Cảm phục nghị lực vươn lên của những người khuyết tật
(LĐXH) - Trải qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống, nhiều người khuyết tật trên địa bàn thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) vẫn tràn đầy nghị lực, vượt qua nỗi đau, vươn lên trong cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Người khuyết tật làm kinh tế giỏi
Đó là anh Nguyễn Bá Tâm (44 tuổi), bị tai nạn lao động mất đi một chân, nhưng bằng ý chí và nghị lực, anh đã vươn lên làm chủ cuộc sống, gây dựng trang trại gia cầm, thủy cầm, cho doanh thu trên 500 triệu đồng/năm.
Khi là công nhân Công ty than Mạo Khê, TX Đông Triều, năm 2007 anh Nguyễn Bá Tâm bị tai nạn lao động mất đi chân phải. Không thể tiếp tục công việc tại Công ty, sau khi ổn định sức khỏe với quyết tâm không phụ thuộc vào gia đình, năm 2008, anh Tâm khởi nghiệp từ việc nuôi 20 đôi chim bồ câu và gần 100 con gà, ngỗng, thu nhập hơn 50 triệu/năm. Sau khi đi học hỏi nhiều nơi, nắm bắt kỹ thuật chăn nuôi và có kinh nghiệm, anh mở rộng quy mô tại thị trấn Mạo Khê, phát triển trên 100 đôi chim bồ câu và hơn 1.000 con gà, ngỗng.
Nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình chăn nuôi gia cầm, năm 2012 anh Nguyễn Bá Tâm đã xây dựng trang trại gia cầm - thủy cầm Quyết Tâm, mở rộng cơ sở tại xã Hồng Thái Đông, TX Đông Triều để đầu tư nuôi Vịt trời. Đàn vịt trời phát triển tốt, duy trì từ 1.000 - 3.000 con, xuất bán liên tục cho thu nhập ổn định.
Với quy mô hiện nay, mỗi tháng trang trại của anh Tâm cung cấp ra thị trường hơn 1.000 con chim bồ câu và gà, vịt các loại. Sản phẩm của trang trại cũng được công nhận là sản phẩm OCOP của địa phương, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Trung bình doanh thu của trang trại trên 500 triệu đồng/năm. Không chỉ làm giàu cho gia đình, trang trại của anh Tâm đã tạo việc làm cho một số lao động địa phương, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; phối hợp tốt với chính quyền địa phương trong bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Với những nỗ lực của bản thân và những đóng góp cho xã hội, năm 2016, anh Nguyễn Bá Tâm được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội vinh danh “Người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc” và nhiều năm liên tục nhận được bằng khen của UBND tỉnh, Hội Nông dân.
Nghị lực phi thường của người đàn ông bại liệt
Là người khuyết tật nặng nhưng bằng ý chí, nghị lực, anh Trần Mạnh Hà, 39 tuổi ở phường Đức Chính đã vượt qua khó khăn để ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Trần Mạnh Hà sinh ra và lớn lên khỏe mạnh như bao bạn cùng trang lứa khác, thế nhưng năm 13 tuổi, tai họa bất ngờ ập đến đưa anh sang một ngã rẽ khác của cuộc đời. Anh bị cảm nặng và biến chứng chạy sâu trong cơ thể, hậu quả là viêm tủy cắt ngang, lao xương, dính phổi và áp xe khớp xương. Trải qua 2 lần phẫu thuật nhưng anh đã bị liệt hoàn toàn, phải nằm một chỗ. Đã có lúc anh chán nản định tìm đến cái chết để giải thoát cho bản thân và bớt gánh nặng cho gia đình. Thế nhưng nhờ sự động viên của người thân và sự nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, anh đã quyết tâm thay đổi cuộc sống của mình. Anh bắt đầu tập ngồi, rồi tập bò, tập đứng bằng nạng.
Sau một thời gian dài luyện tập, anh đã có thể tự ngồi lên xe lăn, rồi xin đi học trở lại. Học đến lớp 9, anh xin nghỉ học để đi học nghề. Lúc đầu anh xin đi học nghề may, nhưng gặp nhiều khó khăn khi xin việc. Với quyết tâm không bỏ cuộc, anh tìm một nghề mới phù hợp với mình hơn, đó là học xử lý photoshop trên máy tính, thiết kế Album ảnh cưới. Anh đã xin vào học nghề tại nhiều hiệu ảnh cưới trên địa bàn. Mới đầu một số chủ tiệm còn e dè không nhận người khuyết tật đi bằng nạng và xe lăn như anh. Họ cho rằng những người khuyết tật khó làm photoshop ảnh được vì yêu cầu kỹ thuật công nghệ, tính thẩm mỹ. Tuy nhiên bằng sự kiên trì, thuyết phục, cuối cùng anh cũng đã xin học việc tại một tiệm ảnh gần nhà.
Xin học nghề đã khó, việc học nghề quả là một quá trình vô cùng gian nan vất vả. Hơn một năm đầu anh chỉ làm những việc quét nhà, nấu cơm, sửa chữa quần áo cho tiệm. Thế rồi anh cũng được chỉ dẫn cách làm photoshop ảnh. Một người chưa biết gì về máy tính từ những cái sơ đẳng nhất là một thách thức lớn đối với anh.
Vượt qua trở ngại, anh chăm chú ghi chép những gì mà thầy dạy, rồi hàng đêm khi mọi người chìm sâu vào giấc ngủ, anh ngồi lại tiệm, mở máy tính thực hành thao tác đã học. Cứ thế, kéo dài qua hàng tháng, hàng năm cuối cùng nỗ lực của anh cũng được đền đáp, anh đã tự tin làm được nhiều loại ảnh cưới của tiệm, được mọi người ghi nhận, cảm phục.
Khi có nghề trong tay, anh đã xin làm thuê tại nhiều tiệm ảnh lớn ở Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long. Cũng thời gian này, một người phụ nữ đã cảm mến và kết duyên vợ chồng với anh, Đến nay gia đình anh đã có 2 cô con gái ngoan ngoãn và xinh xắn.
Khi kinh nghiệm đủ chín, năm 2017 anh đã đầu tư gần 200 triệu đồng từ số tiền dành dụm của hai vợ chồng và vay mượn người thân, bạn bè để mở hiệu ảnh Hà Hiền ở khu Trạo Hà (phường Đức Chính, thị xã Đông Triều). Hiệu ảnh của anh nhận các hợp đồng làm album ảnh, hợp đồng sự kiện ảnh kỷ niệm, ảnh cưới... đủ chủng loại, kích cỡ. Qua 3 năm hoạt động, hiệu ảnh đã mang lại thu nhập ổn định cho gia đình anh.
Ông Lãnh Thế Vinh, Chủ tịch Hội bảo trợ người khuyết tật và Trẻ mồ côi tỉnh, khẳng định: Anh Nguyễn Bá Tâm, Trần Mạnh Hà là những tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Giúp truyền cảm hứng mạnh mẽ đến nhiều người, đặc biệt là những NKT để họ có niềm tin và vươn lên trong cuộc sống./.
Cảnh Minh
TAG: