Bộ trưởng Đào Ngọc Dung làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước
(LĐXH) - Thực hiện chương trình công tác năm 2019, chiều 7/11 tại trụ sở Bộ LĐTB&XH, đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH, đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của địa phương trong năm nay.
Cùng dự về phía Bộ LĐTB&XH còn có Thứ trưởng Lê Quân cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc. Đồng chủ trì buổi làm việc, phía tỉnh Bình Phước có đồng chí Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; đại diện một số sở ngành, lãnh đạo UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh tham gia buổi làm việc.
Về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội 10 tháng đầu năm của tỉnh Bình Phước, thông tin tại buổi làm việc cho biết: Tỉnh đã giải quyết việc làm cho 35.081/35.000 lao động, đạt 100,23% kế hoạch năm, tăng 6,79% so với cùng kỳ năm 2018; Tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 3,2% và tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn trên 90%; Đào tạo nghề cho 7.205/6.000 lao động, đạt 120% kế hoạch năm, tăng 40,8% so với cùng kỳ năm 2018; ước tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56% vào cuối năm 2019.Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi chủ trì buổi làm việc
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Hiện nay, toàn tỉnh có 8.614 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 3,55%/tổng số hộ dân. Cùng với chỉ tiêu giảm 0,5% tỷ lệ hộ nghèo/năm, tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình xóa 1.000 hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số năm 2019 (ước thực hiện cả năm đạt và vượt kế hoạch). Về chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hiện nay toàn tỉnh đã có 35/90 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 84%, số người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc là 126.308 người, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là 2.627 người, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp là 120.070 người và các đối tượng tham gia có xu hướng phát triển tốt và ngày càng gia tăng.
Tại buổi làm việc, bà Tôn Ngọc Hạnh – Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh nêu một số đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Bộ và tỉnh. Trong đó đề xuất đồng ý cho tỉnh thực hiện cơ chế thí điểm thực hiện chính sách an sinh xã hội theo hướng hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hộ nghèo từ nguồn ngân sách Trung ương và của tỉnh. Thực hiện cơ chế tích hợp chính sách, tích hợp nguồn lực, điều tiết kinh phí có hiệu quả đầu tư cho công tác giảm nghèo.Bà Tô Ngọc Hành trình bày tại buổi làm việc
Tạo điều kiện để đầu tư nâng cấp, mở rộng đối với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Sớm cho ý kiến về việc sáp nhập 03 Trường Cao đẳng (Cao đẳng Nghề, Cao đẳng Y tế và Cao đẳng Sư phạm) thành Trường Cao đẳng Bình Phước hiện đại, đào tạo đa ngành nghề để sớm ổn định tổ chức, bộ máy hoạt động. Tập trung nâng cấp 2 - 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp có hiệu quả để duy trì và phát triển toàn diện công tác đào tạo nghề cho lực lượng lao động ở địa phương, trên cơ sở sắp xếp, sáp nhập các cơ sở hoạt động kém hiệu quả. Sở cũng đề nghị tiếp tục hỗ trợ nguồn đầu tư cho việc xây dựng, nâng cấp nhà bia tưởng niệm, nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, thời gian tới, Bình Phước sẽ tích hợp các chính sách, nguồn lực của Trung ương và địa phương; đặc biệt phải có tổ chức điều phối chương trình này, vì trước đây vẫn phân tán, chưa có sự tập trung.
Vấn đề GDNN, tỉnh sẽ nghiên cứu quy hoạch lại hệ thống các cơ sở GDNN theo đề xuất của Sở LĐTB&XH, qua đó đẩy mạnh chất lượng, tránh mở tràn lan. Tỉnh sẽ tập trung các nguồn lực cho công cuộc xóa đói giảm nghèo. Hiện đã kiện toàn Ban chỉ đạo và xin chủ trương thành lập Văn phòng điều phối xóa đói giảm nghèo, kinh tế miền núi, kinh tế biên giới. Theo đó, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo giao Sở LĐTB&XH chịu trách nhiệm chính.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi cho biết thêm: Tỉnh hiện còn 1.000 hộ nghèo và đang tập trung quyết liệt xóa nghèo cho số này, trong đó 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là 46 hộ người có công cần được sửa chữa, xây nhà mới.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhất trí với đánh giá của tỉnh Bình Phước cũng như ý kiến đề xuất của tỉnh, Sở LĐTB&XH. Bộ trưởng đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm hơn nữa tới công tác LĐTB&XH, vì lĩnh vực này có ổn định thì địa phương mới phát triển được; đề nghị Sở LĐTB&XH tỉnh quyết liệt đổi mới trong tham mưu, chỉ đạo công tác của ngành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý Bình Phước chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương, nhất là thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, phân luồng từ xa. Tỉnh cũng cần tập trung thực hiện tốt 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và nông thôn mới, trong đó yêu cầu Bình Phước giải quyết dứt điểm để không còn hộ nghèo thuộc đối tượng người có công; cũng như hồ sơ người có công tồn đọng.
Bộ trưởng cũng đề nghị tỉnh chú trọng công tác phòng chống tệ nạn xã hội, bạo lực và xâm hại trẻ em. Bộ trưởng đồng ý về mặt chủ trương những kiến nghị của lãnh đạo Sở LĐTB&XH và giao các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện./.
Dương Thìn
TAG: