Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bến Tre tăng cường phòng, chống xâm hại trẻ em
05:03 PM 28/05/2021
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác phòng chống xâm hại trẻ em nói riêng đã được tỉnh Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp, qua đó góp phần hạn chế các tai nạn xảy ra cho trẻ em trên địa bàn.
Đến nay, vấn đề xâm hại trẻ em đã và đang được các ngành chức năng ở Bến Tre chủ động xây dựng, triển khai nhiều chương trình, kế hoạch, áp dụng đồng bộ các biện pháp nhằm tăng cường phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh tội phạm xâm hại trẻ em đạt nhiều kết quả tích cực. Qua đó, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh từng bước được kiềm chế, đẩy lùi.
Theo thống kê trong năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bến Tre, toàn tỉnh có 13 trẻ em bị xâm hại (chủ yếu là xâm hại tình dục); tỉnh không có tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị bóc lột, bị mua bán, bị bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em. Bến Tre cũng không để xảy ra các hình thức gây tổn hại khác đối với trẻ em như: bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn…
Bến Tre thường xuyên tổ chức tọa đàm, nâng cao nhận thức pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em
Nguyên nhân mà các đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em được xác định là do đa số có trình độ văn hóa thấp, thiếu hiểu biết về pháp luật, không có nghề nghiệp hoặc làm nghề tự do; đa số có mối quan hệ quen biết với các em hoặc gia đình, hoặc là người ở cùng địa phương. Do đó, các đối tượng nắm bắt được quy luật sinh hoạt, đi lại của gia đình và các em, nên dễ dàng tiếp cận, lợi dụng sự ngây thơ, thiếu hiểu biết của các em để thực hiện hành vi phạm tội. Ngoài ra, cũng còn rất nhiều trường hợp do trẻ em quan hệ yêu đương với nhau hoặc thông qua mạng xã hội (zalo, facebook… ) kết bạn làm quen, sau đó gặp gỡ và thực hiện hành vi xâm hại.
Về hoàn cảnh gia đình, một bộ phận cha, mẹ, người thân trong gia đình thờ ơ, thiếu trách nhiệm; lo làm ăn phát triển kinh tế, chưa quan tâm thường xuyên trong việc quản lý và giáo dục con cái, nhất là vấn đề phát triển tâm, sinh lý lứa tuổi của các em. Một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như cha mẹ ly hôn, sống với mẹ kế hoặc cha dượng, các trường hợp không còn cha mẹ phải sống với ông bà… những trẻ em này thường bị tổn thương, khiếm khuyết về tâm lý, dễ mặc cảm, tự ti, thiếu điều kiện học tập, vui chơi, thiếu sự quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động, dễ bị lôi kéo dụ dỗ, bị xâm hại.
Để tăng cường các biện pháp phòng, chống xâm hại trẻ em, các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã tăng cường các biện pháp thực hiện như: tổ chức hội thảo về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng, chống xâm hại trẻ em... Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm các ngành, các cấp, các tổ chức và toàn xã hội đối với công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em.
Cụ thể, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bến Tre đã thiết kế, in 332 tấm băng ron tuyên truyền tại cơ sở với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em”, “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Bến Tre thiết kế, in, lắp đặt 04 băng ron tuyên truyền tại khu vực trung tâm thành phố Bến Tre; thiết kế 2.500 sản phẩm truyền thông về phòng, chống xâm hại trẻ em phát hành đến học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở và cha mẹ, người chăm sóc trẻ em trong tỉnh. Tổ chức 02 chuyến xe cổ động tuyên truyền Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 chạy qua các tuyến đường chính của thành phố Bến Tre; tổ chức 48 cuộc truyền thông về kỹ năng phòng ngừa nguy cơ, tự bảo vệ cho trẻ em và chuyển đổi hành vi, cung cấp kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em tại các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh có 4.980 học sinh và cha mẹ, người chăm sóc trẻ tham dự.
Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, cơ quan tuyên truyền tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, phổ biến kỹ năng cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em về lợi ích, tác động tiêu cực của môi trường mạng đối với trẻ em, phòng ngừa, ngăn chặn hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng theo quy định của pháp luật.
Sở Tư pháp đã thực hiện thực hiện lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về trẻ em, góp phần phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh. Tính riêng trong 5 tháng đầu năm 2021, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước đã thực hiện trợ giúp pháp lý cho 07 đối tượng là trẻ em, 07 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý có 272 người tham gia (trong đó có 110 trẻ em), cấp phát 750 tờ gấp.
Công an tỉnh Bến Tre tổ chức tuyên truyền pháp luật, kết hợp phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt ở cơ sở. Đã phát động phong trào toàn dân tham gia tấn công tội phạm kết hợp với tuyên truyền pháp luật 6.205 cuộc, có 196.886 lượt quần chúng tham dự. Thông báo rộng rãi số điện thoại đường dây nóng để người dân biết, tố giác tội phạm, đồng thời, phối hợp cùng chính quyền địa phương củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của 450 tổ nhân dân tự quản, 63 Hội đồng bảo vệ an ninh trật tự, 29 đội dân phòng; lực lượng nòng cốt cơ sở tuần tra giữ gìn an ninh, trật tự tổ chức 27.679 cuộc, có 297.862 lượt lực lượng tham gia.
Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp trong tỉnh tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Kết quả, đã tổ chức 68 hoạt động truyền thông, tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo vệ trẻ em cho cán bộ, hội viên, phụ nữ; tuyên truyền thông qua sinh hoạt chi tổ hội... thu hút trên 15.000 lượt học sinh và trên 75% hội viên, phụ nữ tham gia…
Thời gian tới, Bến Tre sẽ tiếp tục tăng cường công tác bảo vệ trẻ em, tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ trẻ em, hướng dẫn cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em, gia đình, cộng đồng kiến thức, kỹ năng phát hiện, tố cáo kịp thời các hành vi xâm hại trẻ em; giám sát, trông coi trẻ em, đặc biệt trẻ em nhỏ tuổi; tiếp nhận, giải quyết kịp thời, xử lý nghiêm các vụ việc xâm hại trẻ em.

Chí Tâm

TAG:
Tin khác
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Cam kết thực hiện bình đẳng giới vì sự phát triển của toàn xã hội
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
Yên Bái: Hỗ trợ xây dựng nhà ở cho thân nhân liệt sĩ
Chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát toàn quốc: Cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và cộng đồng
Thị xã Phú Thọ sâu tình nặng nghĩa với người có công