An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo về việc triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội tại phiên họp Chính phủ thường kỳ
03:59 PM 05/05/2020
(LĐXH) - Ngày 5/5/2020, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2020, được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại các điểm cầu tại từng Bộ, ngành dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã có báo cáo chi tiết về gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Gói hỗ trợ an sinh xã hội theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ là một quyết định chưa có trong tiền lệ; một quyết định thể hiện sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với Nhân dân.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo về việc triển khai gói gói hỗ trợ an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Trọng Giáp
“Thực hiện Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành đã triển khai thực hiện một cách quyết liệt, nhất là các địa phương. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiến gói hỗ trợ an sinh xã hội với 123 điểm cầu, 3.400 người tham gia. Các địa phương, các bộ, ngành như Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội, Tổng cục Thuế đã tiến hành ban hành nhanh đầy đủ các hướng dẫn triển khai theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, MTTQ Việt Nam đã ban hành hướng dẫn, giám sát trực tiếp toàn diện việc triển khai Nghị quyết và quyết định của Thủ tướng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã ban hành 8 Bộ nhận diện toàn bộ hệ thống câu hỏi giải đáp, triển khai gói an sinh xã hội. Đã thiết lập, công bố Tổng đài 111 tiếp nhận 24/24h những phản ánh ý kiến đóng góp của nhân dân. 6 đường dây nóng điện thoại của Mặt trận và của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, qua 5 ngày đã có 46.600 lượt điện thoại gọi đến; giải đáp tự động trên 12.000 lượt trong 4 ngày nghỉ Lễ và nghỉ cuối tuần"- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cùng các đồng chí lãnh đạo Bộ, Thủ trưởng các đơn vị tại đầu cầu cuộc họp trực tuyến tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Ảnh: Trọng Giáp
Đặc biệt, mặc dù đang trong dịp nghỉ Lễ nhưng gần như tất cả các ngành, các địa phương đều không nghỉ để tập trung triển khai tiền hỗ trợ đến nhân dân và người lao động. Đến nay, đã có 63/63 địa phương triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội đến người dân; 40/63 tỉnh, thành đã chi tiền trên 20.000 tỷ, trong đó 4 đối tượng cơ bản là người có công, bảo trợ xã hội, người nghèo và cận nghèo đã nhận được tiền hỗ trợ; giải ngân 12.400 tỷ và cơ bản đến ngày 15/5 thì chi trả hỗ trợ xong 4 đối tượng này. Từ ngày 10/5 sẽ tập trung cao độ để giải quyết hỗ trợ cho nhóm lao động tự do và nhóm lao động mất việc làm.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, việc việc triển khai Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ đã được thực hiện đảm bảo nghiêm túc, đúng nguyên tắc công khai, minh bạch và cho đến giờ này chưa phát hiện và chưa nhận được bất cứ phản ánh tiêu cực nào từ các địa phương; đảm bảo không tăng đối tượng, không tăng nguồn, nhất là nguồn ngân sách Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 42 và Quyết định của Thủ tướng; đồng thời đề nghị các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai khẩn trương, nghiêm túc các chủ trương của lãnh đạo Đảng, Nhà nước tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để làm sao việc triển khai tiếp tục nhanh nhất và kịp thời nhất, đồng thời đảm bảo đúng các nguyên tắc công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
Báo cáo về tình hình lao động – việc làm tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ tới thị trường lao động. Số lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp trong tháng 4 đạt 102.000 người, tăng 9% so với tháng 3; lao động chấm dứt hợp đồng và mất việc vào cuối tháng 4 là 670.000 người, tăng 270.000 người; số doanh nghiệp bị tác động bởi dịch Covid-19 tăng 20 % trong tổng số doanh nghiệp bị tác động là 70%.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung và các đồng chí tham dự phiên họp của Bộ tiếp thu chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: Trọng Giáp
Tuy nhiên, sang đầu tháng 5, tình trạng thất nghiệp có dấu hiệu giảm. Số lao động tham gia thị trường lao động gần đây tăng lên, nhất là lực lượng lao động tự do trong khu vực kinh tế dịch vụ.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cảnh báo tình trạng lạm dụng dịch Covid-19 để sa thải lao động nữ, lao động lớn tuổi và trục lợi từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần.
Theo đó, gần đây có tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh để sa thải, ngừng việc đối với lao động nữ và lao động nữ lớn tuổi và đẩy việc hỗ trợ người lao động nghỉ việc sang trách nhiệm của các gói chính sách, nhất là các chính sách ưu đãi của Nhà nước.
“Ngay sau khi có chỉ đạo của Chính phủ, chúng tôi đã khẩn trương cùng với một số địa phương kịp thời chấn chỉnh. Tới nay đã không còn hiện tượng này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh và đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát không vì khó khăn do dịch Covid-19 mà gia tăng việc rút bảo hiểm xã hội một lần, nhất là ở một số địa phương khu vực Bắc Trung Bộ; kiểm soát chặt chẽ tình hình và xử lý nghiêm việc cầm cố, thu gom sổ bảo hiểm xã hội để hưởng chênh lệch.
“Để khắc phục tình trạng này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ nghiên cứu chuyển nhanh từ hình thức sổ bảo hiểm xã hội sang bảo hiểm điện tử, để hạn chế tối đa tình trạng trục lợi, đồng thời tăng cường tuyên truyền và kêu gọi sự đồng thuận của nhân dân” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Tại phiên họp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị tiếp tục duy trì việc cấp phép lao động cho các chuyên gia, lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam một cách thận trọng, giải quyết từng bước, cấp phép theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo ưu tiên tính cấp thiết của từng ngành, tập trung vào các vị trí chủ chốt của doanh nghiệp; ưu tiên các nhà quản lý điều hành mà không thể vắng mặt được, đi đôi với đó là kiểm soát chặt chẽ, phòng chống dịch theo quy định.

Cũng tại tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các Bộ, ban ngành liên quan cần tiếp tục tăng cường việc rà soát đối tượng nhận hỗ trợ từ Nghị quyết 42/NQ-CP, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về góc độ hành chính và hình sự; đồng thời không được để diễn ra tình trạng sa thải hàng loạt, nhất là công nhân lớn tuổi và nữ công nhân; Xử lý nghiêm tình trạng trục lợi từ việc rút bảo hiểm xã hội một lần. Bộ LĐ-TB&XH cần tiếp tục đẩy mạnh đào tạo ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu xã hội.

Minh Anh
TAG:
Tin khác
Huyện Đức Thọ: Không ngừng nâng cao đời sống người có công
Nghệ An chăm lo chu đáo đối với người có công
Thành phố Bắc Giang: Thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa
Bắc Giang: Chung tay hỗ trợ nhà ở cho người có công
Bắc Giang: Thiết thực tri ân người có công
Chuyển biến tích cực về cải cách hành chính trong lĩnh vực người có công ở Bắc Giang
Hà Tĩnh giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo
Phòng chống bạo lực học đường dưới góc nhìn của các đại biểu Quốc hội trẻ em
Phú Yên tập trung xóa nhà tạm cho người nghèo