Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
(LĐXH)- Sáng 27/12, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 lĩnh vực lao động, người có có công và xã hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long và Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm, cùng lãnh đạo các Ban của Đảng, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương…Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung phát biểu khai mạc Hội nghị
Thông tin tại Hội nghị cho biết, trong năm 2024, Bộ trưởng, các đồng chí Thứ trưởng đã tập trung chỉ đạo, điều hành chủ động, đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời để triển khai đồng bộ, toàn diện nhiều chính sách, giải pháp trên các lĩnh vực; chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc Bộ, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch và chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao ngay từ đầu năm.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành được thực hiện nhất quán, đồng bộ, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; các nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xây dựng, hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật; bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường hoạt động đối ngoại và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác ngành năm 2024.
Ở địa phương, các Sở LĐTBXH đã chủ động nghiên cứu, tham mưu kịp thời, đày đủ cho Tỉnh/Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, chương trình, đề án của ngành trên địa bàn.
Nhiều kết quả quan trọng
Điểm lại một số kết quả nổi bật, Báo cáo cho biết: Tình hình lao động, việc làm năm 2024 có nhiều điểm sáng, ước thực hiện năm 2024 đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 69%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước đạt 28,1%. Cả năm đưa khoảng 150 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 120% kế hoạch.
Công tác tuyên truyền, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHTN được đẩy mạnh; ước tính đối tượng tham gia BHXH đạt khoảng 20,1 triệu người, chiếm 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi; tham gia BHTN ước đạt 15,8 triệu người, chiếm khoảng 33% LLLĐ trong độ tuổi; trong năm có 883.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm 15,1% so với cùng kỳ năm 2023; có 2.208.569 người được tư vấn, giới thiệu việc làm làm.
Bên cạnh đó, công tác nâng cao chất lượng GDNN, gắn kết công tác đào tạo với thị trường lao động, việc làm bền vững, an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ.Toàn cảnh Hội nghị
Năm 2024 toàn quốc tuyển sinh được trên 2,4 triệu người, đạt 100% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 448.574 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 1.981.585 người. Ước tốt nghiệp năm 2024 là 2.146.000 người, đạt 100% kế hoạch, trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp 346.000 người, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề khác 1.800.000 người.
Ước 4 năm 2021-2024, cả nước tuyển sinh khoảng 8.373.870 người (trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là: 1.705.070 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 6.668.800 người); tốt nghiệp khoảng 7.110.242 người (trong đó: Trình độ cao đẳng và trung cấp là: 1.149.268 người; trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác là 5.960.974 người).
Bộ cũng tiếp tục tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn; trình Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2024/NĐ-CP sửa đổi mức chuẩn trợ cấp ưu đãi NCC với cách mạng; theo đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng, tăng 35,7%, cao nhất từ trước đến nay.
Thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho 1.074.543 người có công với cách mạng; trong đó, tổng số đối tượng người có công với cách mạng đã nhận trợ cấp qua tài khoản là 608.723 người, với kinh phí chi trả không dùng tiền mặt là hơn 11.900 tỷ đồng. Làm tốt công tác chăm sóc, điều dưỡng người có công và các phong trào đền ơn đáp nghĩa…; tổ chức các hoạt động tri ân người có công dịp Tết Nguyên đán và Ngày thương binh liệt sỹ đảm bảo trang trọng, thiết thực, ý nghĩa…
Bên cạnh đó, các lĩnh vực xã hội khác như xóa đói giảm nghèo cũng được thực hiện nhanh và bền vững, thu nhập của hộ nghèo được nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2024 còn dưới 1%, đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Tính chung giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 4,2% (giảm bình quân khoảng 1,05%/năm); tỷ lệ hộ nghèo các huyện nghèo giảm bình quân trên 4%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm bình quân trên 3%/năm.
Về nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ LĐTBXH xác định:
- Nhiệm vụ quan trọng nhất là triển khai thực hiện hợp nhất Bộ LĐTBXH với Bộ Nội vụ; điều chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp về Bộ Giáo dục và Đào tạo, các lĩnh vực bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội về Bộ Y tế và giảm nghèo về Ủy ban Dân tộc, bảo đảm đúng theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Trung ương.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội đảm bảo hiệu quả, hiệu lực.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, trọng tâm là bảo đảm việc làm bền vững và sinh kế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thị trường lao động, cơ sở dữ liệu về lao động - việc làm.
- Hoàn thiện chính sách pháp luật về GDNN đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, góp phần hoàn thiện thể chế chung, đóng góp tích cực cho phát triển của đất nước.
- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác chăm sóc người có công với cách mạng, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Thực hiện đầy đủ chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, đẩy mạnh chi trả trợ cấp ưu đãi người có công thông qua tổ chức dịch vụ và chi trả không dùng tiền mặt. Thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, điều dưỡng người có công với cách mạng, các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.
- Tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo bền vững. Tập trung triển khai hiệu quả Nghị quyết số 111 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình MTQG để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững; tập trung xoá nhà tạm, nhà dột nát, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
- Tăng cường hợp tác quốc tế; nâng cao hiệu quả quản ký nhà nước, kiện toàn tổ chức, bộ máy; đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức và người lao động. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số toàn diện lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng./.
Nhóm PV
TAG: