Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Cần có hành lang pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề lao động trẻ em
03:53 PM 13/11/2019
(LĐXH) - Trong nhiều nỗ lực lực nhằm giải quyết vấn đề lao động trẻ em, hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ xã hội, xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án, các hoạt động hội nhập quốc tế, đã thể hiện cam kết của Việt Nam đối với vấn đề này.

Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Điều này có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai việc phòng ngừa LĐTE, và Việt Nam đang có những bước chuẩn bị để trở thành quốc gia tiên phong trong Liên minh 8.7, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đã cam kết, trong đó có mục tiêu phát triển bền vững về xoá bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức LĐTE nặng nhọc, nguy hiểm.

Tại thời điểm này, Bộ luật Lao động 2012 và dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi đang trình Quốc hội có một chương quy định về lao động chưa thành niên dưới 18 tuổi, trong đó có LĐTE. Những quy định của Bộ luật Lao động hiện hành về cơ bản đáp ứng các yêu cầu của thực tiễn, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, cụ thể là các tiêu chuẩn theo Công ước của Liên hợp quốc tế quyền trẻ em (CRC), Công ước ILO số 138 về tuổi tối thiểu được đi làm việc và Công ước ILO số 182 về xóa bỏ những hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất. Những nội dung về lao động trẻ em đã được triển khai tích cực cùng với sự hỗ trợ của Dự án nâng cao năng lực quốc gia để phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em (tổ chức ILO hỗ trợ Cục trẻ em triển khai). Tuy nhiên, Bộ luật hiện hành cũng còn một số hạn chế cần được nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thực tiễn và quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam.

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), vướng mắc lớn nhất hiện nay nằm ở chỗ, việc sử dụng LĐTE không phổ biến ở khối kinh tế chính thức có quan hệ lao động mà chỉ xuất hiện nhiều ở khối kinh tế không chính thức và trong nhóm không có quan hệ lao động. Cần điều chỉnh hành lang pháp lý, trong đó có điều chỉnh Bộ luật Lao động sửa đổi để quản lý giám sát được LĐTE, kể cả trong nhóm không có quan hệ lao động. Bởi rất nhiều mặt hàng, ngành hàng xuất khẩu của ta hiện nay như thủy hải sản xuất khẩu, trồng trọt... xuất phát từ khu vực kinh tế không chính thức và nguy cơ sử dụng LĐTE trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng nhiều hơn. Vì vậy, các biện pháp phòng ngừa phải bắt đầu từ hành lang pháp lý để có những quy định đầy đủ về sử dụng LĐTE.

Phòng chống lao động trẻ em vì sự phát triển toàn diện của thế hệ trẻ (Ảnh minh họa)

Trong vấn đề này, doanh nghiệp giữ vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE là rất lớn từ việc giám sát toàn bộ quy trình sản xuất, các nhà thầu phụ và toàn bộ chuỗi cung ứng của mình. Nhiều nước trên thế giới đã thực thi rất nghiêm túc các điều khoản này, thể hiện quyết tâm nhằm chấm dứt vấn nạn sử dụng LĐTE. Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại quốc tế thế hệ mới, trong đó một trong những tiêu chí dễ bị soi xét và bị kiểm soát chặt chẽ nhất là LĐTE, đặc biệt là với những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản. Đơn cử như hằng năm, Bộ Lao động Hoa Kỳ có công bố danh sách các quốc gia mà họ cho rằng có sử dụng LĐTE, trong đó có Việt Nam, vì vậy, nếu doanh nghiệp không thực hiện nghiêm ngặt thì sẽ đối mặt nguy cơ vi phạm tiêu chuẩn của các hiệp định thương mại tiến bộ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị phần và uy tín của chính mình và rộng hơn, của cả quốc gia. Thêm một góc độ khác, khi vấn đề LĐTE bây giờ không chỉ đơn thuần là quyền trẻ em nữa thì chỉ khi nào có sự vào cuộc và ràng buộc trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp và người tiêu dùng thì công tác phòng chống, ngăn chặn sử dụng LĐTE mới đạt hiệu quả thực sự.

Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong thực hiện Chương trình phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó có nội dung phòng ngừa, giảm thiểu LĐTE. Chính phủ đã có Đề án Phòng ngừa và giảm thiểu LĐTE (Đề án 1023), bao gồm cả LĐTE trong khu vực kinh tế không chính thức, hướng đến đối tượng các làng nghề và kinh tế hộ gia đình. Đề án cũng chọn cách tiếp cận về truyền thông, làm sao đẩy mạnh truyền thông giáo dục các hộ gia đình, trẻ em và các cơ sở sử dụng lao động. Mặt khác, đề án hỗ trợ cho các hộ gia đình, các chủ sử dụng lao động ở các làng nghề để họ chuyển đổi môi trường làm việc. Cũng phải thừa nhận một thực tế, rằng một số gia đình, tại một số địa phương vẫn có nhu cầu sử dụng LĐTE. Vấn đề là làm sao để hỗ trợ họ sử dụng sao cho đúng quy định của pháp luật. Đó là cam kết rất tích cực của Chính phủ nhưng trách nhiệm triển khai nằm một phần ở chính quyền các địa phương. Nhận thức của chính quyền địa phương, của UBND các cấp cực kỳ quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tiến bộ nhất thì phải coi trọng các tiêu chuẩn về vấn đề sử dụng đối tượng lao động đặc biệt này. Bên cạnh đó, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để nhanh chóng phát hiện, loại trừ những sai phạm liên quan đến LĐTE, vốn rất phức tạp trong đời sống hiện tại.

Trần Huyền

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24