Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Hồng Lan, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 8 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số, trong đó người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 58% người khuyết tật là nữ, 28,3% người khuyết tật là trẻ em, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.

Theo Thứ trưởng, trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách pháp luật, các Đề án liên quan đến vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, dạy nghề và giáo dục cho người khuyết tật. “Trong thời gian qua có nhiều văn bản pháp luật như Bộ luật lao động, Luật Người khuyết tật, Luật giáo dục... đã được ban hành tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan, địa phương triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người khuyết tật, giúp người khuyết tật ổn định cuộc sống” – Thứ trưởng nhấn mạnh.


Các đại biểu chủ trì hội nghị

Thứ trưởng cũng biểu dương và đánh giá cao những tấm gương người khuyết tật đã vượt qua hoàn cảnh, bền bỉ vượt qua khó khăn, vươn lên khẳng định giá trị của bản thân. Đồng thời cũng biểu dương và cảm ơn những tấm lòng vàng đã quan tâm và có những hoạt động thiết thực để trợ giúp, hỗ trợ người khuyết tật học nghề, có việc làm để nâng cao đời sống của người khuyết tật.

Báo cáo công tác tạo việc làm đối với người khuyết tật, ông Nguyễn Văn Hồi – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội cho biết, tính đến nay, trên 60% người khuyết tật đang trong độ tuổi lao động, 75% số này đang tham gia hoạt động kinh tế; trên 70% hoạt động kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp; khoảng 80% hoạt động kinh tế dưới hình thức tự làm hoặc là lao động hộ gia đình; khoảng 15% là lao động làm công ăn lương. Ước tính khoảng dưới 20% người khuyết tật đã qua đào tạo nghề. Như vậy, ở Việt Nam còn trên 1,2 triệu người khuyết tật trong độ tuổi lao động còn khả năng lao động cần được hỗ trợ dạy nghề.

Ông cho biết, hiện cả nước có hơn 15 nghìn lao động là người khuyết tật đang làm việc tại hơn 400 cơ sở sản xuất kinh doanh của người khuyết tật và khoảng trên 16 nghìn lao động khuyết tật khác đang làm việc trong các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình

hoặc được hỗ trợ kinh phí từ nguồn Quỹ việc làm.


Trao Bằng khen cho các doanh nghiệp có nhiều thành tích trong công tác tạo việc làm cho người khuyết tật

Tính đến nay, Việt Nam có trên 256 cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, trong đó có 55 cơ sở dạy nghề chuyên biệt, 200 cơ sở có tham gia dạy nghề cho người khuyết tật, và trên 500 cơ sở sản xuất, kinh doanh của người khuyết tật...

Nhiều doanh nghiệp đã quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật như Công ty Chan Shin Việt Nam, Công ty Chân – Thiện – Mỹ, Công ty 27/7 Hải Hậu, Nam Định, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ, Thanh Hóa, Công ty 25-10 Hải Phòng. Hội Người mù Việt Nam hàng năm cũng đào tạo nghề, tạo việc làm cho trên 2.000 người với nghề phù hợp.

Tuy vậy, theo ông Hồi, công tác chăm sóc, đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật, động viên giúp đỡ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống còn những hạn chế cần khắc phục. Do vậy, đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp tục chung tay, góp sức đào tạo nghề, tạo việc làm đối với người khuyết tật; xây dựng và triển khai các mô hình tạo việc làm đối với người khuyết tật, đặc biệt là mô hình tạo việc làm tại nhà cho những người khuyết tật không có khả năng đi đến các doanh nghiệp.

Ông cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về người khuyết tật; triển khai đồng bộ, thống nhất, kịp thời Luật người khuyết tật và các Luật liên quan, tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật thụ hưởng các chính sách của Đảng và Nhà nước quy định; Thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách đối với người khuyết tật...

Nhân dịp này, các doanh nghiệp tiêu biểu đã có công tạo việc và thu nhập ổn định cho người khuyết tật đã được biểu dương. Trong số này có nhiều chủ doanh nghiệp là những người khuyết tật không chấp nhận những rào cản khiếm khuyết thể chất và khó khăn của hoàn cảnh sống, bền bỉ vượt qua sự khó khăn, vươn lên khẳng định giá trị bản thân và tạo việc làm cho hàng trăm người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn./.

Minh Duyên