Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Thanh Hóa sáng tạo trong xây dựng nông thôn mới
(LĐXH)- Làm việc với tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện 10 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Thanh Hóa là tỉnh tập trung cao, có cách làm sáng tạo và tạo hiệu quả rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới.
Chiều 20/6, đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy viên Ban Chỉ đạo Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về tình hình thực hiện và tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết về tam nông.
Tham gia đoàn công tác Trung ương có các đồng chí: Ngô Đông Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; đại diện các đơn vị của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn... Phía lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa có các đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Đức Quyền, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các Sở, ngành liên quan của tỉnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa
Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về tam nông, cũng như mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Nghị quyết đến năm 2030, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đây là Nghị quyết cực kỳ quan trọng và thời gian tới Trung ương sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện. Là tỉnh lớn, đóng góp của Thanh Hóa trong thực hiện Nghị quyết là rất quan trọng. Thanh Hóa là tỉnh tập trung cao, có cách làm sáng tạo và tạo hiệu quả rõ rệt trong xây dựng nông thôn mới.
“Tại Thanh Hóa, qua kiểm tra ở huyện Yên Định, chúng tôi ghi nhận và đánh giá cao sự sáng tạo trong cách làm, tạo được sự bứt phá thực sự của huyện. Với toàn tỉnh, Thanh Hóa có sự tập trung cao, thực hiện nghiêm túc, tạo được những chuyển biến rõ rệt trong thực hiện vấn đề tam nông. Trong 5 chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng tâm của tỉnh đã có 2 chương trình liên quan đến tam nông để thực hiện” – Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dũng khẳng định, Thanh Hóa đã xác định nông nghiệp là một trong những thế mạnh, tạo sự đột phá và đầu tư vào nông nghiệp để tạo sự phát triển toàn diện. Tỉnh còn nhiều huyện, xã nghèo, khó khăn, nhưng tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh trong 10 năm qua. Đặc biệt, tỉnh có những chương trình riêng cho các huyện miền Tây, tạo sự đổi mới thực sự trong bộ mặt nông thôn.
Từ một tỉnh nghèo, Thanh Hóa đã có chuyển biến, nông nghiệp phát triển khá toàn diện, từng bước nâng cao năng suất, giá trị hàng hóa, ngành nghề; kinh tế nông thôn đã chuyển theo hướng tăng các khu vực ngành nghề, nông nghiệp hàng hóa, tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bộ trưởng cùng đoàn công tác thăm nhà máy may ở xã Định Tường, huyện Yên Định
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tỉnh tiếp tục quan tâm triển khai thực hiện tốt Nghị quyết, cần làm rõ những điể nghẽn trong thực hiện Nghị quyết, từ đó giúp Trung ương có cái nhìn thấu đáo hơn. Tỉnh cần quan tâm xây dựng phát triển nông nghiệp toàn diện; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng cứng và mềm; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất và dịch vụ có hiệu quả hơn; huy động nguồn lực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng lưu ý Thanh Hóa cần xây dựng sản phẩm mang thương hiệu địa phương, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú ý công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, cũng như chủ động sắp xếp lại các trường nghề trong tỉnh cho hợp lý.
Trước đó, báo cáo với Bộ trưởng, đồng chí Nguyễn Đình Xứng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã nêu kết quả trong quá trình thực hiện nghị quyết về tam nông tại Thanh Hóa. Từ tháng 8/2008, ngay sau khi Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tam nông được ban hành, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị học tập, quán triệt cho cán bộ chủ chốt của tỉnh và ban hành Chương trình hành động để triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Đình Xứng nêu kết quả trong quá trình thực hiện Nghị quyết về tam nông tại Thanh Hóa
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần XVII và XVIII đều xác định phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới là chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, được đặt lên hàng đầu. Trong giai đoạn 2008 – 2017, tỉnh đã xây dựng và ban hành 78 đề án, 12 cơ chế chính sách cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn với tổng kinh phí ngân sách tỉnh đã hỗ trợ khoảng 4.100 tỷ đồng.
Từ đó, tỉnh đã từng bước tái cơ cấu, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại; phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Ngành trồng trọt đạt được những kết quả khá toàn diện, sản lượng lương thực hàng năm đạt trên 1,6 triệu tấn. Hoạt động chăn nuôi có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chuyển mạnh sang chăn nuôi tập trung quy mô lớn, công nghệ cao, điển hình là các dự án bò sữa của các tập đoàn lớn đã đầu tư tại Thanh Hóa.
Về công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn có bước phát triển mạnh mẽ, hiện toàn tỉnh đã thu hút được 66 doanh nghiệp may mặc, da giầy, đang tạo việc làm cho khoảng 80.400 lao động. Cùng với đó, toàn tỉnh có 132 làng nghề, 45 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động nông thôn.
Bí thư Tỉnh ủy Trịnh Văn Chiến phát biểu tại buổi làm việc
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn, tỉnh cũng đạt được những thành tựu lớn, làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn. Hàng chục nghìn công trình thủy lợi, đê điều, công trình nước sạch nông thôn, hạ tầng dịch vụ nghề cá, đường giao thông, trường học, trạm y tế... đang góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cư dân nông thôn.
Qua quá trình thực hiện nghị quyết về tam nông của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 20,4% năm 2008 xuống còn 8,43% vào cuối năm 2017; thu nhập bình quân năm 2017 của cư dân nông thôn đã đạt 23,2 triệu đồng, gấp 3,5 lần so với năm 2008...
Thời gian tới, Thanh Hóa tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để phát triển tam nông, nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2020: tốc độ tăng trưởng ngành nông – lâm – thủy sản bình quân giai đoạn 2018 – 2020 đạt 3,2%/năm; tổng sản lượng lương thực giữ ổn định 1,5 triệu tấn; tỷ lệ che phủ rừng 53,03%; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gấp 2,4 lần so với năm 2014; tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm giảm 2,5%; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh 95%; toàn tỉnh có 5 huyện, 55,8% số xã, 20% số thôn bản miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn cảnh buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh, Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tam nông có ý nghĩa rất quan trọng với tỉnh, bởi Thanh Hóa có gần 3,6 triệu dân nhưng gần 2,4 triệu người sinh sống và lao động ở vùng nông thôn. Đồng chí cũng nêu ra những bất cập trong thực hiện một số chính sách, nhiệm vụ trong quá trình thực hiện nghị quyết, đồng thời đề nghị Trung ương có những điều chỉnh hợp lý. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị đoàn công tác có ý kiến với Trung ương khi ban hành cơ chế chính sách cần tính toán kỹ nguồn lực, để không bị thiếu kinh phí khi thực hiện.
Trước đó, vào sáng cùng ngày, đoàn công tác Trung ương đã đi thăm, kiểm tra tại xã Định Tường, làm việc với lãnh đạo huyện Yên Định về tình hình thực hiện và chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về tam nông./.
Nguyễn Thìn
TAG: