Bình Thuận tích cực trợ giúp pháp lý đối với người khuyết tật
(LĐXH)-Chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật được ban hành là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất của nhà nước ta là của dân, do dân và vì dân. Nhằm giúp đỡ người khuyết tật nâng cao hiểu biết pháp luật, có thể tự trang bị vốn kiến thức pháp luật cần thiết để bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân và có cách xử sự đúng quy định của pháp luật.
Tại Bình Thuận, Sở Tư pháp tỉnh đã tích cực triển khai công tác tư pháp dành cho người khuyết tật và đã đạt được những kết quả đáng kể, đáp ứng nguyện vọng và các nhu cầu cơ bản của người khuyết tật.
Sở Tư pháp đã chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Luật Người khuyết tật đến toàn bộ Công chức, Viên chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Lãnh đạo Sở Tư pháp chỉ đạo Trung tâm Trợ giúp pháp lý tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến và kịp thời triển khai Luật Người khuyết tật đến đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý, Luật sư cộng tác viên, chuyên viên, thành viên Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý, những người làm công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh thông qua các đợt tập huấn nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý.
Ngoài ra hoạt động truyền thông triển khai Luật Người khuyết tật được Sở Tư pháp chú trọng với nhiều hình thức khác nhau như: Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng chương trình phỏng vấn có nội dung “Tìm hiểu Luật Người Khuyết tật” phát sóng trong chuyên mục “Pháp luật và Cuộc sống”. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến Luật Người khuyết tật thông qua chuyên mục “Mỗi ngày một điều luật” trên sóng truyền hình và đăng tải tin, bài, hình ảnh về các hoạt động trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên Website của Sở Tư pháp và trên Bản tin Tư pháp. Bên cạnh đó, Trung tâm Trợ giúp pháp lý ký hợp đồng truyền thông về hoạt động trợ giúp pháp lý với Đài Truyền hình tỉnh Bình Thuận nhằm tăng cường công tác phối hợp triển khai các hoạt động truyền thông về trợ giúp pháp lý, nhất là trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật giúp quảng bá các hoạt động trợ giúp pháp lý đến với người dân trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Người khuyết tật tỉnh Bình Thuận luôn nhận được sự quan tâm, chăm lo của các cấp chính quyền và cộng đồng xã hội
Trong 10 năm qua, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh tổ chức 22 đợt lưu động, truyền thông đến 51 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 2.295 người khuyết tật tham dự. Phòng Nghiệp vụ 3, biên tập và phát hành đến các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh 25.000 quyển Bản tin Tư pháp Bình Thuận, trong đó đăng tải nhiều tin, bài viết tuyên truyền, phổ biến về chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho người khuyết tật trong các lĩnh vực như: Y tế, giáo dục, lao động, việc làm, bảo trợ xã hội. Trung tâm Trợ giúp pháp lý đã biên soạn, in ấn 79.000 tờ rơi pháp luật và 8.200 cuốn cẩm nang pháp luật, sổ tay pháp luật để cấp phát miễn phí cho người dân trong các đợt lưu động, truyền thông và cấp cho các cơ quan tiến hành tố tụng, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, UBND các xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, công tác tập huấn bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho những người thực hiện trợ giúp pháp lý được thực hiện hàng năm và công tác tọa đàm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý được Trung tâm Trợ giúp pháp lý thực hiện thường xuyên nhằm nắm bắt được nhu cầu tìm hiểu pháp luật, trợ giúp pháp lý cũng như hiểu rõ những rào cản, sự mặc cảm, tự ti, khó khăn của người khuyết tật để cùng chia sẻ và tìm ra những giải pháp hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng cụ thể để nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trong thời gian tới.
Hàng năm, căn cứ vào Kế hoạch của Bộ Tư pháp về triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, Trung tâm Trung tâm Trợ giúp pháp lý tham mưu Sở Tư pháp trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Qua 10 năm triển khai thực hiện Luật Người khuyết tật đã đạt được những kết quả như sau: Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bình Thuận đã cử Luật sư cộng tác viên và Trợ giúp viên pháp lý bảo vệ quyền lợi tại cơ quan tố tụng cho 16 người khuyết tật, tư vấn cho 1395 trường hợp là người khuyết tật. Đảm bảo 100 % đối tượng người khuyết tật và người khuyết tật có khó khăn về tài chính khi liên hệ Trung tâm Trợ giúp pháp lý hoặc các Chi nhánh Trợ giúp pháp lý được miễn phí tư vấn, giải thích pháp luật và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho họ.
Ðể công tác trợ giúp pháp lý đạt hiệu quả tốt hơn, trong thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung thực hiện Luật Người khuyết tật, Luật trợ giúp pháp lý 2017. Tiếp tục triển khai thực hiện chính sách trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật về TGPL cũng như tham gia tố tụng. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tham gia tố tụng cho các Trợ giúp viên pháp lý nhằm nâng cao chất lượng vụ việc tham gia tố tụng./.
Mỹ Hạnh
TAG: