An sinh xã hội
Trang chủ / Xã hội / An sinh xã hội
Bình Định: Nâng cao năng lực, giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
11:09 AM 01/06/2023
(LĐXH)- Bên cạnh việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, tỉnh Bình Định cũng đặc biệt chú trọng thực hiện công tác nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có biện pháp hỗ trợ phù hợp.
Bình Định chú trọng nâng cao năng lực, đánh giá kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo
Trên cơ sở tổng kinh phí, tỉnh đã phân bổ cho các sở, ngành liên quan thực hiện nhiệm vụ. Theo đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ quy định tại Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 đã xây dựng Kế hoạch thực hiện hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp trên địa bàn tỉnh năm 2022, cụ thể: Phối hợp với Trường Đại học Lao động xã hội (cơ sở II) tổ chức 05 lớp tập huấn cho 928 cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, trong đó có 636 cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã. Mỗi lớp tập huấn trong 02 ngày. Nội dung tập huấn liên quan đến các chính sách, dự án về giảm nghèo trong giai đoạn 2021-2025; nghiệp vụ, kỹ năng chuyên môn của người làm công tác giảm nghèo cấp xã. Kinh phí đã giải ngân xong là 516,705 triệu đồng, đạt 75,97% kế hoạch vốn.
 Phân bổ cho Sở Thông tin và Truyền thông, kinh phí 100 triệu đồng tổ chức tập huấn cho 204 cán bộ là lãnh đạo các sở, ban, ngành có liên quan; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo và chuyên viên Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố; lãnh đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao các huyện, thị xã, thành phố và lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Giải ngân được 38,33 triệu đồng (38,32% so với kế hoạch). Phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, kinh phí 2.338 triệu đồng triển khai thực hiện hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo cấp xã, thôn/khu phố. Nội dung tập huấn liên quan đến các dự án, chính sách hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, kết quả các địa phương thực hiện 992,33 triệu đồng, đạt 42,44% kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình, với kinh phí 1.655 triệu đồng, tỉnh đã phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kinh phí 244 triệu đồng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình năm 2022; Tổ chức 02 hội nghị tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo và xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 cho 380 cán bộ làm công tác cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; Tổ chức hoạt động kiểm tra, đánh giá công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 tại các huyện, thị xã, thành phố. Kịp thời phát hiện những hạn chế, yếu kém trong công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tại cơ sở. Kinh phí đã giải ngân 73,88 triệu đồng, đạt 30,27% kế hoạch vốn.
Phân bổ cho các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, kinh phí 170 triệu đồng. Trên cơ sở đó, các sở, ngành của tỉnh chủ trì các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố hướng dẫn việc thực hiện các dự án, tiểu dự án của Chương trình và tổ chức giám sát, đánh giá kết quả thực hiện theo đúng quy định. Phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, kinh phí 1.241 triệu đồng triển khai các hoạt động: Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; kết quả thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn. Từng cơ quan, cấp xã thụ hưởng dự án thực hiện hoạt động giám sát, đánh giá theo đúng quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.
Thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022, trong đó: Tổ chức hướng dẫn nghiệp vụ rà soát, phiếu rà soát cho các rà soát viên; tổ chức rà soát thực tế tại địa bàn; tổng hợp báo cáo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình năm 2022 theo quy định tại Quyết định số 24/2021/QĐ-TTg ngày 16/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và quy trình xác định hộ làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2022 - 2025. Đến nay, các huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 và đã có báo cáo UBND tỉnh phê duyệt kết quả để các cấp, các ngành và địa phương tổ chức thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2023. Kinh phí thực hiện được 467,53 triệu đồng đạt 37,67% kế hoạch vốn.
Theo đánh giá của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp của các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ bản việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra trong giai đoạn 2021-2025 đã kế hoạch, tỷ lệ giảm nghèo đa chiều (theo quy định mới) chung toàn tỉnh giảm 2,05% so với kết quả rà soát đầu kỳ (năm 2022 giảm 2,3%, ước năm 2023 giảm 1,8%), riêng huyện nghèo An Lão giảm 10,88% (năm 2022 giảm 11,86%, ước năm 2023 giảm 9,9%) so với kết quả rà soát đầu kỳ.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình tổ chức, thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo bền vững của các sở, ban, ngành chủ trì dự án, chính sách giảm nghèo nhằm kịp thời phát hiện hướng dẫn hoặc đề xuất giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên. Đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần thực hiện vai trò giám sát việc tổ chức, thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo thường xuyên trên địa bàn; phát hiện phản ánh cho các cấp, các ngành những tồn tại, khuyết điểm của các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân trong quá trình quản lý và sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ cho các dự án, chính sách giảm nghèo để kịp thời xử lý theo đúng quy định. Phối hợp với cơ quan Thanh tra các cấp thực hiện thanh tra, kiểm tra cụ thể từng dự án, chính sách, nội dung, kinh phí, đối tượng thụ hưởng dự án, chính sách giảm nghèo, trường hợp phát hiện các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ từ dự án, chính sách giảm nghèo đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật./.

Hồng Phượng
 
 
TAG:
Tin khác
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
Thành đoàn Hải Phòng với các hoạt động Đền ơn đáp nghĩa
Về nơi khởi nguồn Ngày Thương binh – Liệt sĩ
Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ thành phố Hải Phòng: Triển khai nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”
Xã Nam Thanh (Nam Trực): Quan tâm chăm lo cho người có công
Tri ân người có công ở Mộc Châu
Nam Định phát huy hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa