Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng kết công tác đối ngoại năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021
05:01 PM 12/01/2021
(LĐXH) Sáng ngày 12/1, tại Hà Nội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị tổng kết công tác đối ngoại năm 2020 và phương hướng nhiệm vụ năm 2021. Tham dự và chủ trì Hội nghị có Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng; đại diện các Bộ, ban ngành liên quan, Lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ cùng toàn thể cán bộ công chức Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH).
2020 là năm đầy thách thức trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế 
Phát biểu tại Hội nghị, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ LĐ-TBXH) Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Năm 2020 là năm đầy thách thức đối với hoạt động đối ngoại của Bộ, đặc biệt là ảnh hưởng của Covid-19, nhưng với sự chỉ đạo của Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, với sự phối hợp có hiệu quả của các Bộ, ngành có liên quan và với sự cố gắng chung của các đơn vị trong Bộ, công tác đối ngoại của Bộ năm 2020 mặc dù phải chuyển sang thực hiện trong trạng thái “bình thường mới” đã đạt được kết quả ở mức cao nhất có thể. Trong đó, nổi bật nhất là việc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện thành công vai trò Chủ tịch Cộng đồng trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 cũng như đại diện cho ASEAN trong các cơ chế hợp tác đa phương khác như ILO, G20.
Để triển khai công tác đối ngoại 2020, ngay từ cuối năm 2019, thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước và nhiệm vụ đối ngoại chung của Chính phủ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng và các đồng chí lãnh đạo Bộ, Vụ Hợp tác quốc tế cùng các đơn vị trong Bộ đã xây dựng kế hoạch công tác năm 2020 cho các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế. Đến tháng 3 năm 2020, khi đại dịch Covid 19 đã bắt đầu lan ra trên thế giới, bao gồm tất cả các nước thành viên ASEAN thì Bộ đã nhanh chóng điều chỉnh, xây dựng thêm “Kế hoạch B”, trong đó điều chỉnh theo hướng lồng ghép, dãn hoặc lùi các hoạt động nhưng vẫn đảm bảo thực hiện toàn bộ kế hoạch đã đề ra. Đến tháng 5/2020, khi tình hình dịch bệnh có chiều hướng phức tạp hơn, thực hiện sự chỉ đạo chung của Chính phủ và của Ủy ban Quốc gia ASEAN, Bộ đã điều chỉnh kế hoạch chuyển các hoạt động sang hình thức trao đổi qua email, tổ chức các cuộc họp theo hình thức trực tuyến và trực tuyến kết hợp với trực tiếp trong nước.
Do chủ động và nhanh chóng chuyển sang hình thức trực tuyến nên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hoàn thành toàn bộ kế hoạch đặt ra trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, bao gồm việc chủ trì tổ chức thành công 49 hội nghị, hội thảo và các cuộc họp cấp kỹ thuật theo kênh Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN, trong đó đặc biệt là các Hội nghị cấp Bộ trưởng, bao gồm Hội nghị Hội đồng Cộng đồng VHXH ASEAN lần thứ 23 và lần thứ 24 và các Hội nghị cấp quan chức liên quan; Hội nghị cấp cao của các Bộ trưởng Lao động ASEAN và các Bộ trưởng Giáo dục ASEAN về Phát triển nguồn nhân lực cho thế giới công việc đang đổi thay. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng tham gia các Hội nghị trực tuyến các Bộ trưởng Lao động ASEAN và Bộ trưởng Lao động Phúc lợi Xã hội và Phát triển ASEAN đặc biệt về Covid-19.
IMG-0963.JPG
Toàn cảnh Hội nghị
Ngoài ra, Bộ cũng đã chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức các cuộc họp trực tuyến về những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN nhằm ứng phó và giảm thiểu tác động của Covid 19 đối với lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, phụ nữ và trẻ em, gia đình, lao động di cư, người khuyết tật, người cao tuổi và các nhóm dễ bị tổn thương khác trong xã hội; chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao năng lực, tăng cường nguồn lực và hợp tác nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Năm 2020 cũng là năm Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và thực hiện những hoạt động hợp tác quốc tế chuyên ngành trong lĩnh vực lao động, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ đã duy trì làm việc với các đối tác song phương và đa phương dưới hình thức làm việc hoặc họp trực tuyến. Trong đó, Bộ cũng đã tổ chức thành công việc đàm phán và ký kết 2 Bản ghi nhớ (MOU) theo hình thức trực tuyến với Cơ quan kinh tế Liên bang Thụy Sĩ về hợp tác lao động - việc làm giai đoạn 2020 - 2022 và với Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc về gia hạn MOU phái cử lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS. Ngoài ra, trong năm 2020, Bộ đã phối hợp với ILO và các cơ quan có liên quan của Việt Nam tiến hành đánh giá giữa kỳ Chương trình quốc gia Việt Nam - ILO về Việc làm thỏa đáng 2017-2021; tiếp tục hợp tác với các đối tác thực hiện và tiếp nhận các dự án hỗ trợ kỹ thuật từ ILO, UNICEF, UNHCR, UNFPA, IOM, UNODC về xây dựng chính sách pháp luật về lao động, giáo dục nghề nghiệp, bình đẳng giới, phòng chống mua bán người....
Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ đối ngoại theo các lĩnh vực, nhiệm vụ của Bộ, ngành 
Tuy gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vẫn cố gắng triển khai hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế trong từng lĩnh vực của Bộ.
Trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã chủ động điều chỉnh hình thức, nội dung hợp tác để các hoạt động hợp tác đang triển khai không bị gián đoạn, đồng thời xây dựng các chương trình hợp tác mới. Tham gia sâu rộng hơn vào hợp tác khu vực như tham gia góp ý các văn kiện, hội nghị ASEAN trong năm Chủ tịch ASEAN; tham gia Dự án Xây dựng năng lực cho việc thực hiện Khung trình độ quốc gia và bảo đảm chất lượng GDNN cho nhóm nước Campuchia, Lào, Mianma, Việt Nam do Ban thư ký ASEAN chủ trì và do Hàn Quốc tài trợ.
Trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, các đường bay quốc tế phần lớn dừng hoạt động, nhiều quốc gia tạm dừng nhận lao động nước ngoài, số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo tổ chức vẫn đạt gần 79 ngàn người. Công tác phát triển thị trường lao động và quản lý, bảo vệ quyền lợi của người lao động được thực hiện tốt, kịp thời phối hợp với đối tác xử lý các vấn đề phát sinh, nhất là ở các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam như Nhật bản, Hàn quốc, Đài Loan.
Trong lĩnh vực việc làm, Cục Việc làm đã thảo luận với ILO, Ngân hàng Thế giới và một số đối tác song phương về thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin thị trường lao động, chính sách việc làm và quản lý lao động, bảo hiểm thất nghiệp, việc làm khu vực phi chính thức; hợp tác thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động của Covid 19 tới việc làm và chuẩn bị cho những kịch bản phục hồi và phát triển thị trường lao động hậu đại dịch.
Trong lĩnh vực Quan hệ lao động và tiền lương, trong năm 2020, thông qua dự án “Khung khổ Quan hệ Lao động mới đảm bảo tôn trọng Tuyên bố của ILO về những Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động” (Dự án NIRF), Bộ tiếp tục hợp tác với ILO thực hiện các hoạt động thúc đẩy việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Bộ luật Lao động sửa đổi 2019 những nội dung liên quan tới quan hệ lao động.
IMG-1168.JPG
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng phát biểu tại Hội nghị
Trong lĩnh vực an toàn lao động, Cục An toàn lao động tham gia các hoạt động trong khuôn khổ mạng lưới An toàn vệ sinh lao động ASEAN (ASEAN-OSHNET) gồm lễ ra mắt dự án “Chương trình chia sẻ kiến thức với ASEAN”, Hội nghị trực tuyến Ban điều phối mạng An toàn, vệ sinh lao động lần thứ 21.
Trong lĩnh vực trẻ em, Bộ đã tham mưu với Chính phủ việc Việt Nam tham gia Liên minh 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em với vai trò là quốc gia tiên phong. góp phần quan trọng thực hiện Mục tiêu 8.7 về xóa bỏ lao động trẻ em trong các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SGDs).
Bộ tiếp tục hợp tác với UNICEF và các tổ chức quốc tế thực hiện các hoạt động thúc đẩy việc thực hiện Công ước về Quyền trẻ em; triển khai tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Khuyến nghị của Ủy ban về quyền trẻ em của Liên hợp quốc đối với báo cáo thực hiện Công ước về Quyền trẻ em CRC lần thứ 3 và 4 của Việt Nam và Chuẩn bị cho đối thoại với Ủy ban quyền trẻ em của Liên hợp quốc sau khi Việt Nam đã nộp báo cáo định kỳ thực hiện CRC lần 5 và 6.
Trong lĩnh vực bình đẳng giới, Bộ tiếp tục đóng góp vào nội dung các tài liệu, văn kiện và tham dự các cuộc họp kỹ thuật, hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Nhóm Đối tác chính sách về Phụ nữ và Kinh tế (PPWE) APEC và Uỷ ban thúc đẩy quyền của phụ nữ và trẻ em khu vực ASEAN (ACWC) và các hội nghị, hội thảo chuyên đề ASEAN.
Trong công tác người có công, Bộ và tổ chức International WeLoveU Foundation đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2020¬-2023 trong lĩnh vực hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng người có công với các hoạt động dự kiến: hỗ trợ chăm sóc, nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt, cơ sở vật chất, trang thiết bị sinh hoạt cho người có công, hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ các trung tâm nuôi dưỡng người già, ưu tiên các cơ sở người có công trực thuộc Bộ; chia sẻ kinh nghiệm và trao đối các cán bộ, y bác sĩ sang hoạt động tình nguyện tại các cơ sở người có công; hỗ trợ học bổng, dạy nghề, tạo việc làm cho con em người có công.
Trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ đã vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ gần 1.2 tỉ đồng tổ chức 02 hội thảo tham vấn xây dựng Nghị định hướng dẫn một số điều trong Luật phòng chống mua ban người; tổ chức Hội thảo trao đổi kinh nghiệm quốc tế về trợ giúp cho người nghiện ma túy, người sau cai nghiện, người bán dâm, nạn nhân bị mua bán trở về, với sự tham gia của các đối tác quốc tế song phương, đa phương và phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực phòng chống cai nghiện ma túy, HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Vụ Hợp tác Quốc tế tiếp tục phát huy vai trò chủ động và tích cực trong công tác đối ngoại của Bộ, ngành trong năm 2021
Sau khi lắng nghe báo cáo về các thành tích đạt được trong công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong năm 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng đánh giá cao sự đóng góp của Bộ LĐ-TBXH, đặc biệt là của Vụ Hợp tác Quốc tế vào thành công của Năm Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN 2020. Bộ LĐ-TBXH đã hoàn thành xuất sắc ở 03 khía cạnh. Đó là: Điều phối chủ trì Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN, luôn dẫn đầu với năng lực chuyên môn và ngoại ngữ xuất sắc; Điều phối tốt trong nội bộ, gắn kết 15 Bộ, ngành cùng thực hiện nhiệm vụ chung; Thực hiện tốt vai trò và sứ mệnh của mình với kết quả rất tích cực và đáng khích lệ.
IMG-1213.JPG
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh phát biểu bế mạc Hội nghị
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Văn Thanh đánh giá cao những nỗ lực, sự chủ động và tích cực của Vụ Hợp tác quốc tế và các đơn vị để Bộ có được những kết quả đáng khích lệ về công tác đối ngoại trong bối cảnh nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ động và tích cực trong công tác đối ngoại của Bộ trong năm 2021 - Năm đầu tiên thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị Vụ Hợp tác Quốc tế thực hiện tốt các nhiệm vụ sau: Thúc đẩy thực hiện Đề án 161 của Thứ tướng Chính phủ, đặc biệt là thúc đẩy và điều phối các sáng kiến khu vực mà Việt Nam đã đưa ra trong năm 2020; điều phối tốt hoạt động của Cộng đồng và kết nối, hỗ trợ Brunei thúc đẩy các ưu tiên đã đưa ra. Về hợp tác đa phương, song phương và phi chính phủ: Tiếp tục thực hiện Chiến lược Hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ giai đoạn thực hiện 2016-2020 với nguyên tắc tăng cường kết nối với ILO và các tổ chức Liên Hợp quốc để thực hiện các hoạt động liên quan của Bộ, đặc biệt trong xây dựng luật pháp chính sách và các sáng kiến nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ; thúc đẩy ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế của các đơn vị trong các lĩnh vực liên quan của Bộ. Hỗ trợ và khai thác tốt các thế mạnh của các đối tác để tăng cường hiệu quả công tác đối ngoại, tránh lãng phí nguồn lực về con người và tài chính; Thực hiện tốt công tác quản lý các hoạt động đối ngoại, thông tin đối ngoại, nhân quyền…
Để đạt được các kết quả và thực hiện hiệu quả các kế hoạch đề ra, xét trong bối cảnh hội nhập quốc tế đang ngày càng sâu rộng, Thứ trưởng Lê Văn Thanh đề nghị, ngoài những đề xuất đối với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan trong phối hợp và hỗ trợ công tác quản lý đối ngoại, huy động nguồn lực, Vụ Hợp tác Quốc tế và các đơn vị của Bộ cần: Phát huy vai trò chủ động và tích cực trong công tác đối ngoại, phát huy các thành tích ta đã đạt được trong năm 2020 để thúc đẩy vai trò đi đầu và dẫn dắt của Bộ, ngành trong các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Thứ trưởng đề nghị tất cả các đơn vị trong Bộ phối hợp chặt chẽ với Vụ Hợp tác Quốc tế thực hiện nghiêm túc quy chế đối ngoại của Bộ, tham gia có trách nhiệm trong các hoạt động đối ngoại chung của Bộ với nhận thức rõ rằng hợp tác quốc tế và đối ngoại là cầu nối với các vấn đề mới nổi hỗ trợ cho việc xây dựng chính sách cho các đối tượng của Bộ, là nguồn lực cả về kỹ thuật và tài chính giúp cho chúng ta ứng phó tốt hơn các thách thức của ngành, giúp Bộ có thể tiệm cận nhanh hơn các tiêu chuẩn quốc tế để thực hiện tốt các nghĩa vụ quốc gia và vai trò quản lý nhà nước của Bộ, ngành.
Ngọc Trần
TAG:
Tin khác
Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN: Không ngừng nỗ lực và thích ứng để làm chủ tương lai
Đồng Nai trang trọng tổ chức Lễ An táng liệt sĩ hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ
Để phát triển bền vững sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc
Huấn luyện đầu khóa cho 280 học viên trung cấp chính quy các trường công an
Chủ tịch nước Lương Cường làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa
Diễn đàn chia sẻ giải pháp xây dựng các đô thị xanh, thông minh và phát triển bền vững
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp xúc cử tri tỉnh Thanh Hóa
Thông báo nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025
Công bố báo cáo quốc gia 2024 về thực hiện Chính sách ở Việt Nam