An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Thuận: Triển khai thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo
02:53 PM 01/11/2020
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Thuận, những năm qua, tỉnh đã triển khai tương đối đồng bộ và kịp thời các chính sách giảm nghèo, nhất là chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đời sống, thu nhập của người dân nói chung và phần lớn người nghèo được cải thiện rõ rệt.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2016 - 2020, trong điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn khó khăn, tình hình thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội và giảm nghèo, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã quyết tâm, nỗ lực phấn đấu thực hiện kết quả mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Cụ thể: năm 2016 giảm 1,24%; năm 2017 giảm 1,06%; năm 2018 giảm 1,00%; năm 2019 giảm 0,8%; ước năm 2020 giảm 0,6%. Riêng đối với các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) giảm 22,73%, bình quân mỗi năm giảm 4,55%, vượt mục tiêu đề ra (bình quân mỗi năm giảm 2 - 3%). Giảm từ 13 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 20%) đầu năm 2016 xuống còn 01 xã cuối năm 2019 (xã La Ngâu, huyện Tánh Linh), ước đến cuối năm 2020 còn 01 xã, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu tỉnh đề ra giảm 13 xã xuống còn 5 xã cuối năm 2020).
Mô hình giảm nghèo nhờ trồng cây thanh long tại tỉnh Bình Thuận
Cùng với nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, UBND tỉnh đã cân đối ngân sách tỉnh để thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, tổng kinh phí Trung ương phân bổ cho tỉnh để thực hiện các dự án giảm nghèo là 123,29 tỷ đồng. Từ nguồn vốn, tỉnh đã phân bổ cho các sở, ban, ngành, các huyện, thị, thành phố thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững tại các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn thuộc chương trình 135, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo. Ngoài ngân sách trung ương phân bổ, ngân sách tỉnh đã chi hơn 45 tỷ đồng để lồng ghép thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ thường xuyên cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở được triển khai kịp thời. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã cấp hơn 240 nghìn thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo và người thuộc hộ cận nghèo; hơn 76 nghìn học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí; hơn 38 nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo được ưu tiên nguồn lực đầu tư. Ðến nay, tỉnh đã giải quyết cơ bản tình trạng hộ đồng bào dân tộc thiểu số không có đất ở và đất sản xuất; thực hiện chuyển đổi nghề cho ít nhất 80% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn... Trên cơ sở rà soát lại, xác định các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tỉnh Bình Thuận sẽ tiếp tục công khai, minh bạch chương trình, chính sách giảm nghèo của Nhà nước để người dân được biết và thực hiện; tăng cường vai trò kiểm tra, giám sát của Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm bảo đảm cho việc thực hiện đúng yêu cầu, mục tiêu.
Phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Nhờ vậy phong trào thi đua đã có những tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh - tế xã hội của tỉnh, khích lệ tinh thần hăng hái thi đua của nhân dân trong phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” luôn được các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị và tầng lớp nhân dân quan tâm hưởng ứng tích cực và ủng hộ nhiệt tình. Từ năm 2016 đến năm 2019, toàn tỉnh đã vận động được trên 55 tỷ đồng vào nguồn quỹ “Vì người nghèo”. Nguồn quỹ này đã được sử dụng hiệu quả, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 3.000 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, góp phần cơ bản hoàn thành chương trình xóa nhà ở dột nát cho hộ nghèo, hộ chính sách có công.
Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua “Bình Thuận chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” trên địa bàn tỉnh. Xác định phong trào thi đua này là một nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cấp, các ngành. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền gắn kết các phong trào thi đua trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tập trung triển khai việc tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2020 theo tiêu chuẩn nghèo mới của Chính phủ áp dụng cho giai đoạn 2021-2025 làm cơ sở xây dựng kế hoạch giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong giai đoạn 2021-2025.

Hà Giang

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Hiệu quả chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt, nhà vệ sinh đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo tại huyện Định Hoá
Quảng Ninh: Tích cực phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Khánh Hoà: Đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội
Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện tốt công tác quản lý công trình ghi công liệt sĩ, mộ liệt sĩ
Long An nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn xã hội trong cộng đồng
Long An: Quan tâm, chăm lo cho người có công với cách mạng
Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em Hải Phòng tích cực vận động, kết nối, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3
Hà Tĩnh: Trọn nghĩa vẹn tình với người có công với cách mạng
Lạng Sơn: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo