Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bình Định: thực hiện tốt hơn nữa Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng và các chính sách ưu đãi khác
03:06 PM 10/07/2024
(LĐXH) - Bình Định là địa bàn trọng điểm của căn cứ cách mạng, nơi diễn ra thường xuyên các trận đánh lớn giữa quân và dân ta với quân địch nên có nhiều cán bộ, chiến sĩ và nhân dân hy sinh anh dũng trong công cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Sau khi hòa bình lập lại, cùng với nỗ lực phấn đấu, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định luôn xác định công tác thương binh liệt sĩ, người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, việc làm thường xuyên của mọi tổ chức chính trị, đoàn thể và nhân dân trong tỉnh.

Suốt 76 năm qua, hệ thống chính sách, pháp luật về NCC đã từng bước được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện để phù hợp với từng giai đoạn lịch sử, phù hợp sự phát triển của đất nước. Ban Bí thư đã có Chỉ thị số 14-CT/TƯ ngày 19/7/2017 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác NCC với cách mạng. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về ưu đãi NCC với cách mạng, Chính phủ ban hành Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh với nhiều điểm mới theo hướng nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng ưu đãi chính sách ưu đãi. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh Bình Định cũng như các địa phương trên cả nước nỗ lực triển khai tốt nhất công tác đối với NCC với cách mạng.

Trong giai đoạn từ 2017 - 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định đã thẩm định giải quyết chế độ trợ cấp cho 21.157 NCC và thân nhân hưởng chế độ ưu đãi, trong đó có 138 Mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước phong tặng và truy tặng; 11 liệt sĩ và 19 thương binh, 449 người hoạt động kháng chiến… Đến nay, toàn tỉnh Bình Định có 32.897 NCC cách mạng đang hưởng chế độ, chính sách trợ cấp thường xuyên, với tổng kinh phí trên 53,6 tỷ đồng/tháng; 100% mẹ Việt Nam anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận phụng dưỡng suốt đời. Cùng với đó, nhiều chính sách hỗ trợ khác đối với NCC và thân nhân của họ cũng được tỉnh quan tâm thực hiện tốt, diện bao phủ rộng như ưu đãi về nhà ở, chăm sóc sức khỏe, ưu đãi về giáo dục, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… Hiện 100% người có công được cấp phát thẻ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh, được điều dưỡng theo quy định. Bình quân tỉnh thực hiện chế độ điều dưỡng chăm sóc sức khỏe cho 11.350 lượt/năm, mua bảo hiểm y tế cho 31.400 người/năm, với số tiền hơn 24 tỷ đồng. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ và người có công, các gia đình NCC trên địa bàn tỉnh có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng các đơn vị liên quan thực hiện nghi thức đưa hài cốt các liệt sĩ hi sinh tại Cao điểm 174 về nơi an táng

(Nguồn: binhdinh.gov.vn)

Đặc biệt, toàn tỉnh có 149 công trình ghi công liệt sĩ được các cấp các ngành, quan tâm đầu tư hỗ trợ kinh phí xây mới, sửa chữa với tổng kinh phí trên 180 tỷ đồng, kinh phí Trung ương hỗ trợ sửa chữa các công trình ghi công liên sĩ trên địa bàn tỉnh với tổng kinh phí 45 tỷ đồng.

Gần đây, cuối tháng 4/2024, tại Nghĩa trang Liệt sĩ xã Ân Mỹ (huyện Hoài Ân), Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trọng thể Lễ truy điệu và an táng hài cốt các liệt sĩ hy sinh năm 1975 trong trận đánh tại Cao điểm 174. Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là chiến trường trọng điểm của Quân khu 5, là nơi đứng chân, hậu cứ của Sư đoàn 3 Sao Vàng. Cao điểm 174 là cụm điểm tựa đóng vai trò rất quan trọng của cả ta và địch. Từ nguồn tin CCB Ban Liên lạc Sư đoàn 3 Sao Vàng cung cấp, đầu tháng 4/2024, Bộ CHQS tỉnh đã phối hợp cùng huyện Hoài Ân tiến hành huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức tìm kiếm, phát hiện địa đạo 174 (rộng 1,2 m, cao 1,5 m, dài hơn 30 m). Sau đó, các đơn vị đã tổ chức khai quật và quy tập được 7 hài cốt liệt sĩ cùng một số di vật kèm theo như giày vải, khăn, dép cao su, ví, mũ cối, bút viết, thắt lưng, băng đạn… Bộ CHQS tỉnh vẫn đang tiếp tục triển khai lực lượng để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Cao điểm 174.

Thực hiện Đề án hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở trên địa bàn tỉnh Bình Định theo Quyết định số 22 từ năm 2013 đến nay, toàn tỉnh Bình Định đã hỗ trợ 6.173 hộ gia đình xây dựng nhà ở. Trong đó, số hộ gia đình NCC được hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh và huyện là 5.288 hộ (xây mới 2.701 hộ, sửa chữa 2.587 hộ), còn lại là từ nguồn vốn huy động khác. Đời sống của NCC và thân nhân không ngừng được cải thiện; nhiều đồng chí đã có ý chí vươn lên, nỗ lực phấn đấu, tiếp tục có nhiều đóng góp vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước là những tấm gương sáng để thế hệ trẻ học tập, noi theo.

Trong năm 2022, công trình tòa nhà điều dưỡng trong khuôn viên Trung tâm Chăm sóc và Nuôi dưỡng người có công tỉnh được Bộ LĐTBXH đầu tư xây dựng đã hoàn thành cùng với các trang thiết bị đồng bộ, đi vào hoạt động. Đây là một trong những công trình có ý nghĩa quan trọng về chính trị, xã hội của tỉnh, thể hiện sự trân trọng, lòng biết ơn sâu sắc đối với NCC với cách mạng, góp phần nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao hiệu quả quản lý, công tác phục vụ, chăm sóc sức khỏe người có công trong và ngoài tỉnh. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, củng cố và bồi đắp niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng, bác Hồ và nhân dân đã lựa chọn. Từ đầu năm 2024, Trung tâm đã nhận được đăng ký của hơn 1.000 NCC đến điều dưỡng, trong đó có hơn 800 người đến từ nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước.

Bên cạnh đó, hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” được các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trên địa bàn tỉnh thường xuyên đẩy mạnh bằng nhiều việc làm, chương trình thiết thực, ý nghĩa như: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già, yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, nhận phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, đi tìm hài cốt đồng đội, đóng góp tu sửa nâng cấp nghĩa trang, đài tưởng niệm... Sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, xã hội được nhân lên, góp phần ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho NCC, tiếp tục làm sáng ngời đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Từ năm 2013 đến nay, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa cấp tỉnh đã vận động được trên 49,7 tỷ đồng, góp phần tích cực vào việc hỗ trợ gia đình chính sách khó khăn. Cùng với ngân sách nhà nước, tỉnh đã huy động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ 6.173 hộ gia đình NCC xây dựng nhà ở, trong đó xây mới 3.481 nhà, sửa chữa 2.692 nhà.

Tại các địa phương, công tác người có công luôn được nhân dân quan tâm, hưởng ứng bằng nhiều việc làm thiết thực

Mới đây, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND về việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ ((27/7/1947-27/7/2024). Theo kế hoạch, các tổ chức, cá nhân và đoàn thể sẽ tập trung cao điểm cho các hoạt động tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ưu đãi NCC với cách mạng, qua đó giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ. Phát huy đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, quyết tâm đưa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, NCC với cách mạng trở thành một nét đẹp trong đời sống ngày thường của mỗi người…

Đăng Doanh

TAG: TBLS
Tin khác
Dùng thuốc mua trên mạng, tiền mất mà tật còn nguyên
Người hâm mộ đổ ra đường, hô vang “Việt Nam vô địch!”
CSGT Diễn Châu kịp thời giúp bé 4 tuổi thoát cơn nguy kịch
Dữ liệu giám sát hành trình ôtô sẽ do Cục CSGT quản lý
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
Năm 2024: Cục Bảo trợ xã hội thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách trợ giúp xã hội
VNeTraffic dẫn đầu về lượt tải về trên App Store