Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chú trọng chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo
(LĐXH)- “Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa chú trọng bồi dưỡng, chuẩn hóa đội ngũ giảng viên giỏi, chuyên nghiệp để thu hút học sinh, sinh viên, tạo thương hiệu của nhà trường. Chú ý đào tạo các ngành nghề nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”.
Đây là một trong những ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH tại buổi thăm và làm việc với Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa (huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) vào ngày 25/4.
Tham gia đoàn công tác của Bộ Lao động – TBXH có lãnh đạo các đơn vị: Cục Người có công, Cục Bảo trợ Xã hội, Văn phòng Bộ, Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo. Về phía tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí: Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Trịnh Tuấn Sinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy; Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Vũ Thị Hương, Giám đốc Sở Lao động – TBXH cùng lãnh đạo, cán bộ và giáo viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa…
Làm việc với Ban Giám hiệu và giáo viên nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Đoàn công tác được nghe báo cáo về quá trình hơn 60 năm xây dựng và phát triển của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, đặc biệt là sau 2 năm thực hiện Quyết định số 1030/QĐ-LĐTBXH, ngày 15/9/2021 của Bộ trưởng Bộ Lao động - TBXH về việc sáp nhập Trường Cao đẳng nghề Nông nghiệp & PTNT Thanh Hóa vào trường Cao đẳng Nông Lâm Thanh Hóa và đổi tên thành Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa.
Nhà trường hiện được phép đào tạo 13 ngành nghề trình độ cao đẳng, 12 ngành nghề trình độ trung cấp, 26 nghề trình độ sơ cấp. Bên cạnh đó nhà trường còn tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên dưới 3 tháng với 33 nghề thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản. Nhà trường đã được lựa chọn 03 ngành, nghề trọng điểm cấp độ Quốc gia (Quản lý khai thác công trình thuỷ lợi; Khai thác máy tàu thủy; Khai thác, đánh bắt hải sản).
Kết quả năm học 2022 - 2023, nhà trường đã tuyển mới 3.680 học sinh sinh viên. Trong đó, trình độ cao đẳng, trung cấp hệ chính quy 299 HSSV; sơ cấp và bồi dưỡng thường xuyên dưới 3 tháng 3.356 học viên, liên kết đào tạo đại học 25 sinh viên.
Ông Lê Hoằng Bá Huyền, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, kiến nghị: Bộ Lao động – TBXH tiếp tục quan tâm xem xét, bổ sung nhà trường vào danh sách các trường được lựa chọn các ngành nghề trọng điểm giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến 2030, với một số ngành nghề trọng điểm thuộc lĩnh vực nông lâm nghiệp và thủy sản: Khoa học cây trồng; Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi - Thú y; Quản lý, khai thác công trình thủy lợi; Khai thác, đánh bắt hải sản; Khai thác máy tàu thủy) và danh sách các trường chuyên biệt công lập đào tạo một số ngành, nghề trọng điểm phục vụ phát triển kinh tế biển và đào tạo cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số học nội trú.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Qua nghe báo cáo và đi thực tiễn, lộ trình phát triển của Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa là quyết sách rất đúng đắn và kịp thời, quyết tâm chính trị chính xác của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để nhà trường đi đúng hướng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị: Thời gian tới, nhà trường khẩn trương rà soát các ngành nghề trọng điểm, phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – TBXH) để quan tâm đầu tư. Đồng thời, chủ động phối hợp với các huyện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa để đào tạo các đối tượng làm nghề biển, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, lao động nông thôn. Trong đó, tập trung vào khu vực nông nghiệp, các huyện nông nghiệp, các đối tượng nông nghiệp, người nghèo, người yếu thế, người đồng bào dân tộc thiểu số.
Về các kiến nghị của nhà trường, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cơ bản tán thành với danh sách các nghề trọng điểm và khẩn trương phối hợp với Tổng cục GDNN để đề xuất, đăng ký với tỉnh để báo cáo Bộ.
“Bộ Lao động - TBXH ủng hộ đầu tư vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững cho nhà trường và Trường Nghi Sơn để thực hiện. Bộ giao Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo cân đối nguồn lực, kinh phí đào tạo nghề cho dân tộc thiểu số, miền núi để báo cáo và phân bổ, đầu tư theo địa chỉ…
Trần Thắng