Bình Định: Khắc phục khó khăn trong công tác tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ
(LĐXH) - Với tinh thần tận tâm và trách nhiệm cao nhất, các lực lượng của Bộ CHQS tỉnh Bình Định đang miệt mài triển khai công tác tìm kiếm, quy tập (giai đoạn 2) hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận đánh ở đồi Xuân Sơn (xã Ân Hữu, huyện Hoài Ân) vào tháng 12.1966.
Theo các nhân chứng cùng nguồn tin cung cấp (nhất là từ các CCB Mỹ), vẫn còn một hố chôn tập thể khác của bộ đội ta ở đồi Xuân Sơn. Trên cơ sở nguồn tin này cùng kết quả khảo sát thực địa, từ đầu tháng 7.2023, Bộ CHQS tỉnh đã khoanh vùng gần 2 ha đất tại hướng Đông Bắc đồi Xuân Sơn để mở rộng tìm kiếm. Trước khi triển khai thực hiện, Bộ CHQS tỉnh đã giao nhiệm vụ cho từng bộ phận, từng cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ này phải tích cực, khẩn trương, tìm kiếm thật cẩn thận, tỉ mỉ với tình cảm, trách nhiệm và tinh thần tận tâm, nỗ lực cao nhất.
Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân Nguyễn Hữu Khúc chia sẻ: “Chúng tôi luôn xác định công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ thiêng liêng đối với các liệt sĩ đã hy sinh để quê hương, đất nước có ngày hôm nay. Vì vậy, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng phục vụ việc tìm kiếm, quy tập giai đoạn 2 được địa phương thực hiện rất nhanh chóng. Trong đó, huyện đã chi trả hơn 1 tỷ đồng để bồi thường cho người dân. Cũng phải nói thêm rằng, khi triển khai thực hiện công tác này, người dân rất đồng tình, ủng hộ và đều mong các lực lượng nhanh chóng tìm được hài cốt liệt sĩ”.
Rút kinh nghiệm từ lần tìm kiếm trước, trong giai đoạn 2, Bộ CHQS tỉnh Bình Định chỉ đạo lực lượng công binh triển khai tìm kiếm bằng máy dò. Sau đó, các lực lượng khác sẽ dùng phương tiện cơ giới để múc đất từ sườn lên đến đỉnh đồi, làm đến đâu gọn đến đó rồi chuyển sang khu vực khác. Nếu phát hiện được các dấu hiệu có hài cốt liệt sĩ, phương tiện cơ giới sẽ dừng hoạt động, lực lượng quy tập sẽ làm thủ công. Thiếu tá Võ Văn Trọng, Chính trị viên Đại đội Công binh, cho biết: “Chúng tôi sử dụng máy dò nông đi trước, xử lý từng tín hiệu; sau đó dùng máy dò sâu và tìm đến khi nào xử lý hết tín hiệu. Quá trình thực hiện luôn kỹ lưỡng, thận trọng”.
Khó khăn lớn nhất của công tác quy tập trong những ngày qua là khu vực đồi Xuân Sơn vào buổi chiều thường có mưa khiến nền đất nhão. Đồng thời, địa hình, địa vật đã thay đổi; nguồn tin cung cấp cũng chưa xác định chính xác vị trí hệ thống giao thông hào trên thực địa. Trung tá Lê Xuân Phát, Trợ lý chính sách (Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh), chia sẻ, khắc phục mọi khó khăn về điều kiện thời tiết, những ngày qua các lực lượng đã tích cực làm việc để sớm đưa các anh, các chú, các bác về với gia đình. “Đến nay, chúng tôi đã tìm thấy một số vật dụng như tăng (ny lông che mưa), đầu đạn, vỏ bom… Đây là những yếu tố quan trọng để việc tìm kiếm được khoanh vùng cụ thể và đẩy nhanh tiến độ”, trung tá Phát chia sẻ.
Lực lượng công binh làm nhiệm vụ tại khu vực tìm kiếm hố chôn tập thể liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn
Được biết, trong năm 2022, thông qua cung cấp thông tin của một cựu chiến binh ở phường Hoài Thanh Tây (thị xã Hoài Nhơn) và từ thông tin của một cựu binh Mỹ, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định đã huy động lực lượng, phương tiện cơ giới tổ chức khảo sát, thăm dò tại vị trí khoanh vùng ở thực địa. Kết quả, Đội công tác quy tập đã phát hiện hố chôn tập thể các liệt sỹ. Qua các nhân chứng, qua các mẫu xương và nhận dạng rất nhiều di vật được tìm thấy đã xác định đây chính là hài cốt của các liệt sỹ hy sinh trong trận tập kích cứ điểm Xuân Sơn đêm 26 /12/1966. Do nhiều yếu tố lịch sử chiến tranh, đến nay bước đầu mới chỉ xác định được danh tính 60 liệt sỹ hy sinh vào cuối tháng 12 năm 1966 tại đồi Xuân Sơn, xã Ân Hữu, trong đó 51 đồng chí là cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn 22, Sư đoàn 3 Sao Vàng và quân, dân, chính đảng địa phương.
Đồi Xuân Sơn cách thị trấn Bồng Sơn 22km về phía Tây Nam, cao 198 mét, phía đông bắc giáp núi Gò Công, 3 hướng còn lại giáp sông Nước Lương và sông Kim Sơn. Trên đỉnh đồi quân Mỹ bố trí một trận địa pháo 12 khẩu 105 mm và 155 mm, lực lượng có 2 đại đội pháo binh và 2 đại đội bộ binh, quân số khoảng 650 tên Mỹ (thuộc Sư đoàn Kỵ binh bay số 1) và được sự yểm trợ trực tiếp của 2 căn cứ pháo binh Tân Thạnh và Kim Sơn, vì vậy các chỉ huy Mỹ cho rằng Xuân Sơn sẽ "miễn dịch" với bất kỳ cuộc tấn công nào của đối phương.
Đêm 26, rạng sáng 27/12/1966, Trung đoàn 22 thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng cùng với quân, dân huyện Hoài Ân tổ chức tập kích cứ điểm Đồi Xuân Sơn. Đây là trận đánh có ý nghĩa quan trọng nhằm kéo quân Mỹ ra để tiêu diệt, hỗ trợ cho phong trào đấu tranh của quần chúng nổi dậy, chống địch càn quét gom dân, lập "ấp chiến lược, phá âm mưu "bình định" của Mỹ, ngụy. Đúng 00 giờ ngày 26/12/1966 ta nổ súng tấn công, từng chùm đạn cối 82mm, ĐKZ 75 trùm lửa lên đầu giặc, các chiến sỹ xung kích của Trung đoàn 22 chia làm 6 mũi ào lên như 6 mũi dao nhọn cắm vào đội hình của địch, sau chừng 5 phút bị choáng váng trước đòn tiến công bất ngờ của ta, các hỏa điểm địch đã ngóc dậy và bắn như vãi đạn vào đội hình xung kích. Cũng ngay trong đêm đó, chúng cấp tốc điều Lữ đoàn 3, Sư đoàn 25 "Tia chớp nhiệt đới" Mỹ phối hợp với Sư đoàn không vận số 1 đi giải tỏa. Suốt trong 5 ngày đêm đạn pháo, rốc két và bom đánh nát các khu rừng còn sót lại, những trận đánh vô cùng khốc liệt lại diễn ra.
Nam Khánh
TIN LIÊN QUAN