BHXH Quảng Nam tích cực đề ra giải pháp tăng số người tham giam bảo hiểm xã hội
(LĐXH)-Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và người dân, số người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục tăng qua các năm. Đặc biệt, quyền lợi người tham gia bảo hiểm được bảo đảm, thủ tục ngày càng được đơn giản hóa, công nghệ thông tin được ứng dụng.
BHXH tỉnh cho biết, giai đoạn 2017-2021, số người lao động tham gia BHXH so với lực lượng trong độ tuổi lao động có tăng lên đáng kể. Cụ thể, nếu năm 2017, Quảng Nam có 847.372 người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 19,47% lực lượng trong độ tuổi lao động), thì năm 2021 tăng lên 908.709 (chiếm 22,85%).
Hết tháng 11/2022, toàn tỉnh có 214.303 người tham gia chế độ bảo hiểm xã hội (đạt 89,67% so với kế hoạch), bảo hiểm thất nghiệp 178.796 người (đạt 94,42% so với kế hoạch), bảo hiểm y tế là 1.448.799 người (đạt 98,25% so với kế hoạch giao).
Hiện nay, Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn tỉnh được kiện toàn, thường xuyên giao ban, chỉ đạo tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Tuy nhiên, theo thống kê, năm 2022, khi nâng chuẩn nghèo nông thôn nâng lên mức 1,5 triệu đồng/tháng dẫn đến số tiền người tham gia BHXH, BHYT phải nộp tăng lên nên số người dừng tham gia BHXH tự nguyện cao.
Ở Quảng Nam, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 41 ngày 8/12/2021 hỗ trợ thêm mức đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh là 5% cho đối tượng khác, 10% đối với đối tượng nghèo, cận nghèo, trong giai đoạn 2022 - 2025. Dù vậy vẫn chưa phát triển được số người tham gia BHXH tự nguyện như mong muốn.
BHXH tỉnh luôn đổi mới trong cách thức tuyên truyền, vận động đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, tuy nhiên số lượng người tham gia BHXH tự nguyện những tháng đầu năm 2022 vẫn giảm hơn so với năm trước. Do hầu hết người tham gia BHXH tự nguyện hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu nhập thấp và không ổn định, bị tác động lớn từ thời tiết, dịch bệnh.
Mặc dù còn nhiều khó khăn song BHXH Quảng Nam đã cố gắng thúc đẩy người lao động tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp bằng nhiều giải pháp.
Cụ thể, BHXH tỉnh đã đôn đốc các đơn vị trực thuộc rà soát lại các chỉ tiêu, khối lượng công việc trên tất cả các mặt công tác và đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua đã được phát động nhằm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.
cơ quan BHXH tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp trên địa bàn tỉnh cả hình thức và nội dung tuyên truyền theo hướng chuyển gần sát cơ sở. Việc tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT thông qua truyền thanh cơ sở, các nền tảng công nghệ số như Zalo, Fanpage Facebook, YouTube được đẩy mạnh nhằm vận động tuyên truyền người dân tích cực tham gia.
Ngành BHXH sẽ phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức hội nghị khách hàng, trong đó ưu tiên phát triển BHYT hộ gia đình. Công tác cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và tinh thần phục vụ người dân luôn được chú trọng và sẽ tiếp tục cải thiện ở mức cao hơn.
Các phòng nghiệp vụ sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để xử lý cơ sở dữ liệu, rút ngắn thời gian kiểm tra trực tiếp, kết hợp giữa thanh tra trực tiếp với điện tử nhằm nâng cao chất lượng công tác thanh tra kiểm tra. Được biết, giai đoạn 2020 - 2021 hai ngành đã phối hợp làm việc với 52 đơn vị, DN hoạt động trên địa bàn tỉnh có nợ đọng tiền BHXH, thì có 47 DN đã truy nộp nợ đọng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp với tổng số tiền hơn 32,032 tỷ đồng,…. Đồng thời, sẽ hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động thực hiện giao dịch điện tử đối với hồ sơ tham gia BHXH, BHYT và giải quyết hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn nhằm tạo thuận lợi cho đơn vị, người lao động, giảm thời gian đi lại, chờ đợi trong giao dịch với cơ quan BHXH.
Các sở, ngành chức năng liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kịp thời phát hiện người hưởng BH thất nghiệp không đúng quy định để ra quyết định hủy hưởng, chấm dứt hưởng, thu hồi số tiền đã hưởng… Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tại các DN, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan BHXH các cấp về thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan BHXH và cơ quan thuế, cơ quan Công an, các đơn vị liên quan… để quản lý dữ liệu đơn vị và cá nhân phục vụ công tác quản lý.
Với những giải pháp đề ra, ngành bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam tiếp tục tập trung thực hiện để hoàn thành các chỉ tiêu đảm bảo an sinh xã hội đã được giao./.
Mỹ Hạnh
TAG: