Đến thời điểm này, Việt Nam đã hoàn thiện khung hành lang pháp lý và các chính sách rất đầy đủ về bảo vệ trẻ em (BVTE) có tính chiến lược trong phòng ngừa bạo lực với trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, thúc đẩy thực thi quyền trẻ em và bình đẳng giới: Luật Trẻ em năm 2016 và các nghị định, hướng dẫn thực thi; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Phê duyệt Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 và Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025. Các chương trình xây dựng năng lực cho các cán bộ BVTE, cán bộ cung cấp dịch vụ BVTE, cơ chế phối hợp liên ngành trong BVTE cũng đang được củng cố để giải quyết các vấn đề cấp bách trong BVTE, ví dụ vấn đề bắt nạt và xâm hại trẻ em trên không gian mạng, vấn đề BVTE trong bối cảnh khẩn cấp.
Đặc biệt, trong thời đại công nghệ 4.0, hơn bao giờ hết, việc tạo ra môi trường mạng lành mạnh, trang bị kỹ năng số để trẻ em nhận biết và sử dụng Internet an toàn đã trở nên vô cùng cần thiết. Chính phủ đã ban hành và từng bước hoàn thiện các chính sách, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương tổ chức thực hiện nhằm BVTE trước những nguy cơ ngày càng nhiều trên không gian mạng thông qua các bộ Luật An toàn thông tin mạng năm 2015, Luật Trẻ em năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018… Chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với những mục tiêu chung, nhiệm vụ và trách nhiệm cụ thể của từng Bộ, ngành, nhằm hướng tới bảo vệ trẻ em khỏi các tác động tiêu cực từ không gian mạng.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác BVTE hiện còn nhiều khó khăn, nhất là trước những tác động lâu dài của đại dịch Covid-19. Vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần, giáo dục và phúc lợi xã hội của trẻ em đã bị tác động nặng nề. Hơn nữa, có nhiều lo ngại rằng những ảnh hưởng tiêu cực khác đến trẻ em sẽ biểu hiện rõ ràng hơn trong thời gian tới. Chính phủ và các tổ chức làm việc trong lĩnh vực thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em xác định rõ cần các giải pháp tổng thể và đa chiều để bảo vệ trẻ em bền vững hơn.
Theo báo cáo kết quả tóm tắt điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021, tỷ lệ trẻ em từ 1-14 tuổi từng bị bất kỳ hình thức xử phạt nào trong 1 tháng trước thời điểm điều tra là 70,8% và tỷ lệ này cao hơn thời điểm điều tra năm 2014 (68,4%). Cũng trong năm 2021, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực bởi người thân trong gia đình gia tăng 5,3% so với năm 2020, chiếm tỉ lệ cao nhất 72,8% trong số các loại hình xâm hại bạo lực, theo báo cáo của Tổng đài Quốc gia BVTE 111. Ðáng lưu ý, trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với những nguy cơ bị mất an toàn trên không gian mạng (quấy rối, xâm hại và bóc lột). Mỗi năm có hơn 500.000 cuộc gọi đến Tổng đài 111 về tư vấn, can thiệp bạo lực, bóc lột, trẻ bị mua bán, vi phạm quyền trẻ em… Chỉ trong 11 tháng đầu năm 2022, Tổng đài 111 tiếp nhận trên 356.000 cuộc gọi qua các kênh điện thoại, Zalo, app 111, trong đó, 413 ca liên quan đến xâm hại trẻ em trên môi trường mạng và 17 thông báo về các kênh, link, clip xấu, độc hại với trẻ em. Vấn đề bắt nạt và xâm hại trẻ em trên không gian mạng trở nên phổ biến và phức tạp.
Các vấn đề liên quan tới tính sẵn có và khả năng tiếp cận các dịch vụ BVTE khỏi các hình thức bạo lực trên cơ sở giới, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ tại cộng đồng còn nhiều hạn chế về chất lượng, thiếu hụt các dịch vụ thiết yếu cho trẻ em và gia đình các em. Thực tế, chỉ khoảng 20,6% trẻ em tìm kiếm sự giúp đỡ khi bị xâm hại, trong đó, nhóm trẻ em ở thành thị có tỷ lệ tìm kiếm sự hỗ trợ cao hơn nhóm trẻ em ở nông thôn với tỷ lệ lần lượt là 23,0% và 18,1%. Hệ thống chuyển tuyến và quản lý trường hợp trẻ em bị bạo lực cũng cần được cải thiện để đảm bảo các điều kiện cần và đủ để trẻ em (không phân biệt độ tuổi, giới tính, dân tộc, vùng miền) được sống, học tập và sinh hoạt trong môi trường an toàn, thân thiện và bình đẳng.
Ngoài ra, thực trạng tảo hôn tại các cộng đồng DTTS vẫn đáng báo động và có mối liên hệ với việc trẻ em bỏ học sớm, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục vị thành niên, tiếp cận cơ hội, nguồn lực và tăng cường quyền kinh tế của phụ nữ đồng bào DTTS; Tỉ lệ trẻ em gái từ 15 tuổi trở lên không biết chữ, bỏ học hoặc chưa hoàn thành cấp học PTTH ở các cộng đồng DTTS còn tương đối cao…
Ðể tiếp tục duy trì các kết quả đã đạt được, đồng thời giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong công tác BVTE, cần tới các giải pháp tổng thể và đa chiều với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Theo đó, cần tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ BVTE các cấp trong nhận diện và xử lý vụ việc xâm hại trẻ em; Nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành; giữa các cơ quan nhà nước và các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan khác trong công tác BVTE; Ðảm bảo phân bổ ngân sách phù hợp cho công tác BVTE ở các cấp, đặc biệt là ngân sách cho việc trả lương và đào tạo chuyên ngành công tác xã hội cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên làm công tác BVTE; Huy động nguồn lực để triển khai các chương trình quốc gia và lồng ghép các vấn đề BVTE trong chương trình phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của địa phương, đặc biệt trong các khu vực khó khăn và có tính đặc thù (vùng cao, nông thôn và miền núi) được tiếp cận khoa học kỹ thuật và công nghệ số, có tính tới việc ưu tiên trong cung cấp kiến thức về sử dụng không gian mạng an toàn cho trẻ em. Trẻ em gái và phụ nữ DTTS được tăng cường cơ hội học tập và tiếp cận nguồn lực để trở nên độc lập và tự chủ hơn. Tăng cường tiếng nói và sự tham gia của trẻ em và thanh thiếu niên trong việc đưa ra quyết định về các vấn đề liên quan tới trẻ em; Ðẩy mạnh công tác thực thi và giám sát thực thi luật pháp và các chính sách liên quan tới công tác BVTE.
Nguyễn Đăng Doanh