Bình đẳng giới: Còn nhiều nhận thức sai lầm - Kỳ 3: “Lệch chuẩn” truyền thông bình đẳng giới
Nhiều khuôn mẫu giới, Lệch chuẩn vẫn xuất hiện trong các sản phẩm truyền thông, vô tình tuyên truyền cho sự bất bình đẳng giới.
Truyền thông có sức mạnh đặc biệt góp phần làm cho xã hội hiểu đúng hơn về bình đẳng giới. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy cách xử lý thông tin của truyền thông khi đề cập đến vấn đề giới vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều khuôn mẫu giới, định kiến giới vẫn xuất hiện trong các sản phẩm truyền thông, vô tình tuyên truyền cho sự bất bình đẳng giới.
Truyền thông làm tăng... định kiến giới
Một số liệu thống kê của Google cho thấy có tới 81% người dân Việt Nam dành thời gian cho internet, cho ti vi là 57%, cho báo, tạp chí là 36%, cho radio là 12%. Đặc biệt, một người dân Việt Nam trung bình mỗi ngày dành hơn 10 giờ cho truyền thông. Điều này cho thấy, truyền thông có tác động rất lớn đối với mỗi người, có thể giúp thay đổi hành vi của công chúng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, Việt Nam xem công tác truyền thông là một trong những nội dung quan trọng để thực hiện bình đẳng giới và tiến bộ phụ nữ.
Tuy nhiên thực tế lại cho thấy, các cơ quan truyền thông và người làm truyền thông nhiều khi lại không ý thức được vấn đề giới và bình đẳng giới (BĐG) nên đã cho ra đời những sản phẩm truyền thông mang nặng khuôn mẫu giới, từ đó làm tăng thêm định kiến giới đối với người tiếp nhận.
Nghiên cứu "Báo chí và định kiến giới đối với lãnh đạo nữ" của tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho thấy báo chí truyền thông vẫn mang nặng định kiến trong nội dung tin tức đối với lãnh đạo nữ. Cụ thể trong số nhân vật nguồn tin được sử dụng, nữ lãnh đạo chiếm một tỷ lệ rất thấp. Theo kết quả phân tích, lãnh đạo nam giới chiếm đa số những người được phỏng vấn, đưa tin hay trích dẫn với tỷ lệ 85,7%, trong khi đó tỷ lệ lãnh đạo nữ chỉ chiếm 14,3%. Các vấn đề mà nữ lãnh đạo xuất hiện để trả lời được coi là dành cho phái nữ như: Giáo dục, trẻ em, gia đình, dịch vụ xã hội...
Trong khi đó, các lãnh đạo nam giới lại được phỏng vấn nhiều hơn về những vấn đề được coi là "nam tính" như: Kinh tế vĩ mô, ngân sách, quan hệ đối ngoại, an ninh, sự kiện quốc tế. Đây là những vấn đề thường được coi trọng trong hệ thống quản trị nhà nước. Cách truyền thông này đã mặc nhiên bộc lộ định kiến giới rằng có nhiều công việc chỉ có nam giới giỏi và đảm nhận được, còn nữ kém hơn nam giới và chỉ giỏi những công việc mà xưa nay vẫn thuộc về khuôn mẫu giới. Điều này dẫn tới thông điệp ngầm truyền thông đưa ra càng làm tăng định kiến "trọng nam khinh nữ" trong xã hội.
Ngoài ra, những định kiến mà truyền thông thường xuyên mắc phải còn thể hiện ở việc nhấn mạnh vai trò giới qua các sản phẩm truyền thông. Ví dụ trong các sản phẩm quảng cáo, người phụ nữ luôn xuất hiện với công việc bếp núc, giặt giũ, chăm sóc con cái... (quảng cáo dầu ăn, bột giặt, sản phẩm sữa...), hay các sản phẩm thời trang, làm đẹp... Nam giới vẫn xuất hiện với hình ảnh lịch lãm, phong độ, các công việc đòi hỏi "bản lĩnh cao"... Trong sản phẩm truyền thông về lĩnh vực gia đình, người phụ nữ vẫn được mặc định cho nghĩa vụ hi sinh cho chồng con, việc nhà là của phụ nữ, phụ nữ phải chấp nhận gánh nặng kép... Việc lặp đi lặp lại những khuôn mẫu giới hàng ngày trên truyền thông càng khiến cho những định kiến giới được khẳng định và tiếp tục ăn sâu vào nhận thức của người dân.
Thiếu nhạy cảm giới trên truyền thông
Các báo cáo của nhóm quan sát giới CSAGA (Trung tâm Nghiên cứu về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên) nhận định truyền thông hiện nay thiếu nhạy cảm giới. Các thông điệp truyền thông trên báo chí vẫn chưa phản ánh công bằng và cân bằng diện mạo, vị trí của nữ giới trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội.
Một trong những vấn đề mà truyền thông thiếu nhạy cảm giới nhiều nhất là khi tuyền truyền về vấn đề bạo lực gia đình (BLGĐ). Bản chất của BLGĐ là hậu quả của bất bình đẳng giới, để xóa bỏ nó thì công tác truyền thông phải nâng cao nhận thức cho công chúng nhằm từng bước đẩy lùi bạo lực. Tuy nhiên, những người làm truyền thông đôi khi lại nhìn nhận sai lệch về bản chất của BLGĐ, coi đây là "chuyện riêng" của mỗi nhà, xuất phát từ mâu thuẫn gia đình. Truyền thông luôn xem gia đình là chốn riêng tư, các vấn đề gia đình thường được giải quyết theo hướng "đóng cửa bảo nhau".
Vì vậy người bị bạo lực thường ở thế buộc phải chấp nhận, cam chịu hoặc bỏ qua những hành vi bạo lực. Người gây ra bạo lực không được tác động tích cực trở lại nên dễ sàng tiếp tục hành vi bạo lực leo thang. Hệ quả kéo theo là BLGĐ tồn tại dai dẳng, không được giải quyết triệt để.
Rõ ràng, cách truyên truyền ấy của truyền thông là thiếu nhạy cảm giới. Bởi việc nhìn nhận BLGĐ là hệ quả của mâu thuẫn hay cơn nóng giận là cách nhìn phiến diện và thiếu chính xác. Một số nghiên cứu về BLGĐ đã chỉ ra nguyên nhân của BLGĐ nằm trong thái độ gia trưởng và niềm tin của người gây bạo lực rằng họ là chủ gia đình nên có quyền áp đặt ý muốn và quyền hạn đối với mọi thành viên khác trong gia đình. Hầu hết các vụ BLGĐ đều có cả một quá trình lâu dài.
Khi chúng ta dùng cụm từ "xuất phát từ mâu thuẫn vợ chồng" hoặc do nóng giận để mô tả quan hệ bạo lực, vô hình chung chúng ta đã quy trách nhiệm gây bạo lực thuộc về cả hai phía, che khuất thực tế là người gây ra bạo lực phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mâu thuẫn nhiều khi chỉ là cái cớ làm bùng lên sự việc vốn đã bị che đậy khá tinh vi mà không phải ai cũng nhận ra. Do đó, việc nhẫm lẫn giữa cái cớ và nguyên nhân có thể dẫn đến những thông tin sai lệch cho bạn đọc.
Sự thiếu nhạy cảm còn thể hiện khi truyền thông thường đưa ra ý nghĩa khuyến cáo không đầy đủ khi phản ánh BLGĐ trong phạm vi tính chất của một vụ án. Việc giết người hay gây thương tích cho nạn nhân là hành động cực điểm trong chuỗi hành động tội ác mà kẻ gây bạo lực sử dụng để thể hiện quyền lực và khống chế bạn đời hay người thân của mình từ trước đó.
Khi truyền thông dừng lại ở việc mô tả hành vi BLGĐ tại thời điểm xảy ra thương tích hay cái chết của nạn nhân khiến người đọc nhìn nhận nó như một hành vi mang tính bộc phát, nằm ngoài sự kiểm soát của kẻ gây tội. Điều này vô tình bao biện cho hành vi cố ý của người gây bạo lực, giảm tính nghiêm trọng của vấn đề. Cùng với đó, việc dùng ngôn ngữ chỉ trích, đổ lỗi cho người bị bạo lực cũng góp phần làm cho BLGĐ gia tăng.
Nếu người làm truyền thông có nhạy cảm giới sẽ hiểu và đưa ra thông điệp BLGĐ không phải là vấn đề nội bộ của một gia đình, mà là vấn đề của xã hội. Cộng đồng hoàn toàn có thể có những hành động tích cực giúp người gây ra bạo lực nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi.
Giáo dục khiến truyền thông bình đẳng giới bị "lệch chuẩn"?
Theo chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn, yếu tố giáo dục là một trong những nguyên nhân khiến cho truyền thồng về BĐG bị "lệch chuẩn". Bởi trước khi tiếp xúc với truyền thông, chúng ta đều được giáo dục từ trong gia đình và ở trường học.
Trong gia đình, ông bà, bố mẹ vẫn giáo dục con cháu theo chuẩn mực giới truyền thống: Con gái phải học nữ công gia chánh, làm công việc bếp núc, chăm sóc gia đình, sống nhẫn nhịn, hi sinh. Con trai được dạy nắm giữ vai trò trụ cột kinh tế, có quyền quyết định mọi vấn đề trong gia đình, sống gia trưởng... Điều đó vô tình mặc định định kiến giới tồn tại trong nhận thức đối với mỗi người ngay từ nhỏ. Khi tới trường học, trẻ lại tiếp tục tiếp xúc với những chuẩn mực giới ấy từ những bài học trong sách giáo khoa, bài giảng của thầy cô giáo. Định kiến giới lại một lần nữa được "đóng đinh" trong nhận thức của trẻ.
Một nghiên cứu về sự bất BĐG trong sách giáo khoa (SGK) được thông tin tại Hội thảo Lồng ghép giới trong chương trình SGK phổ thông do Hội LHPN Việt Nam tổ chức ngày 14/9/2018 cho thấy có nhiều biểu hiện BĐG trong SGK. Cụ thể, phân tích từ 76 cuốn sách giáo khoa của 6 môn học từ lớp 1 đến lớp 12 thì tỷ lệ xuất hiện trong SGK tiểu học 49% dành cho nữ, dành cho nam là 51%, SGK cấp THCS, tỷ lệ nữ: 33%, nam 67%, SGK cấp THPT, tỷ lệ nữ: 19%, nam: 81%. Đặc biệt trong SGK, nhân vật quan trọng, nổi tiếng chủ yếu là nam giới chiếm tỷ lệ 95%.
Theo bà Trần Thu Thủy (Chuyên gia về giới, Hội LHPNVN) thì những hình ảnh, nội dung mang tính định kiến giới trong SGK, chương trình giáo dục sẽ làm khắc sâu định kiến giới trong nhận thức trẻ em. Từ đó làm chậm tiến trình đạt được BĐG thật sự.
Các chuyên gia nghiên cứu truyền thông cũng cho rằng, môi trường gia đình nhà báo ảnh hưởng đến nhận thức về giới và định kiến giới đối với nguồn tin của các nhà báo. Ví dụ, nhà báo sống trong gia đình có sự phân công công việc theo vai trò giới truyền thống (phụ nữ chăm sóc gia đình, nam giới kiếm tiền, sự nghiệp của nam giới được coi trọng hơn nữ giới...) thì quan niệm của họ khi đưa thông tin truyền thông sẽ có những định kiến giới rõ rệt. Bởi chính họ cũng không phân biệt được ranh giới của sự bất BĐG thật sự nằm ở đâu.
Vì vậy, việc xây dựng lại hệ thống giáo dục có nhạy cảm giới phải bắt đầu từ chính trong gia đình, trường học. Cùng với đó, yếu tố nhạy cảm giới trong công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh thì mới tìm ra được chìa khóa để mở cánh cửa BĐG thành công.
Hạ Thi
TIN LIÊN QUAN
TAG: