TS. Hà Thị Minh Đức phát biểu tại hội thảo
Sự kiện này, nhằm cập nhật các văn bản chính sách khung pháp lý; chương trình và kế hoạch quốc gia liên quan đến hỗ trợ nạn nhân bom mình và người khuyết tật,..; cập nhật những dự án, mô hình, sáng kiến mới trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mình và người khuyết tật nói chung; chia sẻ của các bên về kế hoạch ưu tiên và các thách thức trong công tác hỗ trợ nạn nhân bom mình năm 2023.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Hà Thị Minh Đức - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết: Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam bộ là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề qua các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Hiện Việt Nam có trên 7 triệu người khuyết tật, trong đó, có hàng triệu người là nạn nhân bom mìn và bị chất độc hóa học, phơi nhiễm đi-ô-xin. Số bom mìn tồn sót đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là người lao động chính trong gia đình và trẻ em.
Đến nay, công tác khắc phục hậu quả bom mìn đạt được những kết quả trên tất cả các lĩnh vực, trong đó, đặc biệt là công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, bảo đảm an sinh xã hội không ngừng được nâng cao.
Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế cho biết thêm, cùng với việc ưu tiên rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều chính sách trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn. Họ được thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, trợ giúp nhu cầu chỉnh hình, phục hồi chức năng. Nạn nhân bom mìn được tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, vật lý trị liệu, công tác xã hội, ngôn ngữ trị liệu. Bộ LĐ-TB&XH đã thúc đẩy mô hình giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, trong đó có các nạn nhân của bom mìn thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm, các Hội Người khuyết tật ở các địa phương với mục tiêu giới thiệu việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi nghiệp cho hàng ngàn người khuyết tật.
Toàn cảnh hội thảo
Cùng với đó, các tổ chức của người khuyết tật đã phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và nhiều tổ chức quốc tế tổ chức các chương trình như: “Vì nạn nhân chất độc da cam”, “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam”, “Hội ngộ doanh nhân, chủ cơ sở sản xuất là người khuyết tật”; Chương trình giao lưu “ Một trái tim – Một thế giới”.... và nhiều chương trình hội thảo, giao lưu có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về người khuyết tật và hoạt động trợ giúp người khuyết tật. Với sự trợ giúp xã hội từ Nhà nước, các tổ chức quốc tế đã phần nào đáp ứng nhu cầu của nạn nhân bom mìn, giúp họ hòa nhập cộng đồng, tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế.
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐ-TB&XH đề ra kế hoạch cho giai đoạn 2021-2025, tập trung vào 5 mục tiêu cụ thể với 6 hoạt động chính, trong đó có hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật. Các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật… Tuy nhiên, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho người khuyết tật và cải thiện điều kiện sống cho họ, do đa số người khuyết tật tập trung ở nông thôn, có điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đa số không có việc làm, thu nhập bấp bênh.
Ông Trần Hữu Thanh, Trưởng phòng Đối ngoại, VNMAC chia sẻ thông tin khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh tại Việt Nam
TS. Hà Thị Minh Đức mong các đại biểu, những người quan tâm đến công tác hỗ trợ người khuyết tật nói chung, nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học nói riêng; những mối quan tâm, ưu tiên của các tổ chức, cơ quan về công tác phối hợp, vận dụng các nguồn lực để tăng cường sự hoạt động hợp tác một cách bền vững và hiệu quả nhằm thúc đẩy quyền của người khuyết tật nói chung và nạn nhân bom mìn nói riêng và hòa nhập cộng đồng cho họ.
Chia sẻ thông tin tại hội thảo, ông Trần Hữu Thanh, Trưởng phòng Đối ngoại, VNMAC cho biết, kết quả khảo sát của Bộ Quốc phòng cho thấy, Việt Nam có 9.116 xã trong tổng số 11.134 xã (tương đương 81.87%) thuộc 63 tỉnh, thành phố trên cả nước còn bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở các mức độ khác nhau. Diện tích ô nhiễm còn khoảng 5,6 triệu ha với khoảng 600 - 800 ngàn tấn bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Bom mìn còn sót lại gây ra nhiều vụ tai nạn tạo thành thương tật vĩnh viễn cho người dân khi họ đi rà tìm phế liệu, canh tác trên đất có bom mìn, thậm chí là trẻ em vô tình nhặt được bom mìn rồi gây nổ…
Các đại biểu tham gia thảo luận, chia sẻ kinh nghiệp tại hội thảo
Từ sau 1975 đến nay, ở Việt Nam đã có hơn 110.000 người chết và bị thương do bom mìn (trong đó có hơn 50.000 người chết, hơn 60.000 người bị thương). 49/63 tỉnh thành có tai nạn do bom mìn, vật nổ gây ra. Từ năm 2010, Việt Nam đã triển khai Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2010-2015, Việt Nam đã rà phá bom mìn trên 300 ngàn ha đất đai. Từ năm 2015 đến nay, mỗi năm rà phá thêm 50.000 ha.
Theo ông Đoàn Hữu Minh, cán bộ chương trình của UNDP tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu nạn nhân bom mìn trên toàn quốc. Từ đó, cơ quan chức năng mới có thể nắm bắt được nhu cầu của từng người để có hỗ trợ thích hợp và kịp thời theo mô hình thực hành công tác xã hội. Sau quá trình thực hiện hỗ trợ nạn nhân bom mìn theo mô hình thực hành công tác xã hội, đánh giá nhu cầu và có giải pháp hỗ trợ thích hợp cho từng trường hợp nạn nhân, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Đình đánh giá đây là cách làm rất hiệu quả, nên tiếp tục duy trì. Quảng Bình là địa phương được nhận tài trợ của tổ chức KOICA để triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn ở địa phương, kết quả đã hỗ trợ được 210 hộ. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn nhiều nạn nhân chưa được hỗ trợ, đại diện Sở LĐ-TB&XH Quảng Bình đề nghị KOICA tiếp tục quan tâm hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn chưa được hỗ trợ đợt này.
Hội thảo còn nhận được nhiều ý kiến tham luân của các đại biểu, trong đó đại diện Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đưa ra những đánh giá, kết quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn và định hướng giai đoạn 2021- 2025. Đặc biệt, hội thảo còn nhận được chia sẻ bà Chanthana Senthong, Quản lý dự án, Trung tâm Hành động mìn khu vực ASEAN về tăng cường chương trình hỗ trợ nạn nhân ở các nước thành viên ASEAN.
Trương Đăng