Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Tập trung 8 nhiệm vụ trọng tâm, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
06:05 AM 08/02/2022
(LĐXH)- Phải khẳng định rằng, những nỗ lực của Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội trong năm 2021 đã được các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, các ngành ghi nhận và đánh giá cao.
Tại buổi gặp mặt Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nhân dịp đầu Xuân được tổ chức chiều 7/2/2022, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh toàn Ngành phải tập trung 8 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022, triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Tham dự có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Văn Hồi, Nguyễn Thị Hà cùng Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ.
Quang cảnh buổi gặp mặt đầu Xuân 
Nhiều mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trong Chương trình phục hồi
Báo cáo về tình hình chăm lo đời sống của các đối tượng chính sách và người lao động dịp Tết Nguyên đán 2022, Chánh Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Vũ Xuân Hân, thông tin: Bộ đã chỉ đạo các địa phương về việc tổ chức Tết nguyên đán Nhâm Dần 2022 với phương châm “Vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm”, bảo đảm an sinh, an dân và an toàn; chỉ đạo các địa phương tiến hành rà soát, nắm tình hình đời sống của các gia đình người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động… để triển khai các hoạt động hỗ trợ, tổ chức thăm hỏi kịp thời, đúng đối tượng, đúng chế độ, tránh trùng lắp, đảm bảo tất cả các đối tượng chính sách đều có quà và được nhận quà trước Tết.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng những kết quả của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là công sức của cả hệ thống chính trị
Trong dịp Tết Nguyên đán 2022, Trung ương và các địa phương đã dành nguồn ngân sách các cấp và kinh phí vận động xã hội hóa để tặng quà, hỗ trợ gạo cho các đối tượng chính sách, người lao động là 9.287 tỷ đồng cho trên 57,81 triệu đối tượng. Trong đó, tổng kinh phí tặng quà cho các đối tượng người có công với cách mạng do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội bố trí trên 875 triệu đồng.
Công tác hỗ trợ chăm lo Tết cho người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán được các địa phương quan tâm. Cácđịa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đơn vị lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ ở vùng biên giới trong dịp Tết, các bệnh nhân nặng, người đang điều trị Covid-19, nạn nhân chất độc hóa học.
Về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã có kế hoạch thăm, tặng quà cho gần 7.515 trẻ em tại 37 địa phương với tổng kinh phí 35,29 tỷ đồng từ nguồn vận động của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
Về tình hình lương, thưởng Tết của người lao động và chăm lo hỗ trợ người lao động: tiền lương bình quân của người lao động năm 2021 ước đạt 7,84 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2020 và tăng 0,9% so với năm 2019 (7,77 triệu đồng/tháng). Tiền thưởng Tết Dương lịch 2022 bình quân là 1,36 triệu đồng/người, bằng 58% so với thưởng dịp Tết Dương lịch 2021; tiền thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 bình quân bằng gần 01 tháng lương (6,17 triệu đồng/người), bằng 97% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán năm 2021...
Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi phát biểu tại buổi gặp mặt Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ
Trao đổi tại buổi gặp mặt đầu Xuân, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, cho biết: Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH14 ngày 11/1/2022 và Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022. Đây là một chương trình lớn nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục những hậu quả của đại dịch Covid-19 với tổng nguồn vốn dự kiến là 350 nghìn tỷ đồng, thời gian thực hiện trong năm 2022 và năm 2023. Trong đó, nhiều mục tiêu liên quan đến vấn đề bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người dân, nhất là người lao động, người nghèo, đối tượng yếu thế và đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động có quan hệ lao động đang ở thuê, ở trọ làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và khu vực kinh tế trọng điểm…
Công sức của cả hệ thống chính trị
Điểm lại những kết quả đạt được trong năm 2021, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Với tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm rất cao và nỗ lực rất lớn, toàn Ngành đã vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đặc biệt, Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4, là một “phép thử” trên các lĩnh vực để nâng cao năng lực lãnh đạo, khả năng ứng phó và thực  hiện các giải pháp nhằm ổn định các vấn đề về lao động, việc làm, an sinh xã hội. “Phép thử” đó cũng chính là “thước đo” về tính bền vững đối với thị trường lao động, “thước đo” về hiệu quả hệ thống an sinh và các chính sách xã hội như thế nào? Đây cũng là “thước đo” về ý Đảng, lòng dân, niềm tin của người dân với các chính sách về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Chánh Văn phòng Vũ Xuân Hân báo cáo tình hình chăm lo Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho các đối tượng
“Kết quả đó, rõ ràng cho thấy, niềm tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước, với tính ưu việt của chế độ xã hội đã tăng lên rất nhiều. Đây là công sức của cả hệ thống chính trị, trong đó, Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội là đơn vị giữ vai trò chủ trì tham mưu cho Chính phủ kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả chính sách” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Theo Bộ trưởng, nhờ dự báo sớm, cảnh báo sớm nên chúng ta đã không để xảy ra tình trạng đứt gẫy chuỗi cung ứng lao động, thiếu hụt lao động và tạo ra được một thị trường lao động tương đối ổn định.
Bên cạnh đó, công tác chăm lo an sinh cũng được quan tâm thực hiện hiệu quả. Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là một điển hình. Cụ thể, trong khó khăn hoặc còn gặp khó khăn, song người dân đã thấy và cảm nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, địa phương bằng việc tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, động viên, tặng quà các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, người lao động gặp khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị chụp ảnh chung
Tại buổi gặp mặt đầu Xuân, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh 8 nhiệm vụ trọng tâm mà toàn Ngành phải tập trung thực hiện trong năm 2022, cụ thể:
Thứ nhất là tập trung cao cho thể chế, bằng mọi giá phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác xây dựng thể chế.
Thứ hai là tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, ngay từ những ngày đầu năm xây dựng phương án trình lãnh đạo Bộ ở 3 lĩnh vực gồm: các chính sách hỗ trợ người lao động, giáo dục nghề nghiệp và bảo trợ xã hội. 
Thứ ba, năm 2022 được xác định là năm chuyển đổi số của  Ngành. Theo đó, trong tháng 2/2022, Bộ sẽ ban hành hai văn bản gồm một Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng về chuyển đổi số và Quyết định của Bộ trưởng về Chương trình chuyển đổi số.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ ký liên tịch với Bộ Thông tin và Truyền thông để thực hiện 5 nội dung chuyển đổi số. Ngoài ra, ngay trong tháng 2 này, Cục Trrẻ em phải cung cấp toàn bộ cơ sở dữ liệu về trẻ em để nhập vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Thứ tư, phải rà soát lại toàn bộ cơ chế chính sách liên quan đến đối tượng bảo trợ xã hội, các đối tượng yếu thế. Qua đó hướng tới phòng ngừa, giảm thiếu và khắc phục rủi ro, xây dựng một hệ thống an sinh xã hội toàn dân, ở đó mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng thành quả sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Thứ năm, là xây dựng thị trường lao động ổn định, trong đó lưu ý dự báo cung - cầu lao động và phải làm ngay; đồng thời có giải pháp để sớm đưa hoạt động xuất khẩu lao động trở lại.
Thứ sáu, là giáo dục nghề nghiệp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây phải là khâu đột phá thực sự, tạo nền tảng cho xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; trước mắt lựa chọn những ngành nghề, lĩnh vực, công việc mang tính chất dẫn dắt xã hội trong giáo dục chất lượng cao.
Thứ bảy, xây dựng một môi trường thật sự lành mạnh cho trẻ em, an toàn nhất đối với trẻ em. Không thể để tình trạng trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại bởi sự vô cảm, sự xuống cấp của đạo đức xã hội ở một số bộ phận.
Thứ tám, phải thực sự chăm lo xây dựng Đảng. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ và chất lượng từng đảng viên. Đồng thời, xây dựng tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong sạch vững mạnh. 

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác lao động với các nước khu vực Châu Á
Tổng kết, trao giải cuộc thi viết 'Vượt lên số phận' lần thứ VII
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động ASEAN lần thứ 28
Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng
Diễn đàn đối thoại doanh nghiệp Việt Nam - UAE về phát triển nguồn nhân lực
Việt Nam - UAE đẩy mạnh hợp tác về nguồn nhân lực
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội 77 năm làm theo lời Bác
Vinh danh 10 “Gia đình trẻ hạnh phúc” năm 2024
Đồng chí Trần Cẩm Tú giữ chức Thường trực Ban Bí thư