Tài chính - Bất động sản
Trang chủ / Kinh tế / Tài chính - Bất động sản
Các chuyên gia, cố vấn tài chính cấp cao thảo luận giải pháp “Ứng biến trong vạn biến”
11:33 AM 07/06/2024
(LĐXH)- Ngày 6/6/2024, tại Hà Nội, Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 với chủ đề “Ứng biến trong vạn biến” nhằm thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam, các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm mang lại hiệu quả.
Diễn đàn thu hút khoảng 300 đại biểu là đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia uy tín, lãnh đạo các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, các doanh nghiệp niêm yết, công ty bất động sản, các nhà đầu tư... tham dự trực tiếp.
Diễn đàn cũng được phát trực tuyến trên các báo điện tử baodautu.vn, tinnhanhchungkhoan.vn của Báo Đầu tư, các nền tảng mạng xã hội https://www.facebook.com/baodautu.vn, facebook.com/tinnhanhchungkhoan, và kênh https://youtube.com/@TaichinhKinhdoanhTV của Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam, với gần 300.000 thành viên.
Diễn đàn được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đối diện với đầy rẫy những biến động, rủi ro địa chính trị tăng cao, lạm phát còn dai dẳng và có sự phân cực lớn trong điều hành chính sách tiền tệ của các quốc gia có tác động tới kinh tế Việt Nam, Mỹ và châu Âu tiếp tục thắt chặt, trong khi các quốc gia châu Á đã xoay trục sang nới lỏng, vì vậy, việc nhận rõ những biến số quan trọng tác động đến kinh tế để xây dựng kịch bản đầu tư chủ động, linh hoạt là vô cùng cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu Trần Quốc Phương phát biểu tại Diễn đàn.
Ứng với mỗi kịch bản kinh tế sẽ là một danh mục tài sản đầu tư được xây dựng cẩn trọng và bền vững, lựa chọn kỹ càng sản phẩm đầu tư từ đơn vị uy tín sẽ là vấn đề mấu chốt nhằm vừa mang lại hiệu quả, vừa quản trị rủi ro chặt chẽ và phù khợp khẩu vị cho từng nhà đầu tư Việt Nam.
Chia sẻ về chủ đề của Diễn đàn, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư- đơn vị chủ trì diễn đàn dẫn báo cáo của Chính phủ, trong đó đã khái quát tình hình hiện nay là “nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường chính trị - kinh tế thế giới vẫn còn hiện hữu và tiếp tục tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô, tăng trưởng của các nước đang phát triển, khiến công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn. Rõ ràng chúng ta đang không ở trong điều kiện “thuận buồm xuôi gió”. Vấn đề là ứng biến như thế nào với vạn biến đó?"
Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cũng đã chỉ ra những rủi ro tiềm ẩn từ môi trường địa chính trị, địa kinh tế thế giới đang tác động tiêu cực đến triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế, tạo sức ép lớn lên điều hành kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Tuy vậy, với sự nỗ lực trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp (DN) và người dân, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ.
Các chuyên gia chia sẻ tại Diễn dàn.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực.
Dựa trên những kết quả đạt được và đánh giá xu hướng thời gian tới, Bộ KH&ĐT đã kiến nghị Chính phủ lựa chọn kịch bản tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024, đúng như mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội đã quyết nghị, để chủ động trong điều hành.
Theo Thứ trưởng “Có nhiều yếu tố thuận lợi, đan xen cả từ bên ngoài và bên trong, để chúng ta có thể kỳ vọng vào xu hướng phục hồi tích cực của nền kinh tế”.
Dẫn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 mới đây về việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho DN, khơi thông các thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu DN, thị trường tài chính và tiền tệ… để góp phần giúp nền kinh tế vận hành thông suốt, hiệu quả, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, thách thức và sức ép là rất lớn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã xác định không lùi bước trước khó khăn. Chúng ta phải kiên định với mục tiêu Quốc hội đã quyết nghị, bình tĩnh, kiên trì thực hiện các giải pháp đã đề ra, đồng thời theo dõi sát tình hình để có phản ứng chính sách kịp thời, chủ động, hiệu quả, một khi thị trường và kinh tế thế giới có “vạn biến...
Với 2 phiên thảo luận chuyên sâu với chủ đề Kịch bản kinh tế vĩ mô và Nắm bắt cơ hội trong quản trị danh mục đầu tư, các diễn giả tham dự Diễn đàn sẽ thảo luận chuyên sâu về các kịch bản kinh tế toàn cầu và Việt Nam nói riêng; các cơ hội, tỷ trọng các tài sản đầu tư nhằm đạt hiệu quả trong danh mục và chuyên sâu về danh mục cổ phiếu.
Các ý kiến tại Diễn đàn đều đồng tình cần có các giải pháp ứng phó với vạn biến. Theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng, càng vạn biến thì nên càng ít ứng biến. Theo ông, các vạn biến này là nhân tố của sự bình thường, nên chúng ta phải hết sức bình tĩnh, việc mình mình làm, không hơi đâu chạy theo vạn biến. Trong cái vạn biến đó, quan trọng là chúng ta phải thay đổi thể chế, thay đổi thể chế chính là thay đổi chính mình...
Toàn cảnh Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024 tại Hà Nội.
Đồng thời ông Nghĩa lưu ý, “dĩ nhất biến ứng vạn biến”, chúng ta phải tự thay đổi để phù hợp với xu thế (đa cực, kinh tế xanh - kinh tế số, khơi thông thị trường bất động sản…). Nếu làm được như vậy tăng trưởng kinh tế của chúng ta sẽ vững vàng hơn.
Đề cập đến vấn đề thể chế, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, vừa rồi Quốc hội đã thông qua 4 luật (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Các tổ chức tín dụng), Chính phủ đang trình Quốc hội đẩy hiệu lực sớm hơn 5 tháng.
“Vậy thì thay vì phân tích đúng sai, phù hợp hay không phù hợp - đó là câu chuyện của tương lai, các DN cần phải ứng biến như thế nào? Nếu có hiệu lực sớm hơn 5 tháng liệu kế hoạch sản xuất kinh doanh như thế nào? Nếu các luật đó không có hiệu lực trước 5 tháng thì kịch bản sẽ như thế nào?” – Ông Phan Đức Hiếu gợi ý.
Về thể chế tương lai, ông cho rằng, ai cũng mong muốn và kỳ vọng sự cải cách thể chế trong bối cảnh mới, nhưng cần nhấn mạnh cải cách đó phải trong tư duy mới, tâm thế mới. Cải cách thể chế phải phù hợp với bối cánh mới diễn biến mới.
Trong khuôn khổ Diễn đàn, Ban Tổ chức đã trao Kỷ niệm chương Vinh danh Doanh nghiệp Vì sự phát triển dịch vụ tài chính cho 25 đơn vị, đó là các tổ chức đã có nhiều đóng góp thông qua các chiến lược phát triển các dịch vụ tài chính vì cộng đồng, cũng như tham gia công tác chuyên môn, tổ chức cho Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai - năm 2024. 
Diễn đàn năm nay cũng trao 35 cúp vinh danh cho các tổ chức đạt sản phẩm/dịch vụ tài chính tiêu biểu với 6 hạng mục. Đó là, Dịch vụ khách hàng ưu tiên tiêu biểu; Dịch vụ môi giới tài chính tiêu biểu; Dịch vụ quản lý tài sản đầu tư tiêu biểu; Sản phẩm công nghệ và chuyển đổi số tiêu biểu; Giải pháp tài chính cá nhân sáng tạo; Nhà phát triển bất động sản có giải pháp tài chính toàn diện. Các sản phẩm/dịch vụ được bình chọn bởi Hội đồng độc lập trên cơ sở đề cử của các tổ chức và doanh nghiệp, trên các dữ liệu được công bố công khai, minh bạch và bình chọn của độc giả trên hệ thống báo điện tử Báo Đầu tư tại địa chỉ https://vwa.vir.com.vn/.
Thảo Lan
TAG: Diễn đàn Cấp cao Cố vấn tài chính Việt Nam lần thứ hai năm 2024 “Ứng biến trong vạn biến
Tin khác
Prudential bế giảng khóa “Nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp”, hoàn thiện hình mẫu nhà lãnh đạo đa  năng
Grab tung ưu đãi “khủng” để kết nối người dân với tuyến Metro số 1
TPHCM: 14 nhà ga của tuyến Metro số 1 đồng loạt mở cửa và sẵn sàng đón khách từ 10g ngày 22/12
Mất cân bằng tài chính từ trào lưu đốt tiền ‘xé túi mù’
'Cuộc chơi' của Temu tại VN: Từ rầm rộ đến dừng hoạt động
Idemitsu Kosan, Sagri và Lasuco hợp tác triển khai Dự án Giảm phát thải Carbon đầu tiên tại Việt Nam cho vùng nguyên liệu mía Lam Sơn
Tập đoàn Sev.en Global Investments công bố kế hoạch đầu tư chiến lược tại Việt Nam
Grab và DatVietVAC hợp tác nâng cao trải nghiệm dịch vụ tại Việt Nam
Cơ hội để doanh nghiệp tham gia chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng bền vững ngành hàng không