Các phương thức chi trả Bảo hiểm xã hội ở Việt Nam và một số kinh nghiệm quốc tế
(LĐXH) - Ngày 15/6/2018 tại Hà Nội, Ngân hàng thế giới (World Bank Group) phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo về Các phương thức chi trả bảo hiểm xã hội (BHXH) – Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Lê Quân
Tham dự hôi thảo có ông Phạm Phạm Trường Giang – Vụ trưởng Vụ BHXH, đại diên Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; BHXH Việt Nam; các chuyên gia trong và ngoài nước cùng đại diện các cơ quan BHXH đến từ các địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Lê Quân cho biết: thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH đã không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo hướng ngày càng phù hợp; góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội. Trong năm 2017, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ 02 Nghị định và đề xuất gửi Bộ Tư pháp thẩm định để đưa vào chương trình năm 2018 một Nghị định; trình Chính phủ 02 Đề án, trong đó có Đề án cải cách chính sách BHXH. Cùng với đó là thực hiện chương trình phối hợp tuyên truyền về chính sách bảo hiểm xã hội; theo dõi, hướng dẫn và xử lý vướng mắc về chính sách bảo hiểm xã hội; trả lời ý kiến chất vấn của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri; tiếp nhận đơn thư và tiếp công dân; Phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nghiên cứu “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với bộ thủ tục hành chính bảo hiểm xã hội”, “Nghiên cứu khả năng triển khai Điện tử hóa quá trình thanh toán trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội”…
Tại Việt Nam, các phương thức chi trả chế độ BHXH thường thông qua đơn vị sử dụng lao động, qua tài khoản cá nhân của người lao động tại ngân hàng hoặc trực tiếp bằng tiền mặt. Tính đến năm 2017, toàn bộ hoạt động chi trả BHXH qua mạng lưới đại lý bảo hiểm tỉnh, huyện được chuyển qua mạng lưới các bưu cục xã trên 63 tỉnh thành toàn quốc; trong đó, chi trả qua tài khoản ngân hàng chiến tỷ lệ 17%.
Ngày 8/9/2017, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7194/NHNN-TT về việc đẩy mạnh thanh toán điện tử trong phối hợp thu nộp và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Theo văn bản chỉ đạo này, các ngân hàng đã ký thỏa thuận hợp tác với BHXH Việt Nam cần tiếp tục chú trọng và tăng cường phối hợp để cung ứng đa đạng các dịch vụ thanh toán điện tử đối với việc thu nộp và chi trả các chế độ BHXH, BHYT, BHTN.
Hiện nay, quy trình chi trả BHXH tại Viêt Nam đang còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc do người thụ hưởng phái đến địa điểm giao dịch gần nhất của mạng lưới VNPost để nhận tiền mặt; xuất trình thẻ chúng minh nhân dân, số tiền và địa bàn đăng ký nhận tiền bảo hiểm…Như vây, với việc sử dụng mạng lưới bưu cục của VNPost, trung bình BHXH Việt Nam sẽ trích khoảng 0,46 giá trị chi trả cho chi phí đại lý với VNPost. Trong năm 2016,, tổng mức chi trả qua VNPost khoảng 167 nghìn tỷ đồng, mức chi phí đại lý VNPost nhận được từ BHXH Việt Nam là khoảng 810 tỷ đồng/năm. Với mạng lưới bưu cục đến xã gồm 14,834 điểm và trên 17.100 nhân viên phục vụ cho hoạt động chi trả, trung bình mỗi nhân viên của VNPost tạo ra khoảng 47 triệu đồng/năm từ hoạt động đại lý chi trả BHXH. Có thể thấy, doanh thu này không phải là lớn đối với một mô hình kinh doanh, nếu công tác tổ chức, quản lý và vận hành của VNPost không được tối ưu.
Trên thế giới, các chương trình BHXH đang ngày càng hướng đến các mô hình thanh toán điện tử do tính bảo mật cao, độ tin cậy và thất thoát thấp hơn và khả năng thực hiện chính sách tài chính toàn diện. Ví dụ điển hình tại Philippin, Chương trình Pilgrat Pamilyang Pilipino là một chương trình nhắm vào các hộ gia đình gia đình nghèo và người mang thai hoặc có con nhỏ từ 0 đến 14 tuổi. Hệ thống thanh toán đã phát triển đáng kể từ việc phục vụ 800.000 hộ gia đình bởi chỉ một nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian duy nhất trong năm 2008, đến 9 nhà cung cấp dịch vụ thanh toán trung gian trong năm 2014 để phục vụ cho 2,4 triệu hộ gia đình thanh toán một cách đồng bộ và kịp thời.
Trong năm 2008, Ngân hàng Nhà đất Philippin (LBP), một ngân hàng lớn nhất trong số 3 ngân hành thuộc sở hữu của Chính phủ được chỉ định để chi trả thông qua thẻ rút tiền mặt. Thẻ rút tiền mặt là một công cụ có mục đích giới hạn mà người nhận có thể sử dụng tại các chi nhánh của LBP, Metro Bank và Bank of the Philippin để rút tiền. Chúng không được liên kết với tài khoản ngân hàng và không thể sử dụng để thực hiện tiết kiệm tiền hoặc làm thẻ ghi nợ thông thường. Trong năm 2015, Chính phủ Philippin đã tiến hành xem xét các quy trình kinh doanh để tăng tỷ lệ thanh toán điện tử lớn hơn và thanh toán hiệu quả hơn. Những đề xuất này nhằm thúc đẩy chương trình tài chính toàn diện và giúp tận dụng mạng thanh toán rộng lớn của quốc gia này.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong việc số hóa và sự phát triển của hệ thống chi trả; thực trạng các phương thức chi trả BHXH, những khó khăn thách thức trong việc chi trả qua hệ thống ngân hàng và định hướng trong thời gian tới; tư vấn về phát triển hệ thống thanh toán điện tử trong lĩnh vực BHXH ở Việt Nam…
Hà Giang
TAG: