Tin trong nước
Trang chủ / Thời sự / Tin trong nước
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023
12:56 PM 14/01/2023
(LĐXH) - Sáng ngày 14/1/2023, tại điểm cầu Trung ương và điểm cầu 63 tỉnh, thành phố, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2023.
Đồng chí Phạm Minh chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có: Đồng chí Phạm Minh chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Nguyên Thúy Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội; Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; cùng đại diện các Bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương.
Về phía Bộ LĐTBXH có: Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH; các đồng chí Thứ trưởng, đại diện Đảng ủy, Công đoàn, Đoàn Thanh niên cơ quan Bộ; các đồng chí Lãnh đạo các đơn vị Trực thuộc Bộ. Tại điểm cầu các địa phương, có các đồng chí đại diện Thường trực Tỉnh, Thành ủy; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, Thường trực Hội đồng nhân dân; Lãnh đạo đoàn Đại biểu Quốc hội; Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, thành; đại diện Lãnh đạo các Sở LĐTBXH và các sở, ngành liên quan; Lãnh đạo các Phòng LĐTBXH ở địa phương.
Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH phát biểu khai mạc Hội nghị 
Nhiều kết quả đáng khích lệ trong một năm nhiều khó khăn, thách thức
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Năm 2022, cùng với cả nước, ngành LĐTBXH vừa trải qua một năm với những thách thức, khó khăn rất lớn của thời kỳ hậu COVID-19. Nhưng với sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt và sáng tạo của Đảng và Nhà nước, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội nước ta đã từng bước phục hồi và phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện, các chính sách an sinh xã hội được đảm bảo; niềm tin xã hội, sự ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ngày một lớn hơn.
Trong lĩnh vực xã hội, lao động, việc làm, năm 2022, toàn ngành LĐTBXH đã nỗ lực cao nhất để triển khai một cách đồng bộ, kịp thời và hiệu quả, nhất là chính sách về người có công, bảo trợ xã hội, giảm nghèo đa chiều, các chính sách bảo trợ người yếu thế, người cao tuổi, trẻ em. Công tác cứu trợ khẩn cấp triển khai có hiệu quả với nhiều chính sách đi trước, đi sớm, đời sống nhân dân cơ bản ổn định và từng bước được cải thiện. Ngành LĐTBXH đã tích cực tham mưu các chính sách hỗ trợ hơn 104 nghìn tỷ đồng cho 68,67 triệu người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động. Người dân bị thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, thiếu đói được trợ giúp đột xuất kịp thời. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đưa gần 143 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đạt gần 160% kế hoạch đề ra, gấp hơn 3 lần năm 2021. Bên cạnh đó, toàn Ngành đã hoàn thành 100% nhiệm vụ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để đạt được những kết quả nêu trên, trước hết là do toàn Ngành đã dồn lực trong việc tập trung tham mưu, đề xuất thực hiện các biện pháp linh hoạt, sáng tạo và kịp thời nhằm ổn định thị trường lao động; tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với Trung ương, Quốc hội và Chính phủ các biện pháp phục hồi sản xuất và các chính sách an sinh xã hội ngắn hạn và lâu dài. Bên cạnh đó là sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành LĐTBXH và sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các cơ quan liên quan, sự vào cuộc của các địa phương, qua đó đã góp phần làm cho bức tranh kinh tế - xã hội đang khởi sắc trở lại, thị trường lao động phục hồi và bắt đầu tạo lập được sự ổn định. “Nhìn tổng thể, công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta trong thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ ngày một mở rộng, trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, việc làm ngày càng bền vững”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Các đại biểu chủ trì Hội nghị

Báo cáo trình bày tại Hội nghị cho biết: Năm 2022, công tác quản lý nhà nước và chỉ đạo, điều hành của Bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Các đơn vị đã nỗ lực triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Bộ LĐTBXH đã hoàn thành các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao, gồm: Có 03/03 chỉ tiêu Quốc hội giao tại Nghị quyết số 32/2021/QH15 đạt mục tiêu đề ra: (i) Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị là 2,79%; (ii) Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 67% và (iii) Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm khoảng 1,2%. Có 03/03 chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 01/NQ-CP đạt và vượt mục tiêu đề ra: Đưa trên 142 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 158% kế hoạch; Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tham gia BHXH đạt khoảng 38%, tham gia BHTN đạt khoảng 31,1%.
Trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, Bộ LĐTBXH đã trình 10 đề án, bao gồm: 01 hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Việc làm (sửa đổi), 04 Nghị định, 03 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; ban hành theo thẩm quyền 20 thông tư. Công tác kiểm tra quy phạm pháp luật cũng được tập trung thực hiện kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm.
Trong năm 2022, thị trường lao động chứng kiến đà phục hồi nhanh, mạnh mẽ, thu nhập bình quân của người lao động liên tục tăng, được cải thiện từ quý I đến quý III năm 2022. Công tác giải quyết việc làm gắn với nâng cao thu nhập cho người lao động luôn được chính quyền các địa phương quan tâm. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2022 là 50,6 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với năm 2021.
Các chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về quan hệ lao động, an toàn, vệ sinh lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam được chú trọng. Chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp được nâng lên, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Ước thực hiện tuyển sinh trên 2.259 nghìn người, đạt 108,3% so với kế hoạch.
Bộ LĐTBXH đã chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên cho gần 1,2 triệu người người có công với cách mạng, kinh phí trên 29 nghìn tỷ đồng. Điều dưỡng cho trên 500 nghìn lượt người có công. Ngân sách trung ương bố trí năm 2022 là 8.620 tỷ đồng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và khoảng 23 nghìn tỷ đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung. Công tác trợ giúp xã hội tiếp tục quan tâm, mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng dần mức trợ cấp cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Thống kê cả nước hiện có 3,3 triệu đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp thường xuyên hàng tháng với kinh phí khoảng 28 nghìn tỷ đồng.
Công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em được đẩy mạnh. Ước thực hiện năm 2022, có 57% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trên tổng dân số trẻ em giảm còn 6,8%. Công tác bình đẳng giới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực nói chung tiếp tục được rút ngắn và được quốc tế ghi nhận. Bình đẳng giới ngày càng thực chất hơn, vai trò và địa vị của phụ nữ được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội được tập trung vào việc nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy, tư vấn, hướng nghiệp, học nghề và giới thiệu việc làm cho học viên cai nghiện ma túy. Triển khai Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị mua bán trở về. Tỷ lệ người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tiếp cận các dịch vụ tư vấn, điều trị, cai nghiện ma túy khoảng 74%; tỷ trọng người nghiện ma túy tham gia cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, cơ sở cai nghiện ma túy chiếm 25% tổng số người nghiện được cai nghiện.
Đồng chí Nguyễn Thế Mạnh, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Đồng chí Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội
Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bên cạnh kết quả đạt được, ngành LĐTBXH cũng gặp nhiều thách thức trong thực hiện nhiệm vụ. Bộ trưởng đề nghị trước mắt trong năm 2023, toàn Ngành cần tập trung thực các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Nỗ lực tham mưu Chính phủ trình BCH Trung ương ban hành một nghị quyết về chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2035, tầm nhìn 2045 với mục tiêu phát triển chính sách toàn diện, bền vững, hiện đại. Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, hình thành lưới an sinh xã hội theo yêu cầu đổi mới và phát triển, đảm bảo nâng cao khả năng phòng ngừa, chống chịu và khắc phục rủi ro của nhân dân; thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng, nâng cao hiệu quả an ninh, an sinh của người dân, tạo môi trường để mọi người dân đều có cơ hội tham gia đóng góp và thụ hưởng thành quả của cách mạng.
Về lâu dài, Ngành phải tiếp tục rà soát hoàn thiện toàn bộ khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách để xây dựng và hình thành từng bước thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ và hiện đại, thúc đẩy tăng năng suất lao động từ nền tảng lực lượng nhân lực khoa học công nghệ, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xã hội và huy động nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các chính sách xã hội. Triển khai toàn diện thiết thực, kịp thời các chính sách an sinh xã hội, nhất là người có công, đối tượng yếu thế và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Chăm lo, tạo môi trường an toàn để bảo đảm phát triển đầy đủ quyền của trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ các đối tượng bảo đảm kịp thời, hiệu quả. Hoàn thiện hệ thống thu thập thông tin, cơ sở dữ liệu về các nhóm đối tượng, bảo đảm liên thông giữa địa phương với trung ương, giữa các ban, ngành.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trao Cờ thi đua cho các đơn vị

Cũng tại Hội nghị, đại diện một số Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố đã báo cáo chia sẻ kết quả đạt được trong công tác lao động, thương binh và xã hội năm 2022, đồng thời đưa ra một số kiến nghị, đề xuất với Bộ để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2023.
Bộ LĐTBXH cũng đã công bố Quyết định khen thưởng để ghi nhận thành tích của các đơn vị, địa phương đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dẫn đầu phong trào thi đua năm 2022. Theo đó, tặng Cờ thi đua cho 16 Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 21 đơn vị thuộc Bộ.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phạm Minh chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả toàn diện mà ngành LĐTBXH đạt được trong năm 2022, một năm nhiều khó khăn, thách thức. Trong thành tích chung của cả nước, có thành tích đóng góp quan trọng của ngành LĐTBXH.
Toàn Ngành đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tạo sự đồng bộ, liên thông cơ sở dữ liệu giữa các đơn vị, kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia nhằm đáp ứng tốt hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ về lao động, người có công và xã hội. Chủ động thực hiện chính sách người có công, triển khai kịp thời công tác chi trả trợ cấp, xác nhận hồ sơ thụ hưởng. Thực hiện tốt công tác kết nối cung cầu lao động, phục hồi thị trường lao động, nắm bắt tình hình lao động, việc làm. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực gắn với Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Công tác giảm nghèo, bình đẳng giới, trẻ em được triển khai tương đối toàn diện và đạt hiệu quả. Đảm bảo chế độ cho hơn 2,5 triệu người cao tuổi, 1,5 triệu người khuyết tật. Quyết liệt sắp xếp bộ máy, phân định rõ chức năng nhiệm vụ theo Nghị quyết của Chính phủ.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, ngành LĐTBXH là ngành đặc thù, với số đối tượng quản lý nhiều, phạm vi quản lý rộng, có tính chất phức tạp, vì vậy trong thời gian tới, toàn Ngành cần có những giải pháp thích ứng mới, kịp thời tham mưu trình ban hành cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện phù hợp với đối tượng đặc thù. Đồng thời Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra những bất cập để Ngành thực hiện tốt hơn trong năm 2023 như: Chỉ tiêu năng suất lao động chưa đạt được; Công tác xây dựng nghiên cứu chiến lược, kế hoạch có tính chất dài hơi còn hạn chế; Vấn đề già hóa dân số, mất cân bằng giới tính còn diễn ra; Thị trường lao động phát triển chưa đồng đều, bền vững, an toàn; Cơ cấu nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu...
Năm 2023 là năm hết sức khó khăn đối với nền kinh tế nước ta và sẽ ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an sinh xã hội. Trên cơ sở đó, toàn ngành LĐTBXH cần tiếp tục làm tốt và lan tỏa tinh thần trách nhiệm cao cả, thúc đẩy tiến bộ công bằng xã hội và an sinh xã hội để không có ai bị bỏ lại phía sau. Quán triệt, cụ thể hóa các nghị quyết của Trung ương, cấp ủy đảng, chính quyền về lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội. Nắm bắt sát tình hình thực tế, phản ứng nhanh, thực hiện hiệu quả chính sách; phát triển thị trường lao động hiện đại, bền vững; đầu tư thích đáng công tác quy hoạch của Ngành.../.

Nhóm PV
 
 
 
 
 
 
TAG:
Tin khác
Thông báo nghỉ Tết Âm lịch và một số dịp nghỉ lễ trong năm 2025
Công bố báo cáo quốc gia 2024 về thực hiện Chính sách ở Việt Nam
Quốc hội thông qua Luật Công đoàn (sửa đổi)
Cuộc thi Nhà lãnh đạo tương lai - The Future CEO (TFC) 2024 : Hành trình khai phá tiềm năng lãnh đạo thế hệ trẻ Việt Nam
Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay
Hội nghị Ban Chấp hành Trung Đảng khóa XIII quyết định nhiều nội dung quan trọng
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh