Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên
(LĐXH) - Trong bối cảnh kinh tế xã hội có nhiều biến chuyển, sự giao lưu hội nhập văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nhiều thể loại âm nhạc dân gian cũng có dấu hiệu bị biến đổi, phai nhạt và có nguy cơ biến mất, ngày 29/3/2023, Học viện Âm nhạc Huế tổ chức Hội thảo: “Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên trong đời sống hiện nay” nhằm đưa ra những giải pháp bảo tồn và mô hình phát huy giá trị âm nhạc Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên là vùng đất sở hữu nhiều di sản âm nhạc, nhiều thể loại âm nhạc truyền thống đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng miền và tộc người. Thời gian qua, các cấp, ngành quản lý đã có nhiều chính sách đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng. Việc thực thi các chính sách bảo tồn và phát huy Văn hóa Phi vật thể nói chung và âm nhạc dân gian nói riêng đã tạo nên những dung mạo mới cho đời sống văn hóa cũng như động lực sáng tạo, thực hành đối với di sản. Tuy nhiên, sự không đồng đều trong thực hành chính sách, vấn đề tìm hiểu thực tiễn thực hành âm nhạc dân gian trong đời sống hiện nay nói chung và trên địa bàn 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế nói riêng để có những đánh giá về tính hiệu quả của chính sách, tác động của chính sách đối với diện mạo của di sản âm nhạc/ âm nhạc dân gian và hiệu quả phát huy giá trị của nó trong đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân gần như vẫn là vấn đề cần thiết và thường xuyên.
Theo đánh giá, trong nhiều năm gần đây, những bài viết, nghiên cứu, luận văn, luận án về âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên đã khá phát triển về số lượng lẫn chất lượng, nhờ đó đã đóng góp những tư liệu sưu tầm âm nhạc quý giá cho di sản âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên, đánh thức những di sản đang vẫn còn “ngủ yên” trong cộng đồng và đồng thời đưa ra những kiến nghị cho công tác bảo tồn.
ThS. Nguyễn Thị Thanh Hương, chủ nhiệm đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên trong đời sống hiện nay” cho biết: Là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình hài của nghệ thuật âm nhạc nói riêng và văn hóa dân gian người Việt Nam nói chung, trải qua nhiều thế kỷ tạo dựng, tiếp biến, phát triển… dân ca Bình Trị Thiên ngày nay đã có nhiều biến đổi. Cùng với sự thay đổi của hình thức lao động, sản xuất, kinh tế cũng như quá trình toàn cầu hóa, công nghệ hóa, đô thị hóa, đời sống thay đổi, không gian văn hóa, âm nhạc dân gian dân ca đã xuất hiện những biến đổi không thể cưỡng lại cũng như nguy cơ mai một. Những vấn đề về bảo tồn và phát huy dân ca trong đời sống hiện nay hầu như chưa có công trình tập trung chuyên sâu. Đối với công tác bảo tồn – phát huy di sản văn hóa vi vật thể, phần thu thập tư liệu nghiên cứu càng hết sức quan trọng. Dù ít hay nhiều, sâu hay nông, rộng hay hẹp… những thành quả nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ luôn là bài học sâu sắc cho những nghiên cứu kế tục.
"Tuy trong nghiên cứu âm nhạc dân tộc học, công việc điền dã, tham gia vào cộng đồng để hiểu biết, nhận diện được các làn điệu âm nhạc trong đời sống của nó là điều cần thiết nhưng ngân hàng dữ liệu, nguồn tư liệu âm thanh đã được thu thập sẽ hết sức cần thiết và quý giá để so sánh, tìm ra quy luật biến đổi và định hướng cho công tác bảo tồn" - Bà Hương đưa ra lập luận thêm.
Bàn về việc phát huy vai trò của nghệ nhân trong bảo tồn và phát huy di sản, PGS. TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm khẳng định: Nghệ nhân, những người nắm giữ di sản là những “báo vật nhân văn sống” của đất nước. Nhờ các nghệ nhân mà những nghề truyền thống có từ bao đời nay ở các cộng đồng làng được lưu giữ, phát huy. Những nghệ nhân còn là người đại diện cho di sản, thực hành di sản, trao truyền di sản cho cộng đồng. Chăm sóc, quan tâm đến nghệ nhân là bước đầu tiên cần làm vì mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong cộng đồng. Cần có một chính sách đầy đủ, đảm bảo cuộc sống, tạo điều kiện cho tất cả nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân được sống, làm việc, cống hiến cho di sản một cách thực sự. Để những “báu vật nhân văn sống” có một môi trường để sáng tạo, biểu diễn, truyền dạy… cũng có nghĩa là di sản đang được bảo tồn và phát huy tốt. Chính sách vinh danh, hỗ trợ, tạo điều kiện, môi trường để nghệ nhân sáng tạo, cống hiến cũng chính là tạo nền tảng vững chắc cho di sản tồn tại và đến phiên mình, “những báu vật nhân văn sống” sẽ là một yếu tố quan trọng để phát huy di sản.
Đưa ra quan điểm về việc bảo tồn di sản âm nhạc dân gian ở các học viện, trường âm nhạc chuyên nghiệp, TS. Trần Hữu Quang, Học viện Âm nhạc Huế cho rằng: Những yếu tố, điều kiện làm cho không gian văn hoá thay đổi thì âm nhạc cũng sẽ chịu tác động và có nhiều biến đổi. Sự biến đổi đó có thể theo nhiều chiều, có thể là cải biên, tiếp biến yếu tố ngoại lai, bị biến đổi về bản chất và kể cả nguy cơ biến mất đối với di sản âm nhạc dân gian. Do đó, việc đưa âm nhạc dân gian vào đào tạo trong các học viện âm nhạc có lẽ là một trong nhiều cách làm, là con đường tốt nhất phải thực hiện vì sự nghiệp bảo tồn âm nhạc nói riêng và kể cả hướng đến việc bảo tồn văn hoá dân gian, “không gian văn hoá” nói chung.
Ông Quang nhấn mạnh thêm, đào tạo chính là bảo tồn một cách sống động và bảo đảm bền vững. Đào tạo con người chính là tạo ra nhân tố giữ gìn di sản, phát huy di sản tốt nhất. Di sản được bảo tồn, được bám rễ sâu bền chính ngay trong con người. Đào tạo con người là đào tạo một đội ngũ có khả năng kế thừa di sản, bảo vệ di sản khỏi sự xâm hại mà còn có thể làm di sản phát triển. Bằng chứng là nền âm nhạc bác học châu Âu đã được “bảo tồn và phát triển” một cách hoàn hảo từ những con người được đào tạo từ hàng trăm Nhạc viện, học viện âm nhạc... ở hàng chục quốc gia trên khắp thế giới.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, giảng viên về âm nhạc cũng đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng như: Nhận diện giá trị âm nhạc dân gian - dân ca người Việt ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế (Bình Trị Thiên) tập trung vào 3 đặc điểm sau: giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật (giai điệu, tiết tấu, ca từ); Thực trạng về việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên (việc thực hành ở cộng đồng; trao truyền kỹ năng, bí kíp; đội ngũ nghệ nhân và sự hỗ trợ của nhà nước, xã hội hóa); Những tác động của quá trình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đối với âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên; Những xu hướng biến đổi, tiếp biến của văn hóa âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên trong đời sống đương đại; Ý kiến đóng góp, giải pháp bảo tồn và những mô hình nhằm phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên. Cụ thể, giải pháp bảo tồn đối với mỗi loại hình diễn xướng dân ca, dân nhạc và dân vũ của các dân tộc ở các địa phương; Vấn đề bảo tồn và phát huy âm nhạc dân gian các dân tộc trong sự phát triển bền vững của các tỉnh Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên.
Các đại biểu tham dự đã có những đóng góp tích cực về các giải pháp quan trọng, hiệu quả và thiết thực ngoài các tham luận để cùng chung tay thực hiện bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên trong thời gian đến./.
Hà Giang
TAG:
văn hóa âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên
bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc dân gian Bình Trị Thiên