(LĐXH)- “Với tinh thần tăng tốc, bứt phá, hiệu quả và không hạ bất cứ chỉ tiêu nhiệm vụ nào, mà phải phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được Chính phủ, Quốc hội giao…” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị lãnh đạo các đơn vị và toàn ngành Lao động – TBXH thực hiện.
Chiều ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Lao động – TBXH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị giao ban thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao trong 6 tháng năm 2019 về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội.
Tham dự hội nghị còn có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Quân cùng đông đủ lãnh đạo các cục, vụ, cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.
Quang cảnh hội nghị giao ban công tác lao động, người có công và xã hội 6 tháng năm 2019Khả quan phát triển 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện Tại hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thẳng thắn đánh giá: 6 tháng qua, nhiều cơ quan, đơn vị rất nỗ lực, quyết tâm cùng với lãnh đạo Bộ và toàn ngành Lao động – TBXH triển khai tương đối toàn diện, đồng bộ và hiệu quả các nhiệm vụ được giao với cách làm bài bản, cẩn trọng và quyết liệt. Về cơ bản, tất cả các chỉ tiêu lớn có tính chất quốc gia, chỉ tiêu trọng yếu của Ngành đặt ra đều đạt và vượt; các cơ quan báo chí truyền thông của Bộ có nhiều đổi mới và bám sát nhiệm vụ tuyên truyền của Bộ, ngành để thông tin đầy đủ, chính xác về lĩnh vực lao động, người có công và xã hội…
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Lao động - TBXHCụ thể, cả nước đã giải quyết việc làm cho gần 777 nghìn người (hơn 710.000 người được tạo việc làm trong nước, gần 67.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng), chất lượng công tác xuất khẩu lao động có chuyển biến rõ rệt, lựa chọn những thị trường có hiệu quả và uy tín. Tỷ lệ thất nghiệp trong cả nước ở mức 1,98%, thấp nhất từ trước tới nay (năm 2018 là 2,2%), đứng thứ 8 trong 160 quốc gia về tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp khoảng 1,08 triệu người. Đặc biệt, công tác xây dựng thể chế liên quan tới giáo dục nghề nghiệp có thêm điểm sáng, nhất là quy định về việc tổ chức đào tạo văn hoá trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp vào Luật Giáo dục sửa đổi đã tạo ra bước ngoặt lớn. Điều này tạo căn cứ liên thông vững chắc hơn, giúp người học tốt nghiệp PTTH có thể kết hợp học liên thông hệ cao đẳng và học văn hoá tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng thông tin thêm về các hoạt động tri ân 27/7Đặc biệt, trong 6 tháng qua, cả nước có khoảng 125.000 người tham gia BHXH tự nguyện, nâng tổng lên 400.000 người. Ước tính hết năm 2019, số người tham gia BHXH tự nguyện sẽ vượt con số 450.000 người.
“Ngay từ đầu năm 2019, Bộ Lao động - TBXH đã đặt mục tiêu phấn đấu sẽ tăng thêm 200.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Với con số hơn 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện tới ngày 31/12/2018, cộng với kết quả cuối năm 2019 sẽ đạt tối thiểu 450.000 người. Nếu hoàn thành mục tiêu trên, chúng ta đã phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trong năm 2019 tương đương với 14 năm qua” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhận xét.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đạt được kết quả trên là nhờ sự kết hợp tổng hợp nhiều nỗ lực, như: công tác xây dựng chính sách, đổi mới tư duy trong cách triển khai BHXH tự nguyện, công tác truyền thông được chú trọng”.
Thứ trưởng Lê Quân làm rõ thêm về kết quả trong công tác phát triển BHXH tự nguyện và Giáo dục nghề nghiệpLàm rõ một số kết quả về nhiệm vụ này, Thứ trưởng Lê Quân, trao đổi: Năm nay chúng ta đã chọn 3 điểm nhấn chính để phát triển BHXH tự nguyện, đó là tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo; đổi mới công tác thông tin truyền thông; gói bảo hiểm ngắn hạn được xác định là rất cần thiết để đảm bảo an sinh xã hội cho người dân…
Giải quyết dứt điểm hộ nghèo là gia đình chính sách
Liên quan đến lĩnh vực người có công là hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Đến nay, đời sống vật chất và tinh thần của gia đình chính sách, người có công với cách mạng ngày càng được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh (cuối 2018 còn 5,23%, số hộ thiếu đói giảm 30,9%); Nhà nước đã hỗ trợ khoảng 3,7 nghìn tỷ đồng cho các gia đình, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn...
Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Bá Hoan báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng năm 2019Tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị các cơ quan chuyên môn của Bộ phối hợp thực hiện tốt lộ trình xóa hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách, người có công. Tình trạng trên là nỗi nhức nhối và trăn trở của những người làm công tác chính sách Lao động - TBXH từ nhiều năm nay. Do đó, phải tập trung rà soát ngay, ghi rõ địa phương nào còn bao nhiêu hộ nghèo có thành viên là gia đình chính sách người có công để Bộ trưởng gửi công văn đề nghị Tỉnh ủy, Thành ủy yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát số hộ nghèo, người có công và có phương án giải quyết dứt điểm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nêu ví dụ: Thành phố Hải Phòng còn số ít hộ nghèo là gia đình chính sách người có công mà vẫn để mang tiếng còn hộ nghèo, tại sao không tập trung giải quyết nốt? Hay như làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, khi đề cập tới vấn đề tại sao vẫn để 1% hộ nghèo là gia đình chính sách. Lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu cơ quan chuyên môn lập văn bản trình HĐND và có giải pháp hỗ trợ xóa nghèo ngay.
Vụ trưởng, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo Ngô Trường Thi đề xuất một số nội dung trong 6 tháng cuối năm 2019Gợi ý các giải pháp xử lý tình trạng trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Nhân Ngày vì người nghèo Việt Nam (17/10) tới đây, nguồn lực tài chính vận động hỗ trợ được sẽ dành toàn bộ kinh phí tặng sổ tiết kiệm cho các đối tượng trên, nhất là đối với những hộ không có khả năng thoát nghèo để hỗ trợ việc thoát nghèo bền vững…
“Trước mắt, toàn ngành phải tập trung cao độ cho các hoạt động tri ân nhân dịp kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7). Bộ Lao động – TBXH sẽ phối hợp tổ chức 2 sự kiện lớn đó là: Lễ trao bằng Tổ quốc ghi công cho 468 gia đình liệt sỹ diễn ra tại thành phố Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) vào ngày 22/7; Chương trình gặp mặt, tuyên dương 500 thương binh nặng “liệt sỹ sống” tiêu biểu toàn quốc (mất sức lao động từ 81% trở lên) tổ chức vào ngày 25/7 tại Thủ đô Hà Nội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Tiếp tục phân công công việc sát thực, hiệu quả
Quyền Cục trưởng Cục Việc làm Lê Quang Trung kiến nghị một số nội dung liên quan đến bảo hiểm thất nghiệpCũng tại hội nghị, đánh giá về công tác xây dựng thể chế trong 6 tháng qua, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Được sự ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - TBXH đã trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến về dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012. Bộ cũng đề xuất và trình Chính phủ và Quốc hội về Công ước về việc Việt Nam gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Việc trình dự thảo sửa đổi Luật Lao động năm 2012 đòi hỏi những nỗ lực lớn, bởi nhiều nội dung chưa hề có tiền lệ, như: Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đề xuất bổ sung quy định từ năm 2021, các doanh nghiệp bắt buộc phải sử dụng lao động không có chứng chỉ, bằng cấp… Đây có thể xem như là tư duy đổi mới trong việc xây dựng chính sách. Nếu quy định này được thông qua sẽ đòi hỏi các doanh nghiệp chủ động đào tạo và đẩy tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng lên.
Quyền Tổng Biên tập Báo Lao động và Xã hội Nguyễn Trung Chính phát biểu ý kiến tại hội nghịBên cạnh những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan tới ngành Lao động – TBXH còn chưa được giải quyết hoặc giải quyết chậm tiến độ, như: số tai nạn lao động và cháy nổ nghiêm trọng vẫn còn xảy ra; tình trạng trẻ em đuối nước, bị xâm hại, bạo lực chưa giảm và chưa được xử lý kịp thời; công tác phòng chống tệ nạn xã hội vẫn còn những bất cập, nẩy sinh… Chính vì vậy, lãnh đạo các đơn vị phải rà soát lại các nhiệm vụ của đơn vị trong những tháng cuối năm để phân công công việc cụ thể sát thực, hiệu quả./.
Nguyễn Hiền