Bình đẳng giới
Trang chủ / Xã hội / Bình đẳng giới
Bình đẳng giới: Còn nhiều nhận thức sai lầm - Kỳ 2: Định kiến giới với phụ nữ, trẻ em gái trong bạo lực tình dục
04:56 PM 12/12/2018
Xâm phạm tình dục chỉ xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoan và ngây thơ... là những định kiến và nhận thức sai lệch về tình trạng bạo hành tình dục (BHTD) hiện nay.
Xâm phạm tình dục chỉ xảy ra đối với phụ nữ và trẻ em gái ngoan và ngây thơ, một số phụ nữ bị hiếp dâm do lỗi của họ, người chồng không thể hiếp dâm vợ mình... là những định kiến và nhận thức sai lệch về tình trạng bạo hành tình dục (BHTD) hiện nay của người dân lẫn cơ quan chức năng.
 
Bị xâm hại là do lỗi của nạn nhân
 
Nguyễn Thị M (14 tuổi) bị xâm hại tình dục nhiều lần bởi một người hàng xóm nhưng không dám công khai sự thật. Khi M bị xâm hại đến mức có thai thì sự việc mới được phát hiện. Thế nhưng, trái ngược với mong muốn của gia đình M khi công khai sự việc để đòi công lý cho con gái và thủ phạm phải bị trừng phạt thích đáng thì họ lại phải nhận định kiến và kỳ thị trở lại từ một số người. 
 
Cơ thể M phát triển sớm hơn so với các bạn cùng lứa tuổi, mới 14 tuổi nhưng đã giống như một cô gái trưởng thành. Mọi người vẫn luôn nhìn thấy M mặc những bộ đồ gợi cảm. M yêu đương sớm, thường xuyên được các bạn trai đưa đón đi học, đi chơi. Nhiều người cho rằng,  M không phải là một bé gái ngoan so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Khi hay tin M bị xâm hại tình dục, có thai ngoài ý muốn, rất nhiều người cho rằng M bị như thế là bởi ăn mặc hở hang, khêu gợi người khác giới thực hiện hành vi xâm hại mình. Ngược lại, thủ phạm thật sự gây ra tội ác với M được mọi người có phần thông cảm khi anh ta có hoàn cảnh: Vợ đi lao động xuất khẩu trong một thời gian dài nên bí bách về đời sống tình dục.   
 
Đào Thị Kh (21 tuổi) cũng là nạn nhân trong một vụ án hiếp dâm kể lại, cô gần như không nhận được sự chia sẻ của những người xung quanh khi mình bị xâm hại. Ngay cả cơ quan chức năng khi điều tra vụ án cũng có những định kiến dành cho cô bởi nghề nghiệp phục vụ tại một nhà hàng karaoke. Việc cô thường xuyên ăn mặc khiêu gợi để đi đến chỗ làm việc, khách hàng tiếp xúc toàn là đàn ông ăn chơi đã khiến nhiều người cho rằng chuyện bị hiếp dâm là do lỗi của cô phần chính. 
 
Nguyễn Thị M và Đào Thị Kh chỉ là hai trong số những nạn nhân bị đổ lỗi khi bản thân bị xâm hại tình dục. Gia đình của M đã phải rút đơn không theo đuổi vụ kiện chỉ vì không chịu được sự chỉ trích đó với con gái họ từ những người xung quanh. 
 
Chồng không thể hiếp dâm vợ
 
Chị Lê Thị B là nạn nhân bị BHTD trong một thời gian dài khiến sức khỏe bị ảnh hưởng trầm trọng. Chị B làm nghề cắt tóc gội đầu cho nam giới, thường xuyên tiếp xúc với các khách hàng là đàn ông. Chồng chị B làm nghề lái taxi, hay ghen tuông. Biện pháp giữ vợ của chồng chị B là liên tục bắt vợ phải “chiều chồng” theo các phương pháp mà anh ta tham khảo trên mạng Internet. “Anh ta bắt tôi chiều bất cứ thời gian nào, mặc cho sức khỏe của tôi có đảm bảo hay không. Dần dần, tôi cảm thấy mình không còn là người vợ được chồng tôn trọng mà giống như một công cụ giải trí, lúc nào muốn là anh ta lôi vợ ra cưỡng bức” - chị B kể.  
 
Suốt trong 6 năm trời bị chồng BHTD liên tục, chị B không ít lần phải nhập viện điều trị. Đến khi không chịu nổi, chị bất đắc dĩ viết đơn tố cáo chồng với hi vọng pháp luật sẽ giúp mình thoát hỏi cảnh bị chồng cưỡng hiếp hàng ngày. Nhưng khi biết chị B viết đơn tố cáo việc bị chồng cưỡng hiếp thì mọi người quay lại chê cười. “Họ bảo tôi đầu óc có vấn đề, sao lại đi tố cáo chồng cưỡng hiếp mình. Chuyện vợ phải thỏa mãn nhu cầu tình dục là điều đương nhiên, chồng có quyền đòi hỏi, lúc nào cũng được...” - chị B buồn bã nói.
 
Chị B còn cho biết, rất nhiều người thân lẫn nhân viên cơ quan chức năng nhận đơn tố cáo của chị đều khuyên chị hòa giải rằng: Nên nghĩ đến danh dự gia đình, về bổn phận, vai trò của người vợ, nên cam chiu “chiều chồng” để tránh đổ vỡ không ảnh hưởng đến con cái, hạnh phúc gia đình. Tố cáo chồng rồi khiến chồng đi tù, hoặc mình phải mang tiền lên nộp phạt thay chồng thì cũng chẳng được ích lợi gì…
 
Tại Hội nghị Quốc gia về Tình dục, Sức khỏe và Xã hội lần thứ 3 do Viện Nghiên cứu và Phát triển xã hội tổ chức đã đưa ra con số thống kê từ năm 2011-2016 có 332 vụ BHTD, trong đó: nạn nhân dưới 10 tuổi chiếm  21,2%, nạn nhân từ 11-25 tuổi chiếm 60%, nạn nhân trên 40 tuổi (trong đó có những cụ bà đã 85-86 tuổi) chiếm gần 5%, nạn nhân các vụ cưỡng hiếp tập thể là 3,5%. 
 
Khoảng trống tiếp cận công lý của nạn nhân 
 
Theo Báo cáo chuyên đề về bạo lực tình dục (BLTD) đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam của Thượng tá Nguyễn Văn Tráng (Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an), trung bình mỗi năm có khoảng 400 vụ án hiếp dâm, 900 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Song, trên thực tế BLTD bao gồm rất nhiều hành vi nhưng chỉ có những hành vi nghiêm trọng như hiếp dâm, cưỡng dâm được thể hiện trong dữ liệu của các cơ quan tiến hành tố tụng. Ngoài ra, những hành vi khác như quấy rối tình dục, khiêu dâm, cưỡng ép quan hệ tình dục trong hôn nhân hầu như không được báo cáo.
 
Một nghiên cứu đa quốc gia về xử lý của cảnh sát và các cơ quan tố tụng với các vụ BHTD - xét xử áp hiếp dâm: Tìm hiểu về cách giải quyết của tư pháp hình sự với BHTD ở Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam do Liên Hợp Quốc tiến hành đã chỉ ra rằng, định kiến từ rào cản văn hóa xã hội là một trong những nguyên nhân khiến cho việc tiếp cận công lý của nạn nhân BHTD bị hạn chế.
 
Thứ nhất, do thông lệ xã hội chấp nhận BHTD. Việc nhận thức về BHTD, đặc biệt xung quanh vấn đề đồng thuận của nạn nhân có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa liên quan đến vai trò của phụ nữ. Việt Nam bị ảnh hưởng đạo Khổng cho rằng phụ nữ có nhu cầu tình dục thấp, ở vị trí thấp kém hơn so với nam giới về tình dục và không có khả năng đại diện tình dục cho chính mình. 
 
Thứ hai, ở Việt Nam có một niềm tin phổ biến là khi một cô gái đồng ý lập gia đình, nghĩa là cô ấy đồng ý quan hệ tình dục và khi nào còn tồn tại đời sống hôn nhân, khi đó không thể chấm dứt quyền về tình dục. Mặc dù đã có Luật Phòng chống bạo hành gia đình, song vẫn còn tồn tại suy nghĩ phổ biến rằng BLGĐ là vấn đề riêng của mỗi gia đình.
 
Thứ ba, danh dự gia đình và định kiến xã hội đã khiến cho việc trình báo về tình trạng BHTD thường gắn với suy nghĩ về danh dự của gia đình. Ở Việt Nam, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hay không khuyến khích nạn nhân quyết định trình báo về vụ việc xảy ra với mình và đề xuất khởi tố hình sự. Nạn nhân sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào từ phía gia đình và họ hành nếu như theo đuổi vụ việc khiến gia đình mất đi danh dự. 
 
Ngoài ra những định kiến giới cũng khiến cho việc nhận thức lệch lạc về vấn đề BHTD đối với phụ nữ và trẻ em gái. Niềm tin và quan niệm cho rằng BHTD chỉ ra xảy với các bé gái ngoan và ngây thơ. Nghĩa là cách tiếp cận công lý chỉ tập trung vào tính cách đạo đức của nạn nhân chứ không tập trung vào độ tin cậy của trường hợp bạo lực được trình báo. Điều này cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc trình báo và việc đình chỉ vụ án BHTD sau này. Do vậy, quá trình xử lý các vụ án BHTD vẫn còn có nhiều bất cập về mặt luật pháp. 
 
Tại Hội thảo công bố nghiên cứu “Xét xử tội hiếp dâm: Hiểu rõ cách ứng phó của hệ thống tư pháp hình sự đối với BLTD ở Thái Lan và Việt Nam” được tổ chức tại Hà Nội vừa qua, bà Anna-Karin Jatfors (Phó Giám đốc UN Women khu vực Châu Á-Thái Bình Dương) cho rằng những rào cản phổ biến trong việc tiếp cận công lý mà những nạn nhân bị xâm hại tình dục đang gặp phải không chỉ là những khó khăn trong việc nhận được sự trợ giúp, mà còn ở thái độ và sự phân biệt đối xử của cảnh sát và các quan chức tư pháp được giao nhiệm vụ hỗ trợ. Hiểu được những rào cản đối với công lý sẽ là bước đầu quan trọng để đảm bảo công lý cho phụ nữ và chấm dứt tình trạng vụ án BLTD không được xử lý một cách công bằng. 
Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đưa ra khuyến cáo: Tất cả các hành vi tình dục mà được thực hiện không có sự đồng ý của phụ nữ, cho dù không có dấu hiệu của sự phản kháng đều bị coi là BLTD và vi phạm pháp luật. Coi BLTD và ép buộc tình dục giữa các cặp vợ chồng, các cặp bạn tình thường xuyên hay không thường xuyên và các cặp sống thử là có tội. Khi xác lập tội danh về tình dục đối với bé gái, xem xét số tuổi tối thiểu mà một người được coi là đủ năng lực pháp lý để đồng ý với các hành vi tình dục theo các chuẩn quốc tế. Hành vi giao cấu với bé gái dưới tuổi quy định bị coi là tội phạm (không quan tâm đến việc có nạn nhân đồng ý hay không)…

  

Hạ Thi

 

TIN LIÊN QUAN
TAG:
Tin khác
Lâm Đồng: Tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức trong phòng, chống mại dâm
Sự thật về thuốc giảm cân
Bắc Giang: Hiệu quả trong ngăn chặn nạn mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Bắc Giang đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống mua bán người
Đồng Tháp: Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về
24 liệt sĩ an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Long Khánh được đính chỉnh, điều chỉnh thông tin
Phòng, chống thiên tai: Phải lấy người dân làm trung tâm
Tuyên Quang: Chủ động thực hiện công tác phòng, chống mua bán người và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán
Cô gái H’Mông: Trái tim tử tế mang khát vọng kết nối giá trị nhân văn trong hệ sinh thái “Nuôi em”