Theo dự báo của Tổng cục Thống kê về tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi thì khoảng năm 2037, tỷ trọng người từ 60 tuổi trở lên lớn hơn hoặc bằng 20% tổng dân số, theo tính toán đó thì thời gian trở thành quốc gia có dân số già của Việt Nam sẽ giảm xuống còn khoảng 17 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia phát triển. Điều này ảnh hưởng đến việc tăng trưởng kinh tế, cũng như các chương trình an sinh xã hội đáp ứng yêu cầu của nhóm dân số cao tuổi là những người được coi là thiệt thòi và dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh đó, tỷ lệ gia đình hạt nhân ít con cũng ngày càng gia tăng, do vậy, vấn đề chăm sóc, hỗ trợ NCT đang là nhu cầu đặt ra hết sức cấp thiết. Ở một góc độ khác, số lượng NCT đang tăng lên theo tốc độ già hóa dân số, trong khi nhiều người muốn sống những năm tháng tuổi già tại các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc NCT. Tuy nhiên, cho đến nay các loại hình dịch vụ chuyên môn chăm sóc NCT, bao gồm hoạt động công tác xã hội (CTXH) ở nước ta còn rất yếu và thiếu, phần lớn còn mang tính trợ cấp, cứu trợ và đa số các hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần khác do NCT làm cho chính họ…
Qua hơn 10 năm triển khai đề án phát triển nghề CTXH ở nước ta, CTXH đã được coi là một nghề, có đầy đủ tính pháp lý, nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội phát triển và có vai trò quan trọng trong đời sống, bảo vệ quyền con người, nâng cao chất lượng cuộc sống tinh thần của cá nhân và gia đình. Các bộ, ngành, địa phương quan tâm phát triển nguồn nhân lực làm CTXH cùng hệ thống cơ sở có chức năng cung cấp dịch vụ CTXH. Ngoài ra, CTXH ra đời góp phần hình thành những giải pháp cho các hậu quả xã hội tiêu cực tất yếu của CNH-HĐH, điển hình như sự thay đổi trong cấu trúc và khủng hoảng gia đình, khoảng cách giàu nghèo, trẻ em lang thang, người già cô đơn... Riêng đối với công tác NCT, chúng ta xác định rõ với tỷ lệ già hóa dân số cao, thì chỉ trong vòng vài chục năm đến thì nhu cầu được chăm sóc bởi các nhân viên CTXH của NCT khá cao. Vậy nên, việc đẩy mạnh phát triển nghề CTXH theo hướng chuyên môn sẽ giúp hoạt động CTXH với NCT ngày càng có hiệu quả hơn.
Đến nay, hệ thống văn bản chính sách xã hội về NCT tương đối hoàn thiện, bảo đảm mọi mặt đời sống của NCT, giải quyết những khó khăn của NCT về kinh tế, những khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ xã hội, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, xã hội… Các quy định trong các văn bản chính sách góp phần đáp ứng đầy đủ mọi nhu cầu của NCT trong vấn đề ăn, mặc, ở, đi lại, nhu cầu an toàn, khám, chữa bệnh và nhu cầu được tự khẳng định bản thân, được tiếp tục học hỏi, tham gia lao động và đóng góp cho xã hội.
Theo các chuyên gia, trước các vấn đề NCT gặp phải, hoạt động CTXH chuyên nghiệp cần dựa trên một tiến trình trợ giúp - là một chuỗi các hoạt động tương tác giữa nhân viên xã hội với NCT để cùng họ giải quyết vấn đề. Trong quá trình này, nhân viên xã hội dùng chính các quan điểm giá trị, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng của mình để tham gia vào việc giải quyết các vấn đề của đối tượng và với hỗ trợ đó, bản thân NCT cũng huy động hết khả năng, sức lực của mình để giải quyết những khó khăn đang mắc phải. Cụ thể, tiến trình trợ giúp NCT là hoạt động mà trong đó bao gồm các bước chính như: Tiếp cận NCT, xác định vấn đề, thu thập dữ liệu, chuẩn đoán, lên kế hoạch trợ giúp, trợ giúp, đánh giá. Các bước này có thể nối tiếp nhau, nghĩa là kết thúc bước này thì mới được chuyển sang bước khác, song cũng có thể đan xen giữa các bước dựa trên kết quả của hoạt động đánh giá.
Đáng chú ý, theo Chương trình phát triển CTXH giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 112/QĐ-TTg, các cơ quan chức năng có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để nghề CTXH phát triển. Từ nay đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trường học, bệnh viện, UBND xã, phường, thị trấn,... có nhân sự làm CTXH; bảo đảm ít nhất 60% cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở y tế, giáo dục đủ khả năng cung cấp dịch vụ CTXH.
Trần Huyền