Các giải pháp đảm bảo quyền an sinh xã hội của người dân
(LĐXH) - Sáng ngày 27/8/2020, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển kỹ năng và tri thức công tác xã hội (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Các giải pháp đảm bảo quyền an sinh xã hội của người dân”.
TS. Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại Hội thảo
Tham dự Hội thảo có PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn; TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH), các chuyên gia, giảng viên đến từ các Trường, Học viện, các thầy, cô giáo Khoa Xã hội học. Mục tiêu của Hội thảo là nhằm làm rõ những vấn đề lý luận về việc thực hiện quyền ASXH; Phân tích kinh nghiệm quốc tế về thực hiện quyền ASXH của người dân; Thực trạng thực hiện quyền ASXH về bảo vệ việc làm, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, tiếp cận giáo dục tối thiểu, nuôi dưỡng chăm sóc tại cộng đồng và hỗ trợ khẩn cấp khi gặp biến cố bất ngờ của người dân.
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Hoa, Khoa Xã hội học, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn nhấn mạnh: Chính sách an sinh xã hội là một trong những chính sách cơ bản của mỗi quốc gia hướng vào phòng ngừa, bảo vệ, đảm bảo an toàn cho các thành viên trong xã hội trong các trường hợp rủi ro. Xây dựng, hoàn thiện, vận hành hiệu quả mô hình ASXH dựa trên nguyên tắc chia sẻ trách nhiệm và công bằng xã hội, là một trong những chỉ báo quan trọng của một xã hội phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.
Các đại biểu tham dự Hội thảo
Xã hội càng phát triển, đời sống con người càng phong phú thì nhu cầu đảm bảo ASXH càng đa dạng và gia tăng. Do đó, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra những chủ trương và chính sách quan trọng nhằm mục tiêu thúc đẩy ASXH, chăm lo, phát triển nguồn lực con người, vì phát triển bền vững. Tỷ trọng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho ASXH trên 28%. Nhà nước đặc biệt ưu tiên cho tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, trợ giúp xã hội nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và đáp ứng một số dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nước sạch, nhà ở và vệ sinh môi trường...). Đối tượng được tiếp cận hệ thống ASXH và hưởng lợi từ chính sách ngày càng được mở rộng, chất lượng cung cấp dịch vụ ASXH từng bước được nâng cao.
Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại và thách thức đặt ra trong thực hiện chính sách ASXH như: Mô hình ASXH chưa hoàn chỉnh, thiếu tính hệ thống gắn kết nhau, chính sách ASXH vẫn còn những bất hợp lý; mức độ bao phủ của chính sách còn thấp và chất lượng cung cấp dịch vụ chưa đáp ứng yêu cầu của đối tượng thụ hưởng. Trong khi ngân sách Nhà nước đầu tư cho chính sách ASXH còn khó khăn, thì mức độ xã hội hóa lại chưa cao, tỷ lệ chăm sóc đối tượng dựa vào cộng đồng chưa nhiều, chủ yếu vẫn là nguồn lực của Nhà nước.
Thực tế trên cho thấy, còn nhiều nhóm đối tượng lọt lưới hoặc bị loại khỏi hệ thống ASXH và có nguy cơ bần cùng hóa nếu không có các biện pháp trợ giúp họ vượt qua các khó khăn về kinh tế và xã hội.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, ASXH là sự bảo vệ mà xã hội thực hiện với các thành viên của mình thông qua một loạt các biện pháp công cộng để chống lại sự cùng quẫn về kinh tế và xã hội dẫn đến sự chấm dứt hay giảm sút đáng kể về thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, mất việc làm... Ở Việt Nam, hệ thống ASXH bao gồm các chính sách: Việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; Bảo hiểm xã hội; Trợ giúp xã hội cho nhóm đặc thù; Dịch vụ xã hội cơ bản. Nghị quyết số 15 -NQ/TW ngày 01/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI “Một số vấn đề chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020” cũng như trong các văn bản pháp lý thì người dân có quyền ASXH như: Quyền có việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu cho người lao động thông qua hỗ trợ cá nhân và hộ gia đình phát triển sản xuất, hỗ trợ tín dụng, giải quyết việc làm và kết nối thông tin thị trường lao động; Người lao động có quyền tham gia hệ thống chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp nhằm đối phó với những tình huống rủi ro như bị giảm sút hoặc mất khả năng lao động; Quyền tiếp cận của người dân đối với những dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường)...
Còn theo TS. Nguyễn Văn Hồi, chính sách ASXH có vai trò đặc biệt quan trọng, là mục tiêu, là động lực để phát triển nhanh và bền vững trong mọi giai đoạn phát triển. Chính sách xã hội phải được đặt ngang tầm với chính sách kinh tế và thực hiện đồng bộ với phát triển kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển và khả năng nguồn lực trong từng thời kỳ. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản đảm bảo ASXH toàn dân, bảo đảm mức sống tối thiểu về thu nhập, giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch và thông tin truyền thông.
TS. Nguyễn Văn Hồi đưa ra một số khuyến nghị định hướng chính sách ASXH đến năm 2030 như về chính sách ưu đãi người có công; việc làm, thu nhập và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội những người có hoàn cảnh khó khăn; bảo đảm giáo dục tối thiểu; y tế tối thiểu...
Cũng tại Hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đã trình bày một số tham luận: Định hướng pháp lý thực hiện quyền ASXH về việc làm, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận giáo dục; Thực trạng thực hiện quyền ASXH về chăm sóc sức khỏe của người dân hiện nay; Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện quyền ASXH về việc làm, chăm sóc sức khỏe và tiếp cận giáo dục cơ bản../.
Hồng Phượng
TAG: