Cách phân biệt giá đỗ sạch và ngâm hoá chất thế nào?
(LĐXH) - Giá an toàn có màu trắng đục, trắng sữa. Còn trong cây giá có chất kích thích than giá có màu trắng muốt bởi trong chất kích thích có chất tẩy trắng.
Mới đây, vụ việc hơn hàng nghìn tấn giá đỗ bị ngâm chất cấm 6-Benzylaminopurine ở Đắk Lắk đã bán ra thị trường gây xôn xao dư luận.
Giá đỗ là món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày và được các gia đình sử dụng như một loại rau sống ăn kèm trong nhiều món ăn khác nhau. Thực tế, trên thị trường có nhiều loại hóa chất khác nhau mà người sản xuất giá thường mách nhau mua với mục đích cho giá mọc nhanh, mẫu mã đẹp và để được lâu, không bị ủng.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Ninh - Phó Viện trưởng Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, để phân biệt được đâu là giá đỗ an toàn thì chính xác nhất phải có thiết bị đo lường thực phẩm của Cục An toàn thực phẩm. Tuy nhiên, về cảm quan, có thể sử dụng một số cách sau:
Giá đỗ an toàn: Thân cây giá mảnh, rễ dài, mầm lá được đẩy ra ngoài.
Giá đỗ không an toàn: Lá không nảy ra khỏi hạt mầm, thân cây giá mập, ngắn, rễ không phát triển. Vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá an toàn có màu xanh như màu xanh hạt đỗ bình thường còn vỏ hạt đỗ được bong ra từ cây giá có chất kích thích có màu xanh đen (do phản ứng hóa học tác động khiến vỏ đỗ đen đi nhiều).
Về màu sắc: Giá an toàn có màu trắng đục, trắng sữa. Còn trong cây giá có chất kích thích than giá có màu trắng muốt bởi trong chất kích thích có chất tẩy trắng.
Giá an toàn khi nấu lên sẽ không bị mềm nhũn và ra nhiều nước như giá kích thích. Bởi giá có chất kích thích chứa nhiều nước.
Còn Tiến sĩ Đỗ Ngọc Chung - người sáng lập Công ty TNHH Giải pháp Năng lượng Toàn diện, chủ nhiệm dự án Sạch hóa giá đỗ Việt, nếu làm giá sạch theo phương pháp truyền thống, cứ một kg đỗ xanh được khoảng 5 kg giá sạch. Tuy nhiên, nếu sử dụng thuốc kích thích, sản lượng có thể lên đến 8 kg. Mặt khác, giá thường rất nhanh hỏng, làm 3-4 ngày có thể hỏng, do nhiễm khuẩn từ nước, không khí. Đó là lý do đa số xưởng sản xuất giá đỗ dùng hóa chất kích thích, chống hỏng, chống thối.
Trước đó, ngày 26/12, qua kiểm tra 6 cơ sở ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, cảnh sát đã phát hiện 20.357 kg giá đỗ bị ngâm chất cấm 6- Benzylaminopurine (ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong). Trung bình mỗi ngày, các cơ sở đã bán ra khoảng 8-10 tấn giá đỗ độc hại ra ngoài thị trường trong năm nay.
Theo cơ quan điều tra, trong năm 2024, nhóm này đã bán ra thị trường khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6- Benzylaminopurine - không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
Ngọc Anh