BHXH Việt Nam: Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2030
(LĐXH) - BHXH Việt Nam vừa ban hành Kế hoạch số 3035/KH-BHXH về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030 của ngành BHXH Việt Nam.
Theo đó, giai đoạn này, toàn Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách hành (CCHC) đồng bộ, thống nhất ở các lĩnh vực: Thủ tục hành chình (TTHC), tổ chức bộ máy, chế độ công vụ, tài chính công và xây dựng phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Trong đó, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, có năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Mục tiêu cụ thể gồm:
1. Về cải cách TTHC:
a) Đến năm 2025:
- Cắt giảm, đơn giản hóa tối thiểu 20% số quy định và cắt giảm tối thiểu 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020.
- Hoàn thành việc đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông
trong giải quyết TTHC theo hướng nâng cao chất lượng phục vụ, không phụ thuộc vào địa giới hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), giảm thời gian đi lại, chi phí xã hội và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp;
- Tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đạt từ 30% trở lên;
- 100% TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết được tiếp nhận, giải quyết
TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, trừ trường hợp TTHC yêu cầu
phải kiểm tra thực địa, đánh giá, kiểm tra, thẩm định tại cơ sở;
- 100% hồ sơ, giấy tờ kết quả giải quyết TTHC được số hóa và kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC;
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 90%.
b) Đến năm 2030
- Đơn giản hóa hồ sơ, biểu mẫu, quy trình không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp của các TTHC lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN;
- Tỷ lệ thanh toán trực tuyến của các TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính đạt từ 50% trở lên;
- Mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp về giải quyết TTHC đạt tối thiểu 95%.
2. Về cải cách tổ chức bộ máy
Sắp xếp tổ chức bộ máy của ngành BHXH Việt Nam theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách, hiện đại hóa ngành BHXH Việt Nam, đảm bảo thực hiện đúng quan điểm, chủ trương của Đảng, phát luật của Nhà nước; phù hợp tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; gắn tinh giản biên chế với sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu xây dựng bộ máy ngành BHXH Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
3. Về cải cách chế độ công vụ
Cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức và người lao động; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức về trình độ, năng lực, phẩm chất; nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức về hành chính phục vụ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
4. Về cải cách tài chính công
a) Đến năm 2025
- Tiếp tục nghiên cứu, tham mưu sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế
tài chính của Ngành; quản lý, sử dụng tài sản theo hướng gắn với nhiệm vụ được
giao, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng nguồn kinh phí, tài sản được giao.
- Tiếp tục rà soát, đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BHXH Việt Nam theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập; tiếp tục nghiên cứu để giao quyền tự chủ cho đơn vị.
- Tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp, sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị. Đạt 60% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất,…sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
b) Đến năm 2030
- Hoàn thiện các cơ chế quản lý tài chính và khắc phục những bất cập của
cơ chế tài chính, mức chi phí quản lý của những giai đoạn trước, phù hợp với thực tiễn triển khai nhiệm vụ của ngành BHXH Việt Nam.
- Rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp (trừ đơn
vị không có nguồn thu sự nghiệp) theo lộ trình quy định tại Nghị định số
60/2021/NĐ-CP.
- Tiếp tục đẩy mạnh vận động, khuyến khích người hưởng nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt. Đạt 80% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí,
tử tuất,... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực đô thị.
5. Về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số
a) Đến năm 2025
- Triển khai thành công cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm theo quy định
tại Nghị định số 43/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021, đáp ứng nguyên tắc dữ liệu chỉ từ một nguồn, đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ tài nguyên thông tin dữ liệu;
- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động;
- 100% người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến được cấp định danh và xác thực điện tử thông suốt và hợp nhất trên tất cả các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam;
- 90% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại;
- Cung cấp dữ liệu mở theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số
47/2020/NĐ-CP về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước;
- Duy trì kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống báo cáo của BHXH Việt Nam với Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia;
- Phát triển, hoàn thiện Hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung
ngành BHXH (Datawarehouse- DWH) phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ của Ngành BHXH Việt Nam;
- 95% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên
môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- 50% người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 40% sử dụng ứng dụng VssID.
b) Đến năm 2030
- 100% các hệ thống thông tin của BHXH Việt Nam có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, không phải cung cấp lại;
- 100% hồ sơ công việc của ngành BHXH Việt Nam được xử lý trên
môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);
- 80% người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp có tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH, trong đó có 60% sử dụng ứng dụng VssID.
K. Quyên
TIN LIÊN QUAN
TAG: