An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tập trung triển khai hiệu quả Dự án hỗ trợ nạn nhân bom mìn
01:42 PM 15/12/2022
(LĐXH) - Thời gian qua, Bộ Lao động - TBXH đã tập trung chỉ đạo triển khai Dự án trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn, quy hoạch mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp xã hội nhằm nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn.
Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ học nghề
Thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, Quyết định số 303/QĐ-TTg ngày 8/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án Việt Nam – Hàn Quốc về khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sử dụng ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc, trong đó, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - TBXH)  triển khai hợp phần Hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Cục đã phối hợp với đơn vị thiết kế xây dựng phần mềm đăng ký và quản lý thông tin xác định mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật. Số lượng nạn nhân bom mìn, người khuyết tật quản lý trên hệ thống phần mềm là hơn 90.000 người tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Cơ sở dữ liệu từ hệ thống phần mềm đã được ứng dụng trong cấp giấy xác định mức độ khuyết tật, quản lý hỗ trợ trường hợp và hỗ trợ khám sức khỏe, phục hồi chức năng, sinh kế và đào tạo dạy nghề cho nạn nhân bom mìn tại các địa phương.
Tính đến nay, phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên địa bàn 09 tỉnh/thành phố: Khánh Hòa, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Bình Định, Vĩnh Long. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết chính sách trợ giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn là một giải pháp quan trọng, góp phần cho các đối tượng bảo trợ xã hội tiếp cận, thụ hưởng chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Năm 2021, Dự án đã hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định các nội dung: nâng cấp các chức năng cho hệ thống đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn; cung cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng đối với nạn nhân bom mìn cho khoảng 180 người; đánh giá, lập hồ sơ quản lý trường hợp nạn nhân bom mìn cho 3.500 người; thiết kế modul môn học trực tuyến về quản lý trường hợp; hỗ trợ sinh kế, dạy nghề gắn với tạo việc làm (trong đó, tỉnh Bình Định được hỗ trợ cho 136 nạn nhân bom mìn; tỉnh Quảng Bình được hỗ trợ cho 210 người, gồm: bò, lợn, gà giống, thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y); tổ chức đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật, nạn nhân bom mìn cho 80 học viên (đào tạo 35 ngày, chia làm 3 đợt học từ tháng 4 - 11/2021).
Cũng trong năm 2021, thực hiện Quyết định số 504/QĐ-TTg ngày 21/4/2010, Cục Bảo trợ xã hội đã phối hợp, hỗ trợ tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện mô hình sinh kế trợ giúp nạn nhân bom mìn trên địa bàn tỉnh; tổ chức triển khai tập huấn hướng dẫn phần mềm xác định mức độ khuyết tật cho nạn nhân bom mìn, người khuyết tật; kiểm tra, giám sát thực hiện hỗ trợ nạn nhân bom mìn tại một số tỉnh, thành phố.
Hiện nay, Cục Bảo trợ xã hội cũng đang tích cực, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng đồng thời nghiên cứu, xây dựng hệ thống quản lý thông tin về nạn nhân bom mìn và người khuyết tật.
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, trong thời gian tới, Cục Bảo trợ xã hội tập trung triển khai Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030, Chương trình trợ giúp xã hội và PHCN cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021- 2030, Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025. Xây dựng kế hoạch trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn, trong đó đề ra mục tiêu hỗ trợ cải thiện chất lượng cuộc sống, tạo điều kiện cho nhóm đối tượng này tái hòa nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, phát triển các dịch vụ PHCN và trợ giúp xã hội. Tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội bảo đảm các yêu cầu về: rà soát, sắp xếp các cơ sở trợ giúp xã hội, tập trung nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội công lập, khuyến khích hình thức hợp tác giữa nhà nước với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân về hoạt động của các cơ sở trợ giúp xã hội.
Đổi mới cơ chế và phương thức quản lý, vận hành các cơ sở trợ giúp xã hội theo phương châm phòng ngừa, trợ giúp, chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại gia đình, cộng đồng là chính, cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội trong thời gian nhất định. Đổi mới về cơ chế tài chính, cơ chế đầu tư, hệ thống tổ chức các đơn vị cơ sở trợ giúp xã hội, đổi mới phương thức giao dự toán kinh phí đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ công cơ bản, phục vụ đối tượng trợ giúp xã hội thao hướng nhà nước đặt hàng cung cấp sản phẩm, dịch vụ.
Tăng cường năng lực cho mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ trợ giúp nạn nhân bom mìn. Đồng thời hỗ trợ thiết lập, vận hành đường dây tư vấn trợ giúp nạn nhân bom mìn tại trung tâm công tác xã hội. Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội: tư vấn, tham vấn, trị liệu tâm lý, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, các dụng cụ cơ bản về vận động trị liệu và cung cấp dịch vụ về trợ giúp xã hội và PHCN để phục vụ cho điều trị và PHCN cho nạn nhân bom mìn./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa