Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Nam Định cần đa dạng hóa các nguồn lực chăm lo cho người có công
(LĐXH)- “Tỉnh Nam Định cần tiếp tục huy động, đa dạng hóa các nguồn lực xã hội để chăm lo cho người có công; chú trọng cải thiện nhà ở và đẩy mạnh phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ngày 19/7, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022)
Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Phạm Gia Túc, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định cùng các mẹ Việt Nam anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang, đại diện thương binh, bệnh binh, các thân nhân liệt sĩ, các gia đình có công với cách mạng trên địa bàn…
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị, cho biết: Trong 75 năm qua, nhất là trong hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng".
“Đến nay, Nam Định đã xét và đề nghị Nhà nước công nhận tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho hơn 36 nghìn liệt sĩ; đề nghị Nhà nước phong tặng và truy tặng trên 2.900 mẹ Việt Nam anh hùng (hiện có 43 mẹ còn sống); trên 170 nghìn người tham gia hoạt động kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân, Huy chương... Hiện nay, tỉnh có khoảng 45 nghìn người có công và thân nhân của người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp hàng tháng, với tổng kinh phí trợ cấp hàng năm gần 1.000 tỷ đồng” – Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị, thông tin.
Đại diện các thương, bệnh binh và gia đình người có công với cách mạng, bệnh binh Vũ Văn Vỹ (sinh năm 1954), ở xã Nam Dương, huyện Nam Trực (tỉnh Nam Định), phấn khởi chia sẻ: Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã dành cho những đối tượng người có công sự quan tâm chăm lo chu đáo để ổn định cả về đời sống vật chất và tinh thần cho gia đình chính sách, người có công. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương cũng luôn đồng hành, cùng chung tay góp sức, tạo mọi điều kiện giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công trên địa bàn.
Khích lệ kịp thời để người có công vươn lên
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã bày tỏ lòng thành kính và tri ân sâu sắc tới các anh hùng liệt sĩ, mẹ Việt Nam anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Đồng thời, ghi nhận và biểu những những kết quả trong công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của tỉnh Nam Định.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Những đóng góp, hy sinh, mất mát của các thương, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trong các cuộc kháng chiến cứu nước, vì nền hòa bình và ấm no của dân tộc là vô cùng to lớn. Đây chính là động lực để cán bộ, nhân viên ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cần phải nỗ lực làm tốt hơn nữa nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ thực hiện chế độ chính sách ưu đãi đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Xuất phát từ tấm lòng tri ân sâu sắc, phương châm “không để bất cứ người có công nào không được hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, sự chăm sóc của nhân dân”, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã báo cáo và được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Kết luận; Chính phủ ban hành Nghị quyết, trong đó yêu cầu tập trung giải quyết các hồ sơ xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh còn tồn đọng các Bộ, ngành và các địa phương theo trình tự, thủ tục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Theo đó, ngày 20/3/2017, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 408/QĐ-LĐTBXH với quy trình thực hiện từ quá trình phân loại hồ sơ tới các bước công việc cụ thể…
“Từ đó đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã rà soát, xem xét trên 7.000 hồ sơ tồn đọng, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận và cấp Bằng Tổ quốc ghi công đối với hơn 2.400 liệt sĩ, trên 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh. Đối với những hồ sơ không đủ điều kiện cũng đã kết luận và giải thích cho đối tượng, được dư luận xã hội đồng tình, ủng hộ…” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, thông tin.
“Nam Định đã thường xuyên duy trì thực hiện đầy đủ và kịp thời các chính sách trợ cấp hàng tháng đối với 45 ngàn người có công. Tỉnh đã hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho người có công, không còn người có công thuộc hộ nghèo; công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm y tế được quan tâm đúng mức; công tác mộ, nghĩa trang liệt sĩ được quan tâm, chú trọng tu sửa, nâng cấp hoặc xây mới; các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được phát huy rộng khắp ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Trước sự quan tâm đó, các đồng chí thương binh, bệnh binh, các gia đình, thân nhân liệt sĩ và người có công đã vượt lên thương tật, khắc phục khó khăn, hoà mình vào cuộc sống, tiếp tục cống hiến sức lực, trí tuệ, nêu những tấm gương sáng trong học tập, lao động, sản xuất, công tác” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đánh giá.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lưu ý tỉnh Nam Định: Công tác xác nhận người có công tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn một bộ phận người có công và thân nhân người có công với cách mạng vẫn chưa được xác nhận; vẫn còn nhiều liệt sĩ chưa xác định được thông tin; việc huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng còn hạn chế; tình trạng khai man hồ sơ, trục lợi chính sách, nhất là thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người bị nhiễm chất độc hóa học tuy đã có các giải pháp ngăn ngừa song cá biệt vẫn còn xảy ra, gây bức xúc trong xã hội.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đề nghị: Nam Định cần tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực phục vụ của các cấp, các ngành, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở đối với công tác người có công với cách mạng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan, đơn vị trong thực hiện công tác người có công với cách mạng. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện luật pháp, chính sách đối với người có công với cách mạng. Huy động và đa dạng hoá các nguồn lực xã hội để chăm lo tốt hơn đời sống người có công với cách mạng; sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; chú trọng công tác tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ; hỗ trợ cải thiện nhà ở, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng, chăm sóc người có công với cách mạng.
Trần Thắng
TAG: