Bế giảng lớp đào tạo công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ khu vực miền Trung và Tây Nguyên
(LĐXH) - Ngày 22/3/2018, tại thành phố Hội An (tỉnh Quảng Nam), Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Lễ bế giảng lớp đào tạo Công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ, khoá 1 khu vực miền Trung và Tây Nguyên. TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội đã tới dự và trao Giấy Chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên.
Tham dự Lễ Bế giảng còn có TS. Trần Ngọc Diễn, Tổng Biên tập Tạp chí Lao động và Xã hội; ông Huỳnh Tấn Triều, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam; các thầy cô giáo tham gia giảng dạy cùng toàn thể 32 học viên của lớp học.
Phát biểu tại Lễ bế giảng, TS. Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội nhấn mạnh: Ngày 25/3/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010-2020, với mục tiêu chủ yếu là phát triển CTXH trở thành một nghề ở Việt Nam; Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về nghề CTXH; Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đủ về số lượng, đạt yêu cầu về chất lượng gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.
Có thể nói, từ khi Đề án 32 ra đời đến nay đã triển khai được 7 năm, lĩnh vực CTXH đã đạt được một số thành tựu nổi bật: Về hành lang pháp lý, các Bộ, ngành liên quan đã chủ động xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản quy phạm pháp luật quy định về chức danh, mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức CTXH; tiêu chuẩn chăm sóc đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội; tiêu chuẩn cộng tác viên CTXH cấp xã; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của trung tâm CTXH; quản lý trường hợp; quy định về chế độ tiền lương đối với đội ngũ viên chức CTXH; phụ cấp ưu đãi đối với công chức, viên chức, người lao động làm việc tại cơ sở trợ giúp xã hội. Cùng với đó, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số luật, Bộ luật liên quan đến phát triển nghề CTXH như: Bộ luật Lao động; Luật Trẻ em, Luật Con nuôi, Luật Người cao tuổi... Với khung pháp lý như trên đã tạo điều kiện giúp các Bộ, ngành, địa phương thuận lợi hơn trong phát triển nghề CTXH tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH đã dần được hoàn thiện và phát triển ở các ngành, đặc biệt là ngành Lao động - TBXH, ngành Y tế, các hội, đoàn thể chính trị xã hội và ở tất cả các tỉnh, thành phố. Chỉ tính riêng ngành Lao động - TBXH hiện đang quản lý và vận hành trên 500 cơ sở có cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập để trợ giúp cho những người có công với cách mạng, người nghèo và người yếu thế. Các bệnh viện lớn của ngành Y tế cũng đã hình thành phòng CTXH hoặc bộ phận CTXH để hỗ trợ bệnh nhân trong khám, chữa bệnh; hàng trăm nghìn người làm CTXH ở các ngành, hội, đoàn thể các cấp và cộng tác viên CTXH.
Lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CTXH cũng được chú trọng hơn so với những năm đầu triển khai Nghị quyết số 32/QĐ-TTg. Nếu như trước đây chỉ có 1-2 cơ sở đào tạo CTXH trình độ trung cấp thì hiện nay số lượng các cơ sở có đào tạo chuyên ngành CTXH tăng nhanh. Cả nước hiện có 55 trường đại học, cao đẳng và 21 cơ sở dạy nghề có đào tạo chuyên ngành CTXH, số tuyển sinh hàng năm khoảng 3.500 chỉ tiêu cử nhân. Đáng chú ý, có 05 trường đã tiến hành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, ngành CTXH. Đội ngũ giảng viên, cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cũng theo TS. Nguyễn Văn Hồi, một trong những nội dung quan trọng mà Đề án 32 làm được là đã tổ chức đào tạo, đào tạo lại và tập huấn cho 50% số cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH đang làm việc tại các xã, phường, thị trấn, các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và cơ quan Lao động - TBXH các cấp.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Lao động - TBXH, từ năm 2011 đến nay, Cục Bảo trợ xã hội đã tổ chức nhiều khóa đào tạo nhằm tăng cường kiến thức và kỹ năng quản lý CTXH cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo các Sở Lao động - TBXH, phòng Bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội, Trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH và một số lĩnh vực chuyên ngành như CTXH với người tân thần, CTXH với người nhiễm HIV, CTXH với người nghiện ma túy... Trong năm 2017, Cục đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội và Đại học Sư phạm Hà Nội là những trường có nhiều kinh nghiệm trong xây dựng giáo trình CTXH và có đội ngũ giảng viên nhiều kinh nghiệm để xây dựng và biên soạn bộ giáo trình về CTXH với trẻ tự kỷ. Mục tiêu là nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ về CTXH trong chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ cho cán bộ, nhân viên tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
Năm 2017 cũng là năm đầu tiên Cục Bảo trợ xã hội tổ chức đào tạo chương trình này với 3 lớp ở Hà Nội, Hội An và TP. HCM. Nội dung đào tạo gồm 9 môn học: (1) Đại cương về CTXH với trẻ tự kỷ; (2) Tham vấn, hỗ trợ gia đình trẻ tự kỷ; (3) Quản lý ca với trẻ tự kỷ; (4) Tổng quan về trẻ tự kỷ ở Việt Nam và phương pháp giáo dục, can thiệp về hành vi, kỹ năng xã hội cho trẻ tự kỷ; (5) Tâm lý học lâm sàng với trẻ tự kỷ; (6) Các phương pháp chẩn đoán, đánh giá trẻ tự kỷ; (7) Phát triển ngôn ngữ và giao tiếp cho trẻ tự kỷ; (8) Chăm sóc, hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ; (9) Hướng dẫn thực hành và lập kế hoạch hỗ trợ trẻ tự kỷ tại các cơ sở.
Cũng tại Lễ Bế giảng, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Nguyễn Văn Hồi đánh giá cao tinh thần học tập nghiêm túc của các học viên, nhất là trong điều kiện vừa học vừa dành thời gian giải quyết công việc ở cơ quan, đơn vị; cùng sự tận tâm, nhiệt tình của các thầy, cô giáo để khóa học thành công tốt đẹp. Đồng chí Cục trưởng đã trao Giấy chứng nhận hoàn thành khóa học cho 32 học viên lớp học đến từ các trung tâm cung cấp dịch vụ CTXH; cơ sở trợ giúp xã hội; trung tâm bảo trợ xã hội...
PV
TAG: