An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Định: Tập trung thực hiện chính sách giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội
09:50 AM 27/05/2024
(LĐXH) Xác định công tác giảm nghèo, chăm lo đời sống người dân có ý nghĩa quan trọng, tỉnh Bình Định đang tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ các chính sách giảm nghèo với mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ nghèo đa chiều hằng năm từ 1,5% - 2%/năm, huyện nghèo, giảm bình quân hằng năm từ 6%.
Thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bình Định đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ hộ nghèo

Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, có diện tích tự nhiên 6.025km2. Toàn tỉnh có 08 huyện, 02 thị xã An Nhơn, Hoài Nhơn và 01 thành phố Quy Nhơn, 159 xã, phường, thị trấn, với dân số trên 1,5 triệu người. Tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Sở LĐTBXH là cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo về Chương trình MTQG về giảm nghèo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố chủ động, đề xuất triển khai cụ thể từng dự án, chính sách của Chương trình. Ngoài ra, tỉnh đã ban hành cơ chế hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo xây dựng nhà ở từ nguồn ngân sách địa phương với mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhà ở hư hỏng nặng, xuống cấp; hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo, hỗ trợ một phần cho hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp có mức sống trung hình (60% ngân sách nhà nước và 40% người dân tham gia).

Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, hội, đoàn thể của tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố đã tổ chức ký kết các Chương trình phối hợp nhằm cụ thể hóa các hoạt động trong công tác phổ biến tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong việc thực hiện hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và không để ai bị bỏ lại phía sau. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tổng nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh đến năm 2023 là 415.157 triệu đồng. Tính đến hết năm 2023, tỉnh Bình Định đã thực hiện giải ngân được 158.081,9 triệu đồng, đạt 38,77% kế hoạch vốn. Trong đó đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 29 công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện nghèo An Lão và 02 công trình giao thông kết nối liên vùng, tạo điều kiện thuận lợi, thông thương cho người dân trên địa bàn huyện nghèo An Lão; thực hiện 29 công trình (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế được, hạ tầng kỹ thuật) đầu tư trên địa bàn huyện nghèo An Lão và 02 công trình giao thông kết nối liên vùng; đã có hơn 263 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và 02 dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị cho hơn 4.182 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định). Các dự án về chăn nuôi trâu, bò sinh sản, bò vỗ béo, chăn nuôi heo, gà thả vườn, nuôi trồng thủy sản trên hồ, nước lợ... các loại cây trồng, như: Dược liệu, mít, chuối, dừa xiêm, bơ, bưởi và các dự án ngành nghề bánh tráng.... Kinh phí hỗ trợ của Nhà nước đã thực hiện 56.194,2 triệu đồng.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng thực hiện cung cấp dinh dưỡng cho 5.546 trẻ em dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng con hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Tổ chức đào tạo nghề cho 7.993 người lao động, trong đó có 4.953 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; Đưa 2.054 người đi xuất khẩu lao động (62 người thuộc huyện nghèo An Lão), trong đó có 32 người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; Tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho 2.148 lượt cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trong đó có 2.000 lượt cán bộ cấp xã, đảm bảo 100% cán bộ giảm nghèo các cấp được tổ chức tập huấn, nâng cao kiến thức kỹ năng trong công tác giảm nghèo.
Thực hiện Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo bền vững trên địa bàn trong giai đoạn 2021-2025 và huy động nguồn lực ngoài ngân sách chăm lo đời sống cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong 03 năm (2021-2023), từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động, UBND tỉnh đã tặng quà cho 68.389 lượt hộ nghèo nhân dịp Tết Nguyên đán, với mức hỗ trợ 500.000 đồng/hộ, tổng kinh phí đã thực hiện hơn 34 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã huy động các nguồn lực cho vay đạt 6.454 tỷ đồng, tăng 2.138 tỷ đồng (49,5%) so với 31/12/2020, qua đó đã có hơn 20.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia vay vốn, trong đó gần 20% hộ vươn lên thoát nghèo.
Đồng thời, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các hội, đoàn thể đã huy động được tổng kinh phí 313.200 triệu đồng, qua đó hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 1.590 nhà đại đoàn kết; hỗ trợ 1.253 hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, hỗ trợ khám chữa bệnh miễn phí cho 3.269 người... Tổ chức trên 3.500 buổi nói chuyện chuyên đề cho hội viên nông dân nghèo về Phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, 02 hội thi Rung chuông vàng “Nông dân Bình Định với công tác giảm nghèo bền vững” tại 02 huyện miền núi (Vĩnh Thạnh và An Lão) thu hút trên 300 cán bộ, hội viên, nông dân tham gia; tổ chức 15 lớp tập huấn cho 1.800 hội viên nông dân về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư thuộc chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Bình Định.
Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị đã thực hiện các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo như: Gia hạn, cấp 463.504 thẻ BHYT cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào DTTS, người dân sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập cho khoảng 60.000 trẻ em học mẫu giáo, học sinh phổ thông con hộ nghèo, hộ cận nghèo với nguồn kinh phí 95.790 triệu đồng, hỗ trợ tiền ăn trưa cho 17.000 trẻ em học mẫu giáo, kinh phí 67.968 triệu đồng; Thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 64.942 lượt hộ nghèo, 5.546 lượt hộ chính sách xã hội và hộ chính sách xã hội ở vùng chưa có điện lưới, kinh phí thực hiện 48.171,8 triệu đồng.
Theo đánh giá, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác giảm nghèo của Bình Định đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cơ bản việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 đã được các cấp, các ngành và địa phương của tỉnh Bình Định thực hiện đạt kế hoạch đề ra. Qua 03 năm (2021-2023), toàn tỉnh đã có 67.686 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững, kết quả đã có 26.792 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều bình quân chung của tỉnh đạt 2,06%/vượt kế hoạch 1,5%-2%/năm đề ra. Riêng huyện nghèo An Lão trong 03 năm thực hiện Phong trào thi đua đã có 7.606 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ các chính sách, dự án giảm nghèo bền vững, kết quả đã có 2.722 hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo. Các chính   sách, dự án giảm nghèo đã thực hiện kịp thời đầy đủ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về tín dụng ưu đãi, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, thông tin, việc làm, xuất  khẩu lao động, tiền điện... cơ sở hạ tầng tại huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện nghèo tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng. Đặc biệt đã có  02 xã thuộc huyện nghèo về đích nông thôn mới, huyện nghèo An Lão phấn đấu thoát huyện nghèo giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Trên cơ sở kết quả đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Bình Định tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhất là người dân trong giảm nghèo bền vững; phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần "tương thân, tương ái" của dân tộc ta đối với các đối tượng yếu thế, người nghèo, người cận nghèo. Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường của người nghèo, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội. Rà soát, ban hành quy định của HĐND tỉnh, UBND tỉnh triển khai các dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Thực hiện quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện dự án đầu tư thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhằm đẩy mạnh phân cấp, trao quyền cho địa phương, nhất là cấp cơ sở để nâng cao tính chủ động, linh hoạt của các cấp chính quyền trong quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình./.

Hồng Phượng
 
TAG:
Tin khác
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
Bác sĩ tí hon cao 90cm được vợ cõng đi chữa bệnh cho hơn 2.000 người
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
Cô sinh viên hộ nghèo xây nhà báo hiếu bố mẹ ở tuổi 24