Bến Tre: Các cấp, các ngành nỗ lực tuyên truyền về công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ
(LĐXH)-Trong năm qua, công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, pháp luật về bình đằng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ trên địa bàn tỉnh Bến Tre được tăng cường. Các nội dung kế hoạch, chương trình, chiến lược, đề án về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được triển khai đến các cấp, các ngành và được phổ biến đến các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của phụ nữ và bình đẳng giới.
Trên cơ sở hướng dẫn, chỉ đạo công tác tuyên truyền của Sở Thông tin và Truyền thông, trong năm 2018, các cơ quan thông tin báo chí trong tỉnh đã tập trung thông tin, tuyên truyền, vận động, giáo dục người dân thực hiện tốt công tác bình đẳng giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, bình đẳng nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác bình đẳng giới và hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ, đặc biệt là bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động và cộng đồng dân cư. Hiệu quả của công tác tuyên truyền đã góp phần xây dựng gia đình tiến bộ song song với phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Từ đó, nạn bạo hành gia đình đã kéo giảm và hạn chế nhất là ở nhóm đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo ở những vùng có điều kiện kinh tế khó khăn trong tỉnh.
Tuyên truyền lưu động về Chủ động phòng, chống bạo lực xâm hại phụ nữ và trẻ em
Trong năm qua, Sở Tư pháp đã tổ chức 17 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho 300 người dân tham gia; cấp phát tờ truyền thông về trợ giúp pháp lý gần 350 tờ cho UBND cấp xã; tham gia 9 đợt sinh hoạt Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý với 135 người dân tham gia; phát hành định kỳ bản tin tư pháp tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bình đẳng giới (9 kỳ/năm) với số lượng 21.000 tờ/kỳ đến các ban, ngành, mặt trận và đoàn thể cấp tỉnh, huyện, xã; các trường học, ấp, khu phố,… thực hiện trợ giúp pháp lý 75 vụ việc với 75 người được trợ giúp pháp lý. Ngoài ra, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới còn được thực hiện thông qua công tác hòa giải ở cơ sở. Toàn tỉnh hiện có 986 tổ hòa giải với 7.637 hòa giải viên. Lực lượng này thường xuyên được tập huấn về kiến thức pháp luật và kỹ năng hòa giải ở cơ sở, đáp ứng được yêu cầu trong công tác hòa giải ở cơ sở và phòng, chống bạo lực gia đình.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức triển khai đến tất cả các thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình tỉnh; 9/9 huyện, thành phố và 164/164 xã, phường, thị trấn toàn tỉnh bằng nhiều hình thức như tổ chức các lớp tập huấn với khoảng 1.800 đại biểu tham dự và cấp phát hơn 1.800 cuối sách, tài liệu,… Đồng thời, thu thập số liệu về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Tổng số vụ bạo lực gia đình phát hiện trong năm là 89 vụ, trong đó có 26 vụ tinh thần, 49 vụ thân thể, 02 vụ tình dục, 12 vụ kinh tế. Năm 2018, Sở cũng đã nhân rộng mô hình hỗ trợ bảo về và đảm bảo an toàn cho nạn nhân bạo lực gia đình tại 15 xã, phường thị trấn của 8/9 huyện, thành phố. Riêng huyện Thạnh Phú, năm 2018 chưa thực hiện nhân rộng mô hình phòng chống bạo lực gia đình. Tất cả các ấp, khu phố khi được công nhận đạt chuẩn đơn vị văn hóa phải có xây dựng quy ước, hương ước và có nội dung đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới. Đến nay, toàn tỉnh có tất cả 100% ấp, khu phố của 164/164 xã, phường, thị trấn đều có xây dựng quy ước, hương ước.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo Hội các cấp tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong hệ thống Hội thông qua các buổi sinh hoạt tại các chi/tổ Hội, các câu lạc bộ, họp mặt, tọa đàm,… có 2.721 cuộc với 82.745 lượt hội viên phụ nữ tham dự.
Liên đoàn Lao động tỉnh phố hợp đã tổ chức 03 cuộc tuyên truyền về dân số, tư vấn và khám sức khỏe sinh sản cho 470 nữ công nhân lao động.
Bên cạnh đó, ngành Y tế đã tổ chức 27 lớp tập huấn cho 2.807 đại biểu tham gia hoạt động truyền thông, tuyên truyền chăm sóc sức khỏe sinh sản, thực hiện 06 chuyên mục, 1 phóng sự ngắn, phát hành 36.000 bản tin, tổ chức 02 hội thi, thực hiện 12 chuyên trang trên Báo Đồng Khởi, 45 buối sinh hoạt chuyên đề. Ngoài ra, còn tổ chức 56 cuộc tuyên truyền cho 5.651 nữ công viên chức và người lao động về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách về bình đẳng giới để nâng cao kiến thức, giúp cho lực lượng nữ của ngành tự tin phấn đấu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong cuộc sống.
Khối ngành Công an, các phòng nghiệp vụ phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể khối ngành Công an tỉnh tổ chức tọa dàm về các nội dung liên quan đến chủ đề của tháng hành động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, tổ chức tuyên truyền, phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, trong đó lồng ghép các nội dung về bình đẳng giới 07 cuộc có 529 lượt người tham dự.
Song song với công tác tuyên truyền, công tác tập huấn cũng được quan tâm thực hiện. Năm 2018, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về bình đẳng giới cho cán bộ làm công tác trẻ em – giảm nghèo cấp xã; tập huấn phần mềm quản lý thông tin trẻ em tại cơ sở; tập huấn về công tác gia đình, phòng chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới với 1.956 học viên tham dự. Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cũng phối hợp với Phòng lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện tổ chức tập huấn nghiệp vụ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội cho 06 lớp với 435 đại biểu tham dự (nữ chiếm 65%) là lãnh đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện; Công chức phụ trách công tác trẻ em, giảm nghèo, bình đẳng giới cấp huyện; lãnh đạo phụ trách văn hóa xã hội cấp xã; công chức phụ trách công tác trẻ em giảm nghèo, văn hóa thông tin, lao động – thương binh – xã hội cấp xã (trong đó có thành viên của Ban vì sự tiến bộ phụ nữ cấp huyện, cấp xã).
Các tập thể Bến Tre nhận bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vì thành tích xuất sắc trong công tác triển khai Luật Bình đẳng giới
Đặc biệt, 30-11-2018, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2018 tại hội trường Khu làm việc Mặt trận đoàn thể. Chủ đề của năm 2018 là “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”. Đây là năm thứ ba tỉnh tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới, nhằm thu hút sự quan tâm, đề cao vai trò, trách nhiệm và tính chủ động tham gia hành động của cá nhân, gia đình, cộng đồng, cơ quan, tổ chức trong việc phòng chống bạo lực và xâm hại phụ nữ và trẻ em.
Có thể nói, trong năm 2018, các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị tỉnh Bến Tre đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền để góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về vai trò, vị trí của phụ nữ và bình đẳng giới; về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với phụ nữ và công tác phụ nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững… Nhờ đó góp phần tiếp tục thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của chương trình, chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, chú trọng lồng ghép việc thực hiện bình đẳng giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, việc làm, giáo dục và đào tạo, chăm sóc sức khỏe phụ nữ vào các đề án, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương./.
Mỹ Hằng
TAG: