Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Các chính sách hỗ trợ tích cực cho người lao động ổn định cuộc sống
(LĐXH)- Đây là khẳng định của đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra ngày 3/3.
Báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cho biết: Với quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ là kiên quyết thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế, ngăn chặn đại dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế; nhằm góp phần giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, sớm phục hồi phát triển sản xuất kinh doanh, duy trì việc làm, bảo đảm ổn định đời sống của người lao động. Căn cứ chỉ đạo của Bộ Chính trị, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thực hiện phân công của Chính phủ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Văn phòng Trung ương Đảng, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan liên quan, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2021 quy định 12 nhóm chính sách để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, với các nguyên tắc thực hiện cơ bản: hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai minh bạch; thiết kế chính sách minh bạch, đơn giản, dễ tiếp cận nhất, đơn giản thủ tục hành chính; đảm bảo mỗi đối tượng chỉ thụ hưởng một chính sách.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP
Kết quả tính đến ngày 30 tháng 6 năm 2022, cả nước đã hỗ trợ cho 35.873.422 lượt người lao động, người dân; 394.445 đơn vị sử dụng lao động và 508.391 hộ kinh doanh, với tổng số tiền là 45.662,502 tỷ đồng.
Cụ thể, về nhóm chính sách về bảo hiểm: Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hỗ trợ cho 11.816.380 người lao động với số tiền là 5.598,43 tỷ đồng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Quỹ bảo hiểm xã hội và Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nhóm chính sách hỗ trợ bằng tiền: Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, đã hỗ trợ cho 7.173.159 người, 508.391 hộ kinh doanh với số tiền là 14.045,286 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, các địa phương đã chủ động hỗ trợ 15.664.935 người lao động không giao kết hợp đồng lao động và lao động đặc thù với số tiền là 21.231,786 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách địa phương.
Chính sách hỗ trợ cho vay vốn: Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến hết ngày 31 tháng 3 năm 2022 (thời điểm dừng giải ngân theo quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) trên cả nước đã giải ngân được 4.787 tỷ đồng (đạt 63,8% kế hoạch theo Nghị quyết đề ra là 7.500 tỷ đồng) cho 3.561 lượt người sử dụng lao động được vay vốn để trả lương cho 1.218.948 lượt người lao động từ nguồn tái cấp vốn Ngân hàng Chính sách xã hội.
Ở địa phương, các cấp chính quyền, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đều có sự vào cuộc tích cực để tuyên truyền trực tiếp đến đối tượng thụ hưởng như phát thanh cơ sở, phát tờ rơi đến hộ gia đình, dán thông tin tại các bảng tin của tổ dân phố… Nhờ đó, qua công tác kiểm tra, giám sát đến nay chưa phát hiện có hành vi trục lợi chính sách của các tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, khẳng định: Chính sách được ban hành nhanh chóng, kịp thời đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước trong việc chăm lo cho đời sống người dân, người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung các chính sách đã bám sát theo yêu cầu thực tiễn, với các quy định rõ ràng, đơn giản, dễ thực hiện. Công tác tổ chức thực hiện được triển khai đồng bộ, có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, các chính sách đã hỗ trợ tích cực cho người lao động ổn định cuộc sống, người sử dụng lao động sớm ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, do tình hình cấp bách và yêu cầu xây dựng chính sách trong thời gian ngắn trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội; chính sách hỗ trợ tổng hợp đề xuất từ một số Bộ, cơ quan liên quan, hệ thống cơ sở dữ liệu chưa đồng bộ nên trong đề xuất chính sách còn có nội dung chưa sát thực tiễn đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung. Một vài chính sách dự trù kinh phí chưa sát. Trong tổ chức triển khai thực hiện tại các địa phương còn thiếu nhất quán, một số địa phương gặp khó khăn về ngân sách nên việc cấp phát kinh phí có lúc chưa kịp thời, chi hỗ trợ đối tượng còn chậm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chế độ còn nhiều hạn chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã đưa ra 5 bài học kinh nghiệm, gồm: (i) Thành công trong xây dựng và triển khai chính sách có được là kết quả của sự quan tâm sâu sắc, sự chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn, kịp thời của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương và sự ủng hộ của người dân; (ii) Trong thiết kế chính sách, việc quy định rõ ràng, đơn giản về điều kiện, thủ tục, có sự phân công, phân cấp, phân quyền rõ ràng là yếu tố quyết định hiệu quả thực hiện; (iii) Trong tổ chức triển khai, cần có sự chỉ đạo quyết liệt, sâu sát từ trung ương đến địa phương, phát huy tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm; có sự hướng dẫn cụ thể, kịp thời và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; (iv) Phải luôn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong triển khai chính sách để mọi đối tượng, mọi người dân hiểu và chấp hành triển khai thực hiện; (v) Cần làm tốt công tác xây dựng cơ sở dữ liệu để nâng cao chất lượng công tác dự báo, phục vụ xây dựng, ban hành và triển khai chính sách.
Trần Thắng
TAG: