Người có công
Trang chủ / Xã hội / Người có công
Bình Định: Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
09:51 AM 12/07/2024
(LĐXH) – Những năm qua, tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần, còn được hưởng các chính sách ưu đãi như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục – đào tạo; hỗ trợ cải thiện về nhà ở...

Bình Định là tỉnh có số lượng đối tượng chính sách người có công với cách mạng khá lớn (chiếm hơn 12% dân số), có trên 180.000 đối tượng chính sách, trong đó có trên 30.000 liệt sĩ, trên 26.000 thương binh, gần 2.000 bệnh binh, hơn 500 cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, hơn 3.000 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, trên 27.000 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, trên 25.000 người có công giúp đỡ cách mạng, trên 2.000 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Đặc biệt, cả tỉnh có 5.349 Bà mẹ được Đảng, Nhà nước phong tặng và truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (trong đó có 1.041 Mẹ được phong tặng, hiện còn sống 132 Mẹ)... Hiện, trên địa bàn tỉnh có tổng số 30.585 đối tượng người có công và thân nhân người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi trợ cấp hằng tháng, với tổng số tiền chi trả trên 63,1 tỷ đồng/tháng.

Lãnh đạo tỉnh Bình Định tặng quà đối tượng chính sách nhân kỉ niệm 49 năm
Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2024)

Những năm qua, tỉnh đã thực hiện tốt chính sách ưu đãi cho người có công. Ngoài chế độ trợ cấp, phụ cấp hàng tháng; trợ cấp một lần, còn được hưởng các chính sách ưu đãi như: Bảo hiểm y tế; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; ưu tiên trong tuyển sinh, tạo việc làm; hỗ trợ giáo dục – đào tạo; hỗ trợ cải thiện về nhà ở... Hiện toàn tỉnh có 31.580 người có công với cách mạng và thân nhân người có công được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, với số tiền mua thẻ Bảo hiểm y tế hàng năm gần 30,7 tỷ đồng. Giai đoạn 2022-2024, có 27.823 lượt người có công và thân nhân người có công được điều dưỡng phục hồi sức khỏe. Bên cạnh đó, các cơ quan đơn vị tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng trăm lượt người có công và thân nhân người có công; Cấp tiền để mua phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, phương tiện, thiết bị phục hồi chức năng đối với 462 người có công và thân nhân người có công, với tổng kinh phí thực hiện 1,288 tỷ đồng; thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ ưu đãi hỗ trợ để theo học đến trình độ đại học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đối với 221 con của người có công.

Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 25/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, trong giai đoạn 2013-2019, tỉnh Bình Định đã tổ chức, triển khai thực hiện hỗ trợ được 6.173 hộ (xây mới 3.481 hộ, sửa chữa 2.692 hộ). Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ là 158.789 triệu đồng, trong đó thuộc nhiệm vụ của Ngân sách Trung ương là 142.910 triệu đồng (Ngân sách Trung ương chiếm 90%, còn lại là 10% Ngân sách địa phương). Ngoài nguồn kinh phí thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg, giai đoạn 2022-2024, toàn tỉnh từ nguồn huy động của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 181 nhà, sửa chữa 53 nhà ở cho những gia đình thuộc diện chính sách có nhà ở bị dột nát, hư hỏng với tổng kinh phí 11,7 tỷ đồng ủng.

Hiện tại, qua điều tra, khảo sát, rà soát trên địa bàn tỉnh hiện còn 4.706 hộ gia đình người có công với cách mạng có nhà ở có nhu cầu được hỗ trợ để cải thiện, sửa chữa hoặc xây dựng mới lại nhà ở. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng Đề án để hỗ trợ người có công cách mạng và thân nhân liệt sĩ về nhà ở trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 thể hiện sự quan tâm của tỉnh về công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công cách mạng trong việc hỗ trợ để cải thiện về nhà ở trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, người có công và thân nhân người có công trên địa bàn tỉnh còn được các ngành, các cấp thực hiện các chính sách ưu đãi như: vay vốn để sản xuất, kinh doanh; ưu tiên giao hoặc thuê đất, mặt nước, ưu tiên giao khoán bảo vệ rừng và phát triển rừng; chính sách miễn hoặc giảm thuế theo quy định của pháp luật.

Với sự quan tâm, chăm lo của các cấp, ngành và nhân dân, người có công trên địa bàn có cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn. Từ đó, giúp họ có thêm động lực để vượt qua khó khăn, tiếp tục cống hiến trí tuệ và sức lực để xây dựng quê hương./.

Minh Hưng

TAG:
Tin khác
Đắk Nông: Phát động Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2024
Chi nhánh NHCSXH Hà Nội chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát và hỗ trợ đồng bào khó khăn sau bão
Khánh thành và bàn giao công trình xây dựng nhà nội trú cho ngôi trường tại huyện vùng cao Bắc Mê
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Bộ trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương về đánh giá 30 năm thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh
Hành trình gieo mầm tri thức của cô giáo Nguyễn Thị Thu Hương
Ninh Thuận phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
Kon Tum: Tích cực tiếp sức cho người khuyết tật
Kon Tum: Thực hiện tốt chính sách trợ giúp người khuyết tật
Nữ doanh nhân Phượng Hồng Kông: Hỗ trợ người nghèo bằng trái tim nhân ái