Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Áp dụng công nghệ để ngăn ngừa trục lợi BHYT
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, nguyên nhân cấp trùng thẻ BHYT là do có nhiều cơ quan quản lý lập danh sách đối tượng chuyển sang để cơ quan BHXH cấp thẻ BHYT. Do đó, việc thông tin không trùng khớp (họ tên, địa chỉ, ngày sinh...) dẫn đến một người có thể được cấp hơn một thẻ ở các nhóm đối tượng khác nhau. Để hạn chế việc cấp trùng thẻ, BHXH đã xây dựng, bổ sung chức năng rà soát thẻ trùng trong “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”.
6 tháng khám hơn 300 lần
Nhận định về những trường hợp bị cấp trùng thẻ BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn cho biết, đa số việc cấp trùng thẻ rơi vào những người vừa là người có công với cách mạng, vừa là thân nhân lực lượng vũ trang, hay cựu chiến binh, người dân tộc thiểu số... Hiện nay, BHXH đang áp dụng “Phần mềm quản lý thu, cấp sổ thẻ BHYT”, qua đó tình trạng cấp trùng thẻ BHYT qua các năm đã giảm thiểu đáng kể. Cụ thể năm 2013, số thẻ BHYT cấp trùng là 230.835 thẻ, số tiền cấp trùng là 133,69 tỉ đồng; năm 2014 số thẻ BHYT cấp trùng là 160.912, số tiền cấp trùng là 82,2 tỉ đồng; năm 2015 số thẻ BHYT cấp trùng là 116.096, số tiền cấp trùng là 54 tỉ đồng.
Ông Phạm Lương Sơn khẳng định, một người cho dù có được cấp nhiều thẻ BHYT nhưng khi đi khám chữa bệnh (KCB) cũng chỉ sử dụng 1 thẻ và số tiền cấp trùng vẫn nằm trong Quỹ BHYT nên không có sự thất thoát ngân sách nhà nước do cấp trùng thẻ.
Đặc biệt, thời gian qua, cơ quan BHXH đã tăng cường công tác giám định, kiểm tra, từ chối thanh toán các chi phí sai quy định lên tới hàng trăm tỉ đồng mỗi năm; đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT. Và BHXH đã đưa ra các giải pháp quyết liệt, đồng bộ như thành lập các đoàn kiểm tra việc thanh toán chi phí KCB tại các địa phương; phối hợp với Bộ Y tế, Tổng hội Y học Việt Nam triển khai đánh giá công tác KCB tại địa phương theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại Công văn số 7200/VPCP-KGVX; chỉ đạo BHXH 63 tỉnh, thành phố tập trung kiểm soát chi phí; đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường; yêu cầu BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với sở y tế tổ chức tốt việc đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc, vật tư y tế điều trị hiệu quả, phù hợp với khả năng chi trả của Quỹ BHYT.
Ngoài ra, BHXH đã chính thức vận hành hệ thống thông tin giám định BHYT, kết nối với trên 99% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến xã đến T.Ư trên phạm vi toàn quốc. Việc giám định BHYT điện tử là bước đột phá, có ý nghĩa quan trọng, làm thay đổi căn bản phương pháp giám định, quản lý chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT; đảm bảo tính chính xác trong công tác giám định, minh bạch trong thanh toán BHYT, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý và ngăn ngừa tình trạng trục lợi, lạm dụng Quỹ BHYT.
Hệ thống đã phát hiện những trường hợp đi khám, chữa bệnh nhiều lần trong ngày, nhiều ngày trong tháng để “lấy” thuốc không vì mục đích điều trị của bản thân. Có những trường hợp đi khám hàng trăm lần trong 4 - 6 tháng; ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Gia H (TPHCM, mã thẻ GD47917002...) chỉ từ tháng 6.2016 - 2.2017 đã đi khám 308 lần tại 23 cơ sở, với số tiền được hưởng KCB là hơn 51 triệu đồng…
Cần sửa đổi để cân đối mức đóng và mức hưởng
Được biết, hiện nay mức đóng BHXH tiếp tục giữ nguyên từ Luật BHXH năm 2006 (Quỹ hưu trí tử tuất, người sử dụng lao động đóng 14% và người lao động đóng 8%; Quỹ TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, người sử dụng lao động đóng 1%; Quỹ ốm đau, thai sản, người sử dụng lao động đóng 3%). Tuy nhiên, Luật BHXH năm 2014 đã bổ sung nhiều quyền lợi đối với người hưởng, như: Mẹ sinh con thì bố cũng được nghỉ việc hưởng trợ cấp, lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng trợ cấp thai sản; tăng mức hưởng chế độ BHXH một lần; mở rộng đối tượng được hưởng BHXH một lần.
“Như vậy, mức thu không tăng trong khi mức chi tăng dẫn đến các quỹ sớm mất cân đối là tất yếu. Vì vậy giải pháp lâu dài cần nghiên cứu, đánh giá chi tiết về thực tế chính sách hiện hành để đề xuất sửa đổi phù hợp hơn trong cân đối giữa mức đóng và mức hưởng.
Về trước mắt, BHXH được giao nhiệm vụ quản lý và sử dụng các quỹ BHXH, chúng tôi rất tích cực thực hiện các biện pháp để khắc phục tình trạng này như: Tích cực cải cách thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nghiệp vụ để giảm các chi phí hành chính; chú trọng công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH; đổi mới các hình thức tuyên truyền đến người lao động, người dân; giao chỉ tiêu phát triển đối tượng đến cơ quan BHXH từng cấp, từng cán bộ BHXH chuyên quản; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý kịp thời những đơn vị, cá nhân trốn đóng, nợ đóng hoặc lạm dụng, khai man hưởng các chế độ BHXH; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ để nâng cao chất lượng thực thi công vụ theo hướng phục vụ tốt nhất người lao động và nhân dân; bố trí, sắp xếp bộ máy hoạt động hiệu quả nhất” - Phó Tổng Giám đốc BHXH Phạm Lương Sơn cho biết.
PV
TAG: