An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Cà Mau: Đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đạt 0,8% năm 2023
10:15 AM 10/04/2023
(LĐXH) - Thống kê của UBND tỉnh Cà Mau cho thấy, năm 2022, tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 7.407 hộ, chiếm tỷ lệ 2,41%. Trong đó, có 491 hộ nghèo khu vực thành thị, chiếm tỷ lệ 0,68% trong tổng số hộ dân khu vực thành thị và 6.916 hộ nghèo khu vực nông thôn, chiếm tỷ lệ 2,94% trong tổng số hộ dân khu vực nông thôn. Hộ nghèo bảo trợ xã hội 537 hộ, chiếm tỷ lệ 7,25% trong tổng số hộ nghèo; Hộ nghèo DTTS là 1.042 hộ, chiếm tỷ lệ 8,66% trong tổng số hộ đồng bào DTTS toàn tỉnh.
Công tác giảm nghèo được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng, được các cấp ủy Đảng và chính quyền quan tâm chỉ đạo thực hiện. Các sở, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã chủ động cụ thể hóa các dự án, tiểu dự án, các chương trình, triển khai đồng bộ ở các địa phương. Thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, chính sách an sinh xã hội, nhiều dự án, mô hình phát huy tính hiệu quả đã góp phần làm thay đổi bộ mặt xã hội của tỉnh. Nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã tiếp cận với đa dạng sinh kế, từng bước phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.
Tăng cường công tác truyền thông về giảm nghèo nhằm nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên thoát nghèo
Chị Lê Thị Điều, ở ấp Long Đước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo trong xã. Từ khi ở xã thành lập Hợp tác xã Tài Thịnh Phát Farm, tôi có công việc để làm, thu nhập ổn định, kinh tế gia đình cũng khá hơn. Việc thành lập Hợp tác xã đã giải quyết việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi rất nhiều. Cùng với sự vận động, tuyên truyền từ các cơ quan, gia đình chúng tôi kiên trì canh tác trên phần đất nhà, nay chúng tôi đã được xét thoát nghèo, tôi thấy rất phấn khởi”.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh, các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội trong tỉnh thời gian qua được thực hiện một cách toàn diện, góp phần thay đổi và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Tỉnh đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, triển khai thực hiện hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các mô hình phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng các mô hình giảm nghèo trong chương trình mục tiêu quốc gia. Sau thời gian thực hiện, hàng trăm dự án được triển khai, trên 5.600 hộ dân tham gia. Trong đó, 60% hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Các ngành, các cấp quan tâm triển khai thực hiện hỗ trợ các chính sách về giáo dục, bảo hiểm y tế, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ về tiếp cận thông tin, nước sạch, nhà ở, pháp lý, điện sinh hoạt, vệ sinh môi trường, tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo. 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Làm sao để giảm nghèo một cách nhanh, hiệu quả, thực chất và bền vững là trăn trở của các ngành, các địa phương. Tại một số xã có số lượng hộ nghèo và cận nghèo tăng lên theo quy định tại tại Nghị định 07/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, tiêu chí thu nhập khu vực nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng, khu vực thành thị là 2 triệu đồng/người/tháng. Cùng với tác động của đại dịch Covid – 19, biến đổi khí hậu, nước biển dâng làm cho đời sống người dân khó khăn lại càng khó khăn hơn. Bên cạnh đó, các yếu tố như không đất sản xuất, thiếu vốn, nhận thức của những hộ nghèo, cận nghèo đôi khi còn trông chờ, ỷ lại làm cho việc xóa nghèo thêm nhiều thách thức. Các ngành, các cấp trong tỉnh bằng nhiều biện pháp đã cùng nhau vào cuộc tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững. 
Mới đây, UBND tỉnh Cà Mau vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Công tác giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn tỉnh với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%.
Theo đó, kế hoạch nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới, hỗ trợ người nghèo bảo đảm mức sống tối thiểu, tăng dần khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, nâng cao chất lượng cuộc sống, bảo đảm hài hoà giữa phát triển kinh tế và an sinh xã hội bền vững, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2023. Cụ thể, năm 2023 tỉnh Cà Mau đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều tối thiểu 0,8%.
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh Cà Mau tập trung thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững như: Tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở; trợ giúp pháp lý cho người nghèo; huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Bên cạnh đó, triển khai các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững gồm: Hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. 
Hà Giang
TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa