An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cần có chính sách hỗ trợ mua thẻ Bảo hiểm y tế cho bệnh nhân Lao
12:26 PM 26/12/2022
(LĐXH)- Theo bà Kiều Thị Mai Hương - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI), để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, rất cần đến sự đầu tư tài chính đầy đủ cho các chương trình chống lao tại địa phương và sự chung tay của tất cả cộng đồng. Trong đó, việc hỗ trợ mua thẻ BHYT là “chìa khóa” quan trọng để Việt Nam thực hiện mục tiêu chấm dứt lao vào năm 2030.
70% bệnh nhân mắc Lao là hộ nghèo
Phát hiện mắc Lao nhờ chương trình sàng lọc Lao chủ động từ dự án Tăng cường mạng lưới cộng đồng vì chấm dứt bệnh Lao ( Cset) do Trung tâm hỗ trợ Sáng kiến cộng đồng ( SCDI) triển khai, ông Kpả Chức, xã Ia Mla, huyện Krong Pa, Gia Lai đã rất lo lắng vì chặng đường 6 tháng điều trị lao phía trước. Nhất là hoàn cảnh nhà ông, vợ mất sớm, ông là trụ cột của 3 đứa con. Không đành lòng nhưng ông vẫn phải bán đi con bê ( được 7 triệu đồng – pv) để có tiền mua thẻ BHYT và tiền trang trải chi phí chữa bệnh.
“Giờ chính sách mua thẻ BHYT khá linh hoạt nên trước khi nhập viện tôi mua thẻ BHYT vẫn được chi trả tiền thuốc và tiền nằm viện. Tuy nhiên tiền đi lại, ăn ở những ngày ở viện khá tốn kém nên sau gần 5 tháng chữa bệnh số tiền bán con bê cũng hết”, ông Kpả Chức chia sẻ.
Ông Kpả Chức so với nhiều bệnh nhân vẫn còn may mắn vì vẫn có tiền để mua thẻ BHYT rất nhiều bệnh nhân mắc lao nhưng không có điều kiện để mua thẻ BHYT…
Nói về những khó khăn của bệnh nhân khi không có thẻ BHYT, ông Kpả Híp Trưởng trạm y tế xã Ia Mla cho biết, xã Ia Mla phần lớn người dân sống dựa bằng nông nghiệp trong đó diện tích chủ yếu trồng sắn lấy tinh bột. Đất đai không phì nhiêu nên thu nhập từ sắn rất thấp. Trong khi đó, việc điều trị Lao rất tốn kém về cả thời gian và kinh tế, rất nhiều người đã mắc lại vì không có điều kiện chữa theo phác đồ điều trị. Chính vì vậy, nếu không có thẻ BHYT bệnh nhân sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không điều trị đến cùng được. Trong xã cũng có những người tử vong vì Lao.
Không riêng ở xã Ia Mla, rất nhiều bệnh nhân lao đã phải dừng điều trị vì điều kiện kinh tế khó khăn trong khi đó lại không có thẻ BHYT.
Chia sẻ về những khó khăn khi điều trị lao không có thẻ BHYT, chị Kso Duyên – Cộng tác viên của mạng lưới CSET phòng chống lao của xã IaMlah, huyện Krông Pa, Gia Lai cho biết, những người mắc bệnh Lao thường phải trải qua quá trình điều trị tương đối dài, thông thường từ 3 đến 6 tháng. Trong quá trình điều trị, sức khỏe bệnh nhân bị ảnh hưởng khá lớn vì vậy hầu như không đi làm được vì vậy nếu không được BHYT chi trả thì nỗi lo chi phí chữa bệnh và sinh hoạt phí rất lớn.

Sàng lọc Lao cho người dân Đắk Lắk

Cần sự chung tay của xã hội
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định Việt Nam đang trên con đường chấm dứt bệnh lao. Điều quan trọng hàng đầu để đạt được mục tiêu vào năm 2030 là trong công tác phòng chống lao cần sự chuyển biến nhận thức của cả cộng đồng. Cộng đồng hành động "Tìm kiếm, điều trị cho tất cả bệnh nhân lao" để không ai bị bỏ lại phía sau. Để làm được điều này bên cạnh những chính sách chi trả điều trị từ Quỹ BHYT cần có chính sách hỗ trợ thẻ BHYT cho bệnh nhân lao đặc biệt với những bệnh nhân có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Đề cập đến vai trò của BHYT đối với bệnh nhân Lao, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình chống Lao quốc gia cho biết, Lao là căn bệnh cần điều trị lâu dài. Ước tính có 70% người mắc bệnh lao là người nghèo, nên nếu nhóm người này không có thẻ BHYT, việc theo đuổi điều trị bệnh tạo gánh nặng lớn cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy, BHYT đảm bảo cho người bệnh giảm thiểu chi phí điều trị, nó không chỉ là nguồn kinh phí bền vững nhằm đảm bảo cho mọi người dân bị bệnh lao đều được tiếp cận thuốc điều trị..
Tại địa phương, BS. Mai Minh Hiền, Giám đốc BV Lao và Phổi Gia Lai cho biết, đời sống kinh tế người dân còn khó khăn cộng với kiến thức về phòng chống lao còn hạn chế nên đa số đồng bào dân tộc thường mắc bệnh nặng mới đến BV khám khi phát hiện bệnh đã nặng. Thậm chí nhiều người phát hiện bệnh nhưng không có thẻ BHYT cũng không dám đi điều trị. Chính vì vậy, rất cần có sự hỗ trợ mua thẻ BHYT cho những bệnh nhân lao có hoàn cảnh khó khăn. Việc hỗ trợ mua thẻ BHYT không chỉ giúp bệnh nhân điều trị kịp thời mà còn góp phần hạn chế lây lan cộng đồng. Đây cũng chính là giải pháp hiệu quả để chấm dứt lao như mục tiêu đặt ra.
Thực tế trước đó, nhận thấy khó khăn, gánh nặng mà bệnh nhân lao phải chịu, được phép của Bộ Nội vụ và Bộ Y tế, Chương trình chống lao Quốc gia thành lập “Quỹ hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao – PASTB” thành lập ngày 16/3/2018. Đây là quỹ xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận, nhằm hỗ trợ chăm sóc, dự phòng, điều trị cho người bệnh lao, người bị ảnh hưởng bởi bệnh lao, có phạm vi hoạt động trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 12/2021, quỹ đã hỗ trợ được gần 3.000 lượt người bệnh với tổng số tiền hơn 6 tỷ đồng. Năm 2021, quỹ đã phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo quốc gia (Cổng 1400) tổ chức vận động nhắn tin ủng hộ người bệnh lao qua đầu số 1402 trong sự kiện lễ kỷ niệm ngày Thế giới phòng, chống lao (24/3/2021), chương trình đã huy động được 43.000 tin nhắn tương đương với 871 triệu đồng. Năm 2022, quỹ phối hợp với Cổng 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ quỹ, kết thúc chiến dịch nhắn tin ủng hộ từ 22/03 đến 20/05/2022, chương trình đã tiếp nhận được 49.000 tin nhắn, tương đương hơn 980 triệu đồng ủng hộ.
Có thể thấy, việc ra đời quỹ PASTB rất có ý nghĩa, song so với số bệnh nhân mắc bệnh lao cần hỗ trợ vẫn còn khiêm tốn. Theo Chương trình chống lao quốc gia, để người mắc lao được tiếp cận điều trị lao theo đúng phác đồ điều trị dài ngày, cần nghiên để có thêm ngân sách hỗ trợ, cấp thuốc chống lao miễn phí đến từng người bệnh một cách dễ dàng nhất. Chỉ khi người bệnh không gặp rào cản nào trong tiếp cận và điều trị bệnh lao mới có thể đạt mục tiêu chấm dứt bệnh lao./.

Để hỗ trợ tỉnh Đắk Lắk phát hiện chủ động bệnh Lao, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến Phát triển cộng đồng (SCDI) đã phối hợp với Bệnh viện Lao và bệnh phổi tỉnh tổ chức khám sàng lọc và điều trị bệnh lao miễn phí cho hơn 2.700 người dân ở 6 xã vùng sâu của huyện Ea H’leo. Theo đó, có khoảng hơn 2.700 người dân sẽ được các y, bác sĩ thăm khám các bệnh về lao, phổi như: nghe tim phổi, lấy mẫu xét nghiệm đờm, chụp X-Quang phổi... khi phát hiện có bệnh sẽ lấy đờm xét nghiệm Gene X-pert và có kết quả dương tính, bệnh nhân sẽ được điều trị ngay theo hướng dẫn và phác đồ của Bộ Y tế. Thông thường, một trường hợp xét nghiệm, chụp X-quang phổi để tầm soát bệnh lao sẽ có chi phí khoảng 2,5 triệu đồng. Việc miễn phí xét nghiệm và điều trị có ý nghĩa to lớn đối với người dân nhất là người có hoàn cảnh khó khăn.

Hải Uyên
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24