu xây dựng…  và có sức lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác.
Có thể thấy, lĩnh vực bất động sản tại Việt Nam trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn từ giữa năm 2022 cho đến tận thời điểm hiện tại. Sự vận hành thị trường bất động sản Việt Nam thời gian vừa qua vẫn nằm trong một tổng thể các vấn đề chung về khoảng cách giữa các chính sách, định hướng phát triển và thực tế vận động của thị trường không thể giải quyết ngay trong một sớm một chiều mà cần nhiều thời gian để thử nghiệm hay rút kinh nghiệm.
Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hành động rất quyết liệt để tháo gỡ những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, qua làm việc với các địa phương và doanh nghiệp, ông Hải đánh giá, hiện có rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai thực hiện do nhiều nguyên nhân, điển hình như nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đất đai, pháp luật về quy hoạch, về thẩm quyền điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung; về điều kiện, thời điểm rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đảm bảo đồng bộ quy hoạch xây dựng bao gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu… hay những nguyên nhân liên quan đến pháp luật về đầu tư. 
Các khách mời tham dự Diễn đàn chụp ảnh lưu niệm
Bên cạnh những khó khăn về pháp luật, những nhóm vấn đề liên quan đến nhà ở xã hội, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tổ chức thực hiện cũng đang tồn tại nhiều vấn đề khi khung pháp lý đã có nhưng việc triển khai cũng còn chậm với rất nhiều lý do. Ngoài ra, nhiều luồng thông tin đã gây ra nhiều hoang mang cho các nhà đầu tư, ảnh hưởng đời sống, thị trường và các doanh nghiệp.
Sau khi Nghị quyết số 33 đi vào thực tế, cơ bản đã có những kết quả ban đầu, nhiều khó khăn liên quan đến pháp luật, thể chế đã được tháo gỡ. Việc triển khai Nghị quyết 33 đã cởi bỏ được tâm lý e ngại, mất niềm tin của thị trường. Thị trường bất động sản có dấu hiệu phục hồi tích cực, tình hình thị trường cải thiện, quý II nhìn chung ít khó khăn hơn quý I và có tín hiệu sẽ tích cực hơn nữa thời gian tới.
Tại phiên Thảo luận, các đại biểu đã được nghe những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về những khó khăn vướng mắc, từ đó, đưa ra những giải pháp nhằm phát triển bền vững thị trường bất động sản.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam, thực tế hiện nay, thị trường bất động sản đang tồn tại 4 vướng mắc lớn: Thứ nhất, là vấn đề giải phóng mặt bằng; Thứ hai, là vấn đề quy hoạch; Thứ ba, là định giá đất; Thứ tư, là chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy, pháp luật cần tập trung vào các vấn đề đã nêu để tháo gỡ cho thị trường. Bên cạnh đó, vấn đề về thủ tục hành chính cũng là một trong những vướng mắc, gây khó cho doanh nghiệp hiện nay.
Toàn cảnh Diễn đàn
TS Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chia sẻ, hiện nay, thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Mặc dù sức cầu thị trường rất tốt, nhưng vẫn chứng kiến sự suy giảm trong giao dịch do các nhà đầu tư đang đối diện với vấn đề "chôn" vốn và phải giải quyết những thách thức tài chính. 
TS Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, trong giai đoạn cuối năm 2023 – đầu năm 2024, thị trường bất động sản sẽ ghi nhận nhiều dấu hiệu tích cực hơn so với giai đoạn cuối quý 2 và đầu quý 3/2024.
TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ quốc gia cho rằng: Dự báo khủng hoảng thị trường bất động sản đã được đưa ra nhưng không thể tránh được. Theo đó, bất động sản là sản phẩm thiết yếu dài hạn, do đó khi mất cân bằng cung cầu sẽ xảy ra khủng hoảng. Theo đó, lần khủng hoảng trước đây là dư cung, trong khi đó lần này là khủng hoảng thiếu cung. Trong bối cảnh đó doanh nghiệp lại thiếu vốn, không thể mở thêm dự án, do đó thị trường “đóng băng”.
TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng thị trường bất động sản có thể khó khăn kéo dài đến quý II, quý III sang năm. Để phục hồi thị trường bất động sản, Chính phủ đang quyết liệt tháo gỡ với các Tổ công tác về tháo gỡ khó khăn thị trường bất động sản với sự tham gia tới tận doanh nghiệp. Đây là nỗ lực chưa từng có, tuy nhiên kết quả chưa cao.
“Chúng ta chưa vào “tâm bão”, chúng ta chưa đẩy được cung của nguồn nhà ở giá rẻ thì chưa giải quyết được vấn đề. Làm sao để các doanh nghiệp đi vào nhà ở giá rẻ được “tự do”. Cần thiết Chính phủ quy định khung giá cho nhà ở giá rẻ như ở Trung Quốc, tránh làm các nhà đầu tư nhà ở giá rẻ nản lòng. Chúng ta chưa tạo được mặt bằng giá nhà ở bất động sản thì chưa giải quyết được khủng hoảng thị trường”, TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Cuộc trao đổi, thảo luận của các chuyên gia, doanh nghiệp đã phác họa ra một bức tranh toàn cảnh về thị trường bất động sản Việt Nam và những xu hướng đầu tư trong thời gian tới. Đây cũng là những câu chuyện chân thực từ thực tế hoạt động của các doanh nghiệp và những chính sách từ địa phương, qua đó góp phần cùng với các cơ quản lý thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển bền vững, Những ý kiến của các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng là những thông tin hữu ích để các nhà đầu tư tham khảo, trước khi ra các quyết định đầu tư ./.
Thảo Lan

 

TAG: các dự án đáng sống 2023
Tin khác
Mẫu xe máy điện không cần bằng lái, giá gần 18 triệu đồng
Grab Việt Nam gặt hái loạt giải thưởng với những chiến dịch Marketing ấn tượng trong năm 2024
Giá bán lẻ điện bình quân thay đổi thế nào trong 16 năm qua?
'So găng' lợi nhuận nhóm ngân hàng Big 4
Chuyên gia KT Cấn Văn Lực: GDP có thể tăng trưởng 8% năm 2025
Tết vui cùng Pumabooks: Lan tỏa giá trị lì xì sách
MobiFone được đề xuất giao cho Bộ Công an quản lý
Bỏ UpCom 'chào sàn' HoSE: Lọc hóa dầu Bình Sơn làm ăn sao?
Sự thật về đùi heo muối la liệt chợ mạng cận Tết Nguyên đán