Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bình đẳng giới phải thực chất - Bài 2: Khoảng cách về cơ hội việc làm và lương
05:03 PM 12/12/2018
Theo đánh giá của các chuyên gia, dù bất bình đẳng giới trên thị trường lao động Việt Nam không rõ rệt như tại nhiều quốc gia song tỷ lệ tiếp cận thị trường và chất lượng việc làm của nữ giới vẫn có khoảng cách so với nam giới.


>> Bài 1: Những rào cản vô hình


Khó xin việc
Trên thực tế, trong những năm gần đây, bình đẳng giới ở Việt Nam đã được cải thiện đáng kể nhờ sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự nỗ lực của các tổ chức xã hội, và thay đổi trong nội tại của chính nam giới và phụ nữ. Tuy nhiên, tiến bộ bình đẳng giới còn chậm, đôi khi còn trì trệ và thụt lùi ở một số lĩnh vực, đặt ra thách thức không nhỏ.
Theo xu hướng của thế giới, lao động nữ Việt Nam ngày càng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của các công ty, doanh nghiệp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy, ở thời điểm hiện tại, rất nhiều lao động nữ vẫn cảm thấy bị đối xử chưa thật sự công bằng so với đồng nghiệp nam. Điển hình như báo cáo về vai trò của nữ giới trong sự phát triển của doanh nghiệp vừa được hãng tuyển dụng nhân sự Navigos Group công bố cho thấy: 54% ứng viên được hỏi nói rằng doanh nghiệp có chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính. Nhưng cũng có một tỷ lệ gần tương đương 42% cho biết doanh nghiệp không có chính sách tuyển dụng công bằng.

“Về việc phân biệt giới tính trong tuyển dụng, khảo sát cho thấy có 39% ứng viên nam được hỏi cho biết, một trong những lý do được nhận vào làm việc vì là nam giới. Trong khi đó, có 19% ứng viên nữ cho biết bị từ chối chỉ vì là nữ giới. Như vậy, cứ 5 nam giới đi xin việc, thì có 2 người được nhận vì giới tính nam. Trong khi đó, cứ 5 nữ giới đi xin việc, thì 1 người bị từ chối vì là nữ” - Giám đốc điều hành Navigos Nguyễn Phương Mai cho biết.
Cũng theo bà Mai, tình trạng bất công bằng về lương, thưởng cũng được phản ánh trong khảo sát. Theo đó, chỉ có 54% nữ giới được hỏi nói rằng được trả lương công bằng giữa nhân viên nam và nữ cùng trình độ và kinh nghiệm làm việc. 40% phụ nữ được hỏi trả lời không và không chắc chắn. Đặc biệt, giới tính có ảnh hưởng đến việc thăng tiến trong công việc của nữ giới. Có 82% nam giới nói có cơ hội bình đẳng thăng tiến so với nữ giới. Trong khi đó, chỉ 68% ứng viên nữ thấy công bằng. 52% ứng viên được hỏi nói rằng nam giới có sự tự do tương đối trong việc phấn đấu công việc tại cơ quan, còn nữ giới có những hạn chế liên quan đến việc chăm sóc gia đình. Đáng chú ý, thu nhập trung bình của phụ nữ chủ yếu ở mức 5 - 10 triệu đồng. Có 6% lao động nữ có thu nhập dưới 5 triệu/tháng, 38% thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng, 24% thu nhập từ 10 - 15 triệu đồng, 15% thu nhập từ 15 - 20 triệu đồng và 16% thu nhập trên 20 triệu đồng.
Khác biệt giữa giới và công việc
 Đánh giá việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, tỷ lệ phụ nữ tham gia thị trường lao động khá cao đạt 73% và phụ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt trên 31%, thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á. Khoảng cách thu nhập giữa phụ nữ và nam giới thấp hơn so với nhiều quốc gia khác. Với những nỗ lực đó, Việt Nam đứng thứ 69/144 quốc gia về thu hẹp khoảng cách giữa nam và nữ trong các lĩnh vực. Việt Nam cũng là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất thế giới về mục tiêu số 5 về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, hiện nay vẫn còn một số vấn đề đặt ra, làm cản trở việc đạt được những mục tiêu bình đẳng giới. Cụ thể, vẫn còn có sự khác biệt giữa nam và nữ trong phân bổ việc làm theo khu vực, nghề nghiệp. Theo đó, nam giới chiếm ưu thế ở các ngành khoa học, kỹ thuật, kinh tế, tài chính, còn nữ giới đang làm việc chủ yếu ở các ngành giáo dục, y tế, xã hội, các ngành dịch vụ.
“Xét về vị thế làm việc, lao động nữ vẫn tập trung ở những việc làm có vị thế kém hơn như lao động tự do và lao động gia đình không hưởng lương, với nữ là 21,6%, nam là 10,2% vào năm 2017. Đây là những công việc không ổn định, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Lao động và không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc và bảo hiểm tự nguyện”, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Quân cho biết.
Cũng theo Thứ trưởng Lê Quân, thu nhập giữa lao động nữ và lao động nam vẫn còn chênh lệch. Giai đoạn 2009 - 2016, tiền lương bình quân của nữ luôn thấp hơn của nam, mức chênh lệch khoảng 30USD, trên tổng mức lương chưa đạt 200USD/tháng. Cùng với đó, 98% số doanh nghiệp do nữ làm chủ có quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ, tập trung vào lĩnh vực thương mại, lợi nhuận thấp... Phụ nữ làm công việc chăm sóc không lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, tức là hơn 12 giờ mỗi tuần, 6,5 ngày làm việc mỗi tháng, hoặc gần 80 ngày làm việc mỗi năm.

 Thái Yến

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”
Quét mã QR trên Cổng Thông tin điện tử nhân đạo quốc gia để ủng hộ người khuyết tật, trẻ mồ côi
Nam Định: Đổi mới công tác bảo hiểm xã hội, góp phần bảo vệ quyền lợi của người lao động