Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Bến Tre cũng tập trung hoạt động truyền thông và giảm nghèo về thông tin, như xây dựng các đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông theo hoạt động đặc thù; Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác giảm nghèo… Tổ chức triển khai tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ, tổ công tác, ban quản lý cấp xã thực hiện Chương trình giảm nghèo. Tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá thực hiện Chương trình.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh Bến Tre, hiện nay, hệ thống văn bản chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành đầy đủ, trong đó đã thể hiện được nguyên tắc, cơ chế đổi mới trong quản lý, điều hành và triển khai thực hiện các hoạt động, dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình, tạo khung pháp lý hướng dẫn các địa phương thực hiện theo quy định. Đối với tỉnh Bến Tre, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt Chương trình giảm nghèo. Các cơ quan chuyên môn đã tích cực tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện các quy định, cơ chế, chính sách giảm nghèo. Phong trào “Vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” được các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh hưởng ứng và triển khai thi đua rất quyết liệt, phấn đấu giảm nghèo nhanh, bền vững với nhiều chính sách đặc thù của địa phương, nhất là đối với công tác hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trong thời gian tới, tỉnh Bến Tre tập trung thực hiện các giải pháp như: Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về giảm nghèo bằng nhiều hình thức nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần tạo được sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch đã đề ra, bố trí nguồn vốn đối ứng từ nguồn ngân sách của địa phương và chủ động huy động thêm các nguồn lực khác thực hiện Chương trình giảm nghèo. Kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức làm công tác giảm nghèo.
Đẩy mạnh việc thực hiện cơ chế hỗ trợ, phân cấp, trao quyền cho địa phương, cơ sở; tăng cường sự tham gia của người dân trong thực hiện. Khuyến khích, mở rộng hoạt động tạo việc làm cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người dân trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo thông qua các dự án mô hình giảm nghèo và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, kết nối việc làm thành công.
Tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo hiện hành. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo bền vững các cấp, đảm bảo đủ năng lực để tham mưu thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đối với việc thực hiện chương trình, kế hoạch giảm nghèo nhanh và bền vững; gắn kiểm điểm việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo với kiểm điểm, đánh giá tập thể, cá nhân cán bộ, lãnh đạo quản lý hằng năm./.
Nguyễn Hoàng