Trẻ em
Trang chủ / Xã hội / Trẻ em
Bạo lực học đường: nguyên nhân không chỉ từ trường học
04:42 PM 14/11/2016
LĐXH - Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ bạo lực học đường gần đây là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Bạo lực học đường đang trở thành vấn đề nóng khi thời gian vừa qua, những vụ ẩu đả giữa các em ngày càng mang tính chất côn đồ hơn: Đánh hội đồng, lăng mạ nạn nhân... Điều đáng buồn là khi chứng kiến những vụ ẩu đả đó, nhiều học sinh đứng ngoài xem, cổ vũ, rồi dùng điện thoại quay clip với thái độ khoái trá vì sắp có clip “hot” được tung lên mạng, câu like, câu conment. Tính chất và mức độ nghiêm trọng của một số vụ việc gần đây là một dấu hiệu về sự sa sút đạo đức, lối sống, văn hoá ứng xử và yếu kém về kỹ năng sống của một bộ phận học sinh, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường giáo dục, môi trường xã hội, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cũng thừa nhận: Tình trạng bạo lực học đường hiện nay đang diễn ra hết sức phức tạp. Chỉ vì những chuyện nhỏ nhặt thường ngày mà các em đã ứng xử với nhau thiếu lòng nhân ái, trái với chuẩn mực đạo đức xã hội, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam. Không chỉ là các em học sinh nam đánh nhau, mà còn xảy ra khá nhiều vụ học sinh nữ đánh nhau hội đồng, với những cử chỉ thô bạo, nhiều vụ việc đã gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Bên cạnh đó, nhiều học sinh thiếu ý thức, vô cảm trước những hành vi bạo lực, không can ngăn mà còn sử dụng điện thoại di động để quay video clip và đưa lên mạng xã hội như một sự cổ súy cho những hành vi bạo lực này.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cũng chia sẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Theo đó, trước hết là các em học sinh chưa được giáo dục đầy đủ về đạo đức, nhân cách, lối sống, chưa có đủ kỹ năng để ứng phó và giải quyết các tình huống xảy ra hàng ngày; sự thay đổi tâm sinh lý lứa tuổi, luôn muốn khẳng định mình, cũng có thể dẫn đến những hành vi lệch lạc, thiếu kiểm soát, thiếu kiềm chế. Bên cạnh đó, về phía gia đình, một số bố mẹ thiếu quan tâm đến con cái, không thường xuyên theo dõi, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, những diễn biến tâm lý, tình cảm của con cái để kịp thời uốn nắn những lệch lạc, hướng con em theo một con đường tốt đẹp. Cũng phải nói đến nguyên nhân từ phía xã hội, đó là do tác động của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của học sinh, các em rất dễ bị cuốn theo lối sống thực dụng, đua đòi, thiếu lành mạnh, hành vi bạo lực từ mạng internet, phim ảnh, game online. Một trong những nguyên nhân quan trọng là từ giáo dục trong nhà trường là nội dung chương trình giáo dục đạo đức - công dân có phần còn nặng về lý thuyết, ít liên hệ với thực tiễn và việc ứng xử với những tình huống cụ thể, phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chưa cuốn hút học sinh. Phương thức tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa chưa phù hợp, chưa có nhiều hoạt động trải nghiệm để giúp học sinh nhận thức được các bài học về giá trị của lòng nhân ái, bao dung, giá trị của sự tôn trọng và trách nhiệm của bản thân, nhận diện và lên án các hành vi bạo lực... Vai trò của các tổ chức Đoàn, Hội, Đội trong một số nhà trường chưa được phát huy, giáo viên chủ nhiệm chưa thực sự sâu sát với học trò, chưa thường xuyên liên hệ với gia đình để quản lý, giáo dục học sinh; một số thầy cô giáo cũng chưa thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.

Ảnh minh họa

Theo bà Phạm Thị Hải Hà, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bạo lực học đường bên cạnh những nguyên nhân trên còn xuất phát từ việc các em thiếu địa điểm vui chơi, giải trí lành mạnh. “Trong độ tuổi học sinh, các em có nhu cầu giải phóng năng lượng nhiều nên cần phải có sân chơi để chạy, nhảy. Hoặc những stress trong cuộc sống, trong học tập, các em cần có chỗ để giải tỏa những bức xúc đó thông qua những trò chơi vận động, những hoạt động giải trí lành mạnh. Tuy nhiên, hiện nay tại các thành phố lớn, sân chơi cho các em đang ngày càng thiếu trầm trọng trong khi điện thoại thông minh, mạng Internet rất sẵn nên các em online thường xuyên là điều dễ hiểu. Nhiều em nghiện mạng xã hội, gần như thường xuyên online nên ngày càng thiếu những kỹ năng sống. Thấy bạn bị đánh thay vì can ngăn lại đứng nhìn, dùng điện thoại quay clip đẩy lên mạng xã hội để câu like, câu conmen. Đây là thực trạng đáng báo động”, bà Hà nhấn mạnh.

Để ngăn chặn, đẩy lùi và từng bước chấm dứt tình trạng bạo lực học đường, rất cần sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các cấp các ngành, các tổ chức đoàn thể xã hội để xây dựng môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình, môi trường xã hội lành mạnh, không bạo lực, tạo điều kiện cho học sinh được phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ và tâm hồn đạo đức trong sáng và lành mạnh.

Đăng Doanh

 

 

TAG:
Tin khác
Huyện Lục Nam (Bắc Giang) hoàn thành hỗ trợ 38 nhà ở cho người có công
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
Hội thảo thúc đẩy và bảo vệ quyền của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN
Huyện Nam Trà My: Triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chương trình giảm nghèo
Trọn vẹn nghĩa tình ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng