An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Chuyển đổi số để phục vụ tốt hơn các đối tượng an sinh xã hội
06:10 AM 26/12/2022
(LĐXH)- “Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã xác định chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ tốt hơn người dân và tất cả các đối tượng an sinh xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.
Ngày 25/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) và tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai các nhiệm vụ năm 2023 và trong thời gian tới của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu trụ sở Chính phủ và trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, khái quát: Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ – TB&XH) được phân công chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước với đối tượng rất đa dạng. Hiện Bộ đang được giao quản lý, phối hợp quản lý nhiều nhóm đối tượng liên quan đến cơ sở quản lý dữ liệu dân cư chi trả trợ cấp hàng tháng, đặc biệt quản lý đối tượng lao động từ 15 tuổi trở lên, khoảng 51,6 triệu người.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị

Bộ LĐ – TB&XH trực tiếp quản lý và phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi trả lương hưu, trợ cấp hàng tháng 3,3 triệu người; 1,8 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp hàng tháng; 6, 2 triệu người khuyết tật và hơn 1 triệu trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Nhà nước nuôi dưỡng và đặc biệt là 9,2 triệu người có công và thân nhân (trong đó có 1,2 triệu người có công đang hưởng trợ cấp hàng tháng thường xuyên)… Do đó, diện đối tượng chi trả rất lớn, đối tượng phong phú, cơ sở dữ liệu rất rộng.
“Toàn ngành LĐ – TB&XH hiện có 329 thủ tục hành chính từ cấp Trung ương tới xã, phường; 56 dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4. Ngành LĐ – TB&XH đã xác định chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 là nhiệm vụ trọng tâm để phục vụ tốt hơn người dân và tất cả các đối tượng an sinh xã hội” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, nhấn mạnh.   
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Trong năm qua, Ban Cán sự Đảng Bộ LĐ – TB&XH đã ban hành Nghị quyết số 01 về lãnh đạo, chỉ đạo việc chuyển đổi số trong toàn ngành. Năm 2022, toàn ngành LĐ – TB&XH xác định là năm khởi đầu của việc xây dựng cơ sở dữ liệu lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; xác định việc chuyển đổi số là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài với phương châm làm nhanh, gọn nhưng không nóng vội, làm chắc từng việc, từng cơ sở dữ liệu một, đi từ cơ sở, hoàn thành cơ sở dữ liệu trước hết là đối với trẻ em, đối tượng bảo trợ xã hội, người có công, hộ nghèo, cận nghèo và bước cuối cùng là thị trường lao động.
Cụ thể, ngành LĐ – TB&XH đã hoàn thành một số nhiệm vụ cơ bản về dữ liệu cụ thể như:
Thứ nhất, đã kết nối, làm sạch hơn 15 triệu trong tổng số 25 triệu dữ liệu trẻ em tích hợp với cơ sở dữ liệu dân cư - nội dung này đã làm xong sớm 2 tháng so với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ngành LĐ – TB&XH cũng đã hoàn thành kết nối cơ sở dữ liệu bảo trợ xã hội với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hiện nay đang cùng Bộ Công an xử lý làm sạch xác minh bổ sung vào cơ sở dữ liệu dân cư hơn 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội.
Thứ hai, Bộ LĐ – TB&XH đã hình thành dữ liệu cơ sở tập trung thống nhất về người có công với cách mạng, ưu tiên trước hết đối với người có công đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những nội dung cho phép sẽ được làm khẩn chương, dự kiến sẽ kết nối cơ sở dữ liệu người có công trong những tháng đầu năm 2023 (trừ những dữ liệu không cho phép công bố).
Thứ ba, đối với lĩnh vực giảm nghèo, Bộ LĐ – TB&XH đang chỉ đạo các địa phương thu thập dữ liệu chi tiết về hộ nghèo, cận nghèo để phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu hộ nghèo, cận nghèo chung và thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phấn đấu hoàn thành cơ bản xong trước Tết Âm lịch 2023.
Hiện nay, Bộ LĐ – TB&XH đang phối hợp cùng Bộ Công an quản lý cơ sở dữ liệu bảo hiểm thất nghiệp, xây dựng dự án cung - cầu cập nhật dữ liệu về người lao động thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thới thời điểm hiện tại, hệ thống phần mềm đã sẵn sàng triển khai và tiến hành thu thập cơ sở dữ liệu trên quy mô toàn quốc.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung (đứng thứ 2 bên trái) trao đổi với một số đại biểu bên lề hội nghị

“Ngành LĐ – TB&XH luôn mong muốn tất cả người lao động có hợp đồng lao động và có kết nối thị trường lao động đều có số liệu chính thức. Thời gian vừa qua thực hiện chi trả hỗ trợ người lao động qua các nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19 cho thấy đây là điều rất cần. Hơn 41 nghìn tỷ đồng chi cho đối tượng bảo hiểm thất nghiệp thực hiện trong hơn 1 tháng mà không xảy ra nhầm lẫn do có cơ sở dữ liệu tốt” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết.
Với việc xây dựng nền tảng số, bước đầu Bộ LĐ – TB&XH đã hoàn thành công nghệ hợp đồng lao động điện tử hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động trên nền tảng công nghệ mạng. Năm 2023 sẽ thí điểm nền tảng này ở một số địa phương có khu công nghiệp tập trung nhiều doanh nghiệp FDI.
Thứ tư, Bộ LĐ – TB&XH đã hoàn thành một số dịch vụ công theo Đề án 06. Hiện nay đang thí điểm dịch vụ Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí tại thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam để rút kinh nghiệm triển khai trên toàn quốc.
Bên cạnh đó, việc triển khai chi trả cho các đối tượng không dùng tiền mặt, Bộ LĐ – TB&XH đã phối hợp trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg ngày 25/11/2022 về thúc đẩy chuyển đổi số và chi trả an sinh không dùng tiền mặt. Các văn bản đã được hoàn thành với tinh thần những đối tượng chi trả không cần tiền mặt thì tiến hành ngay, đối với những đối tượng là người có công, người nghèo thì không máy móc và cần linh hoạt trong vấn đề này.
Về định hướng năm 2023, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ LĐ – TB&XH sẽ tập trung vào một số lĩnh vực, bao gồm: (I) Xây dựng hệ thống đồng bộ cơ sở dữ liệu đối tượng do Bộ LĐ – TB&XH phụ trách để kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia đồng thời song song với việc không chi trả bằng tiền mặt ở một số đối tượng hưởng phụ cấp như người về hưu, người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em…; (II) Xây dựng nền tảng số cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các dịch vụ an sinh; (III) Nâng cao chất lượng dịch vụ công của ngành LĐ – TB&XH; (IV) Tập trung triển khai đồng bộ chi trả không dùng tiền mặt theo Chỉ thị 21/CT-TTg.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho rằng: Bộ LĐ – TB&XH đã xác định làm tốt chuyển đổi số để toàn ngành cùng góp phần thực hiện Đề án chuyển đổi số quốc gia, phục vụ các đối tượng ngành quản lý được thụ hưởng. Coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong năm 2023 để triển khai với tinh thần nhanh nhất, đồng bộ nhất, kết nối chia sẻ dữ liệu toàn quốc theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.

Trần Thắng

TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24