Bình đẳng giới: Còn nhiều nhận thức sai lầm - Kỳ 1: Bất Bình đẳng giới gây bạo lực gia đình
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực gia đình (BLGĐ) là do bất bình đẳng giới gây nên. Theo đó, thủ phạm gây nên BLGĐ thường là nam giới và nạn nhân chủ yếu là nữ giới.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới bạo lực gia đình (BLGĐ) là do bất bình đẳng giới gây nên. Theo đó, thủ phạm gây nên BLGĐ thường là nam giới và nạn nhân chủ yếu là nữ giới. Tuy nhiên, có không ít nạn nhân nữ giới bị bạo lực lại biến thành thủ phạm gây ra bạo lực trở lại với mức độ khủng khiếp hơn.
Khi nạn nhân biến thành… thủ phạm
Thời gian gần đây những thảm án gia đình mà thủ phạm là phụ nữ ra tay sát hại chồng xảy ra không ít. Khi đưa ra xét xử, trước tòa, lời khai của những thủ phạm này lại cho thấy một thực tế đau lòng. Đó là trước khi trở thành thủ phạm “máu lạnh”, họ từng là những nạn nhân bị chồng bạo lực trong một thời gian dài. Ba trường hợp dưới đây là điển hình trong số đó.
Ngày 13/3/2018, TAND tỉnh Nghệ An đã xét xử vụ án hình sự bị cáo Hoàng Thị H (SN 1971, trú tại Thanh Chương, Nghệ An) với tội danh giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh. H giết chồng vào một ngày đầu tháng 11/2017. Hôm đó, chồng của H uống rượu say về chửi bới và tìm hung khí để đánh đập vợ như mọi lần. Sau lời chồng dọa sẽ giết mình trong đêm nay, H đã hoảng loạn xô ngã chồng rồi dùng cán dao đập liên tiếp vào đầu cho đến khi anh ta bất động. Hậu quả, chồng H bị chấn thương sọ não và tử vong. Thời điểm giết chồng, H đang nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.
Trước Tòa, H khai hành động giết chồng xuất phát từ sự dồn nén trong một thời gian dài bị chồng đánh đập triền miên. Trong phòng xét xử, nước mắt H tuôn rơi theo những hồi ức về những lần bị chồng bạo hành khiến mọi người không thể cầm lòng. Đó là những lần H hoảng loạn khi bị chồng dội cả can dầu vào người vợ rồi đòi châm lửa đốt, bữa đó, H may mắn vùng chạy thoát thân. Hay lần H bị ốm nằm bệt trên giường không thể dậy nấu ăn nổi, chồng H đi làm về thấy vậy không hỏi thăm còn chửi bới rồi cầm búa lao vào đòi đánh vợ. Thậm chí khi H sinh đứa con thứ hai chưa được bao lâu, chồng H đã châm lửa thiêu rụi ngôi nhà chỉ vì mâu thuẫn nhỏ với vợ.
Dù bị chồng đánh đập, bạo hành triền miên trong một thời gian dài nhưng H không thể ly hôn vì chồng dọa sẽ giết H và người thân của cô. Con lớn thêm một chút, H lại sợ con cái xấu hổ với bạn bè khi bố mẹ ly hôn nên lại cam chịu. H bảo nếu cô không bị chồng đánh đập nhiều và kéo dài như thế thì đã không trở thành thủ phạm giết chồng.
Năm 2016, Nguyễn Thị K (29 tuổi, trú tại Đồng Nai) cũng bị truy tố với tội danh giết chồng. Cuộc sống vợ chồng của K mâu thuẫn kể từ khi đứa con đầu ra đời. Chồng K thường xuyên bỏ bê vợ con và bê tha rượu chè tối ngày. K cũng trở thành nạn nhân bị chồng bạo lực trong một thời gian dài. Sự cam chịu, nhẫn nhịn đã trở nên quá giới hạn đối với K vào một ngày bị chồng đánh liên tiếp vào mặt khi uống rượu về, K đã xuống bếp lấy dao rồi đâm vào cổ chồng khiến anh ta tử vong
Tháng 1/2015, Nguyễn Thị Tr (33 tuổi, trú tại Núi Thành, Quảng Nam) cũng trở thành thủ phạm sát hại chồng để thoát khỏi bị bạo hành. Tr lấy chồng tảo hôn từ năm 16 tuổi, cuộc sống hạnh phúc chỉ được tày gang. Sau đó là chuỗi ngày sống trong cảnh bị chồng đánh đập, chửi bới vì ghen tuông nghi vợ ngoại tình. Trước ngày xảy ra án mạng khoảng 1 tuần, Tr đã viết đơn ly hôn để giải thoát khỏi cảnh bị chồng bạo lực nhưng anh ta không chịu ký. Hôm xảy ra án mạng, chồng Tr lấy dao ra dọa giết vợ nếu không chịu khai chuyện ngoại tình. Bị dồn nén, Tr đã nghĩ nếu mình không giết chồng để giải thoát bản thân thì anh ta cũng sẽ giết mình. Và rồi Tr đã biến thành người vợ “máu lạnh” dùng chiếc đe sắt đập vào đầu chồng đến khi anh này tử vong.
Sai lệch về quan niệm bình đẳng giới
Kể từ khi Việt Nam tham gia công ước CEDAW (Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ), cùng với sự ra đời của Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, chúng ta đã có một bước tiến trong việc thực hiện bình đẳng giới. Tuy nhiên đằng sau bề nổi tiến bộ đó vẫn là phần chìm vì sai lầm trong nhận thức về bình đẳng giới trong một số người dân.
Một bộ phận nam giới cho rằng phụ nữ bình đẳng, tiến bộ thì quyền lực, vị thế của mình sẽ bị đe dọa. Vì thế, họ sử dụng bạo lực để khẳng định bản thân trong gia đình. Về phần phụ nữ, dù tiến bộ nhưng vẫn bị đóng đinh bởi những khuôn mẫu giới: Phụ nữ luôn phải đứng sau đàn ông, gắn liền với công việc nội trợ, giữ gìn tổ ấm, chăm sóc con cái. Nếu họ không làm được điều đó thì dù thành đạt đến đâu cũng bị coi là thất bại. Phụ nữ cũng luôn gắn liền với đức tính cam chịu, hi sinh cho chồng con không chỉ trong một giai đoạn nào đó mà đến hết đời. Đây là lý do khiến không ít phụ nữ sống cam chịu bất hạnh, chấp nhận tình trạng bất bình đẳng một cách tự nguyện. Để rồi đến khi quá sức chịu đựng lại biến thành thủ phạm gây ra bạo lực ở mức độ trầm trọng hơn như giết chồng, giết con...
Vì quan niệm về bình đẳng giới đang bị hiểu sai lệch nên trong quá trình thực hiện bình đẳng giới, BLGĐ lại có nguy cơ nảy sinh trầm trọng hơn.
Trong một thống kê của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy trong vòng 5 năm (từ 2011-2015), mỗi năm trung bình xảy ra hơn 31.500 vụ bạo lực gia đình. Trong tổng số 157.859 vụ BLGĐ được phát hiện từ năm 2011 tới 2015, nạn nhân là phụ nữ (từ 16-59 tuổi) chiếm tới 117.206 trường hợp (74,24%), 17.586 trường hợp là trẻ em (11,14%) và 14.017 trường hợp là người cao tuổi (8,91%).
Luật vẫn còn kẽ hở khi đi vào cuộc sống
Luật Phòng chống bạo lực gia đình ra đời và đi vào cuộc sống đến nay đã được 10 năm nhưng theo các chuyên gia, hiện vẫn còn kẽ hở khi áp dụng vào thực tiễn. Điều này khiến cho tình trạng che giấu bạo lực, hoặc cam chịu bạo lực vẫn còn tồn tại nhiều trong mỗi gia đình, cũng như trong cách xử lý của các cơ quan chức năng có trách nhiệm liên đới.
Bà Lê Thị Thu Hằng (Đoàn Luật sư TP HN) cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ tồn tại là do Luật chưa chặt chẽ, khiến cho việc phát hiện, xử lý vụ việc BLGĐ gặp nhiều khó khăn. Các điều khoản của Luật vẫn còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, khiến cho người thực thi vẫn còn lúng túng.
Bà Hằng phân tích, tại Điều 2, Luật Phòng, chống BLGĐ quy định các hành vi bạo lực còn chung chung, không đầy đủ, dẫn đến việc bỏ sót hay khó xác định hành vi để tố cáo và can thiệp, đặc biệt là hành vi bạo lực tình dục; hành vi ép buộc mang thai, sinh sớm, sinh dày, sinh nhiều con, ép buộc lựa chọn giới tính của thai nhi, ngăn cản không cho sử dụng biện pháp tránh thai… Ngoài ra, các quy định về việc xử phạt vi phạm đối với hành vi BLGĐ còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe.
“Các quy định xử phạt đối với nhóm hành vi này cần giúp người cảnh tỉnh và không dám tái phạm vi phạm như yêu cầu họ lao động công ích hoặc có biện pháp giáo dục khác thay thế cho việc phạt bằng tiền. Đối với hành vi đặc biệt nghiêm trọng phải truy cứu trách nhiệm hình sự cần kết hợp biện pháp tuyên truyền giáo dục để giảm thiểu các hành vi khác có thể xảy ra” - luật sư Hằng nói.
Còn theo bà Lê Thị Phương Thúy (Trưởng phòng tham vấn, Trung tâm Phụ nữ và phát triển - Hội LHPN Việt Nam), trong thực thi pháp luật về BLGĐ hiện nay chưa có quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong phòng, chống BLGĐ. Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương coi đây là chuyện riêng của từng gia đình, có nơi còn sợ ảnh hưởng thành tích của địa phương nên khi nạn nhân gọi điện trình báo, chính quyền không ghi nhận là một vụ bạo lực cần vào cuộc. Nhiều vụ việc nghiêm trọng cần tạm lánh dài hạn nhưng nạn nhân không được giới thiệu đến Ngôi nhà Bình yên một phần do tâm lý sợ mất thi đua.
Theo kết quả của Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ trong gia đình tại Việt Nam do Tổng Cục thống kê phối với Liên Hợp Quốc tại Việt Nam thực hiện, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Nhưng, 87% số nạn nhân lại không tìm đến sự trợ giúp từ các dịch vụ công. Chỉ tính riêng Hà Nội từ năm 2008 đến tháng 7/2018, có gần 800 vụ bạo lực được phát hiện và giải quyết. Số liệu khảo sát điều tra xã hội học cho biết: Bạo lực gia đình ảnh hưởng đến sự phát triển nhân cách của trẻ chiếm 91%; gây tổn hại về sức khỏe, thể chất: 87,5%; gây tổn thương về tâm lý, tinh thần: 89,4%; gây tan vỡ gia đình: 89,7% và làm rối loạn trật tự, an toàn xã hội: 89%.
Hạ Thi - Hồng Nhung
TAG: